Lý luận - phê bình

Đóng góp của văn nghệ sĩ nhìn từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam”

GS.TS Lê Hồng Lý 20:05 01/04/2023

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” (Đề cương), ngay từ khi ra đời đã cho thấy tầm nhìn và giá trị của nó đối với văn hóa Việt Nam nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Sự tác động, ảnh hưởng cũng như tính thời sự của Đề cương là một nghiên cứu đáng xem xét trong lịch sử đất nước, vừa mang tính chính trị vừa mang đậm giá trị văn hóa đất nước. Song, cũng từ đó để thấy rõ vai trò đóng góp của văn nghệ sĩ qua từng giai đoạn lịch sử đất nước.

Giai đoạn đấu tranh chống Pháp

Trong bối cảnh đầu những năm 1940, cuộc đấu tranh chống phát xít Nhật và thực dân Pháp của nhân dân ta đang ở giai đoạn đấu tranh khốc liệt, dân trí và nhận thức của đồng bào còn hạn chế, một số thành phần trí thức bị sa đà vào chủ nghĩa lãng mạn, trở nên bi quan, bế tắc, hoang mang và rời xa thực tế. Bên cạnh đó, khi phát xít Nhật nhảy vào hất cẳng thực dân Pháp, thì sự tuyên truyền một nước Nhật đế quốc với tham vọng đại Đông Á, thuần chủng máu đỏ da vàng… thống lĩnh toàn thế giới đã làm không ít trí thức đương thời như tìm được cứu cánh khi theo Nhật. Một bối cảnh xã hội thực sự ảm đạm đối với đất nước trước gọng kìm một ách hai tròng của thực dân, đế quốc.

de-cuong-van-hoa-1.jpg
Các nhạc sĩ đang biểu diễn trong thờ kỳ kháng chiến chống Pháp - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Chính vì thế, năm 1943, Đảng ta đưa ra bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2/1943 nhằm thức tỉnh dân tộc và vạch đường hướng cho cuộc cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Đề cương văn hóa đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình là ngọn đuốc soi đường, là kim chỉ nam cho một lớp trí thức, văn nghệ sĩ còn đang bế tắc, phân vân trước thời cuộc được thức tỉnh, “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ” (Tố Hữu). Niềm tự hào dân tộc và giá trị dân tộc của “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về” (Nguyễn Đình Thi). Từ phận người bị áp bức, từ những người dân mất nước, Đề cương đã góp phần vực dân ta vùng lên đấu tranh, bảo vệ văn hóa dân tộc, làm cho cuộc kháng chiến của đất nước mang tính chính nghĩa và đầy đủ ý nghĩa nhân văn. Từ đây, văn hóa cũng là một mặt trận - như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến”.

Đề cương hướng đến ba nguyên tắc chính là: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập). Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng). Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).

Từ đó, hàng ngàn văn nghệ sĩ đã từ bỏ những mộng tưởng lãng mạn hóa nơi đô thành để “tiến mau ra sa trường” (Văn Cao) để dấn thân vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ cùng những “đoàn quân không mọc tóc” (Quang Dũng), và có một “Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954. Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa của Đề cương đã ăn sâu vào tư tưởng của các văn nghệ sĩ, khơi dậy cho họ lòng yêu nước nồng nàn để hoà nhập vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Ngoài những tác phẩm nổi tiếng kể trên, còn có thể thấy hàng trăm những tác phẩm văn học, nghệ thuật đã tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến trường kỳ ấy mà đến hôm nay khi nhắc đến vẫn còn làm chúng ta bồi hồi, xao xuyến, tự hào như “Người Hà Nội”, “Bộ đội về làng”, “Lên ngàn”, “Du kích sông Thao”, “Mùa đông binh sĩ”, “Hò kéo pháo”, “Bên kia sông Đuống”, “Đồng chí”, “Núi đôi”…

Điều đáng kể ở đây đó là trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về các nguồn tư liệu về lý luận, điều kiện học tập, tham khảo trong việc nghiên cứu, lại đang ở trong tình trạng cấp bách của việc giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, số phận dân tộc trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, độc lập tự do là nhu cầu quan trọng nhất trong khi ấy, mà Đảng lại đưa ra được những vấn đề mang đủ tính Dân tộc, Đại chúng và Khoa học - Những nguyên tắc mà cho đến hôm nay giá trị về tầm nhìn và tính thời sự của Đề cương càng được khẳng định một cách mạnh mẽ - Mặc dù ở giai đoạn này, tính chính trị của những nguyên tắc đã nêu được quan tâm coi trọng nhiều hơn do bối cảnh lịch sử khi đó vì mục đích giành chính quyền, giải phóng dân tộc.

Giai đoạn chống Mỹ, thống nhất đất nước

Vẫn trong tinh thần ấy, bước sang cuộc chiến chống Mỹ, Đề cương từ lý luận đến thực tiễn đã đồng hành cùng sự nghiệp kháng chiến của dân tộc, thúc đẩy toàn thể nhân dân lao vào cuộc trường chinh gian khổ hơn, dài lâu hơn và ác liệt hơn nhiều. Song tư tưởng của Đề cương đã được các văn nghệ sĩ thể hiện mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn trên nhiều mặt trận văn hóa nghệ thuật như văn học, âm nhạc, hội hoạ, biểu diễn, điện ảnh… Những tác phẩm văn học đã thôi thúc hàng vạn thanh niên lên đường với khẩu hiệu “cuộc đời đẹp nhất là trên trận chiến chống quân thù”, “đâu có giặc là ta cứ đi”. Những tác phẩm văn học “từ miền Nam gửi ra” đã thúc đẩy tinh thần mỗi con người Việt Nam “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Bên cạnh huy động sức người, sức của vào cuộc kháng chiến đầy gian khổ chống đế quốc Mỹ thời kỳ này, có thể thấy vai trò của văn nghệ sĩ có những đóng góp vô cùng to lớn. Những áng văn thơ lay động lòng người, khích lệ tinh thần dũng cảm, thôi thúc hàng triệu trái tim sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, những “tiếng hát át tiếng bom”, hay những thước phim phơi trần hiện thực khốc liệt đầy mùi thuốc súng chiến trường và phải trả bằng máu của những chiến sĩ, nghệ sĩ là những đóng góp không gì thay thế được của văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Mỹ.

Nếu như trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đội ngũ văn nghệ sĩ của chúng ta hầu hết là những người được đào tạo từ thực tiễn, thì sang giai đoạn chống Mỹ chúng ta đã có những trường lớp đào tạo bài bản hơn về mặt lý luận và kỹ năng nghề nghiệp, điều mà trong giai đoạn trước là niềm mơ ước. Đó là các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm, các trường nghệ thuật ở miền Bắc thời gian đó dù phải đi sơ tán trong điều kiện vô cùng khó khăn, song đã đào tạo được một lớp nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ múa, đạo diễn, biên kịch… Họ vừa có tài năng vừa được đào tạo về lý luận nên đã mang trong mình tư duy lý luận khoa học về ngành nghệ thuật mà mình sở hữu. Chính điều đó đã nâng tầm cho các tác phẩm mà họ sáng tác và từ đó đưa nguyên tắc khoa học mà Đề cương đặt ra ở một tầm cao mới. Một lớp trí thức bất kể đã tốt nghiệp hay còn đang trên ghế nhà trường đều lên đường chiến đấu để có được một thế hệ nhà văn chống Mỹ như Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Thu Bồn, Nguyễn Như Phong, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý… Họ đã sát cánh cùng các nhà văn đàn anh như Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Anh Đức để làm nên một thế hệ nhà văn thời chống Mỹ là như vậy. Tương tự như vậy là các lĩnh vực khác như sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh… Họ đã đem “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” làm nên một đại thắng mùa xuân, Nam Bắc liền một dải vào năm 1975 và thống nhất một nhà năm 1976 đến hôm nay.

Cho đến hôm nay, các tác phẩm văn học nghệ thuật thời kỳ chiến tranh chống Mỹ vẫn là những tượng đài tiêu biểu trong lịch sử dân tộc. Nó cho thấy tinh thần của Đề cương thấm sâu trong tâm khảm những người văn nghệ sĩ thời kỳ đó. Một kho tàng văn học chiến tranh, một dòng nhạc đỏ và những tác phẩm nghệ thuật khác thời kỳ này đã trở thành những khuôn mẫu, những giá trị riêng phản ánh một giai đoạn văn hóa của dân tộc. Đồng thời cũng chỉ ra một tầm cao mới của Đề cương so với giai đoạn trước đó.

Giai đoạn phục hồi, xây dựng đất nước sau chiến tranh

Từ khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới, kinh tế dần ổn định, đời sống của nhân dân đã được cải thiện và nâng cao. Chúng ta đã có nhiều dấu ấn, thành tựu để bước đến “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như lĩnh vực di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chỉ trong một thời gian ngắn từ những năm 90 trở lại đây, chúng ta đã có hàng chục di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh được thế giới công nhận, 15 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại và cần được bảo vệ khẩn cấp. Văn hóa vật thể và phi vật thể đang là tiềm năng to lớn được khai thác cho phát triển du lịch, đem lại một nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho các địa phương. Hơn thế là góp phần vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân cả nước, giúp cho họ phấn khởi tự hào.
Để có được những thành quả này, sự đóng góp của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ có vai trò rất lớn trong việc sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy và phục hồi những di sản văn hóa đó. Tuy nhiên, có một điều khao khát, suy tư của nhiều nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn, các nghệ sĩ…, mà cũng là điều mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt trăn trở, với tư cách là vị lãnh đạo cao nhất đất nước, đó là văn học nghệ thuật thời gian này còn thiếu những tác phẩm “tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người”. Một câu hỏi lớn, một nhiệm vụ nặng nề cho giới văn học nghệ thuật trong việc phát huy và sáng tạo Đề cương trong tình hình mới.

1..jpg
Các văn nghệ sĩ ở Thái Nguyên, năm 1949. (Từ trái qua: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân) - Ảnh: Trần Văn Lưu.

Công bằng mà nói, trong các cuộc kháng chiến, mục đích cao nhất và duy nhất đó là giải phóng dân tộc, đưa đất nước đến độc lập, tự do, thống nhất, mọi suy nghĩ, công việc, nhân lực, vật lực đều hướng vào mục đích chiến thắng. Do vậy, dù khó khăn, ác liệt nhưng lại rất rõ ràng, tập trung. Nhưng khi đất nước hòa bình, chúng ta có nhiều mục tiêu khác cần chinh phục, về phục hồi chiến tranh, xây dựng kinh tế nâng cao đời sống, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa… Bao điều mới lạ, phức tạp khiến cho từ nhà quản lý đến người dân phải xoay xở để làm quen và hòa nhập, khiến cho chúng ta gặp không ít khó khăn và vấp ngã. Các văn nghệ sĩ không nằm ngoài tất cả những sự phức tạp đó. Đặc biệt, do là một bộ phận nhạy cảm của xã hội, nên nhiều khi không khỏi có những hoang mang, chán nản, tư tưởng không yên tâm. Phải chăng đó cũng là một phần nguyên nhân chưa tạo ra động lực để họ làm nên những tác phẩm lớn.

Tuy nhiên, khó khăn cũng là cơ hội cho chúng ta được dịp thâm nhập sâu vào hành trình hội nhập quốc tế, dựa trên những tiêu chuẩn chung. Những chuyển mình và thành tựu mà văn nghệ sĩ ta đạt được trong giai đoạn này có thể nhìn thấy ở các giải thưởng nghệ thuật quốc tế trong các mảng văn học, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh… Bên cạnh đó là các dấu ấn văn hóa mang tên Việt Nam đã được nhận diện rõ hơn trên trường quốc tế, từ du lịch, ẩm thực đến các phong tục, văn hóa truyền thống dân tộc. Tự hào thay, tất cả những điều này vẫn theo đúng con đường mà Đề cương đã vạch sẵn./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Quận Thanh Xuân: Kiên quyết nói “Không” giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông
    Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) Lê Hồng Thắng vừa cho biết, UBND quận mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn quận.
  • Khởi tranh Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup 2024
    Ngày 21/11, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra buổi Họp báo và Công bố Vòng chung kết Giải bóng đá các cơ quan báo chí toàn quốc Press Cup lần thứ 8 năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Đóng góp của văn nghệ sĩ nhìn từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO