Lý luận - phê bình

Phát huy giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong văn học nghệ thuật

Thụy Phương 04/04/2023 06:14

Tháng 2/1943, “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (Đề cương) ra đời đã trở thành “kim chỉ nam” dẫn đường cho sự phát triển của văn hóa trong đó có văn học nghệ thuật (VHNT). Dưới ánh sáng của Đề cương, VHNT đã tạo được nhiều dấu ấn, trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Tuy nhiên, thực tiễn đời sống VHNT hiện nay đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo và hiệu quả giá trị của Đề cương.

Nền tảng xây dựng tư duy lý luận của Đảng về văn học nghệ thuật

Ra đời trong bối cảnh đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ chịu nhiều luồng tư tưởng, không tìm ra lối thoát cho sự phát triển của văn hóa dân tộc, Đề cương được coi là tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa. Những nội dung cốt lõi của Đề cương đã tạo nền tảng lý luận quan trọng hình thành các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn cách mạng.

Trong suốt 80 năm qua, những quan điểm căn bản của Đề cương về vị trí, vai trò của VHNT trong văn hóa; về mối quan hệ giữa văn hóa, văn nghệ với chính trị và kinh tế; về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực VHNT, đặc biệt là 3 nguyên tắc Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng, bổ sung và phát triển.

3.jpg
Buổi biểu diễn của đoàn văn công giải phóng tiền phương phục vụ các chiến sĩ giữa hai trận đánh Ảnh: TTXGP

Minh chứng rõ nhất được thể hiện trong các nghị quyết: Nghị quyết số 05-NQ/TW năm 1987; Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998; Nghị quyết số 23-NQ/TW năm 2008; Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 và gần đây nhất là Hội nghị Văn hóa toàn quốc (24/11/2021).
Nghị quyết số 23-NQ/TW (2008) về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng Chân, Thiện, Mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: “Dưới ánh sáng của Đề cương và đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng thời kỳ đổi mới, nền VHNT của nước ta có nhiều khởi sắc, tiếp nối dòng tư tưởng chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước, dân tộc, dân chủ nhân văn, phản ánh chân thật đời sống của nhân dân; đấu tranh lên án, đẩy lùi cái xấu, cái ác, những lai căng, lạc lõng; ca ngợi vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc, những thành tựu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội”.

Những thách thức trong tình hình mới

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận thì VHNT hiện nay cũng bộc lộ một số hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội khi bàn về thực trạng của VHNT hiện nay đã chỉ rõ những tồn tại trong nhiều năm qua mà đến nay vẫn chưa được khắc phục. Cụ thể là: Tác phẩm VHNT có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém; tình trạng “nghiệp dư hóa” các hoạt động VHNT ngày một tăng thêm; lý luận VHNT còn xơ cứng, kém năng động; các sáng tác có giá trị được giới thiệu ra nước ngoài còn rất ít; công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ còn bất cập; năng lực chỉ đạo, điều hành quản lý của các cấp ủy Đảng cơ quan Nhà nước còn bộc lộ nhiều hạn chế, chậm đổi mới; đầu tư kinh phí, ngân sách vào VHNT chưa đúng tầm và tương xứng…

NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam trăn trở: “Trong khi Đảng ta đã chỉ rõ quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” thì chúng ta lại chưa xây dựng được những cơ chế cụ thể để đưa văn hóa nói chung, VHNT nói riêng ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Các cơ chế, chính sách đối với VHNT và đội ngũ sáng tạo VHNT hiện nay đã quá cũ, lạc hậu và tụt hậu so với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống nên không thể có những tác động mạnh mẽ, tích cực đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo cho họ những động lực khát khao cháy bỏng, hi sinh cả cuộc đời cho VHNT để sáng tạo ra những tác phẩm mang tầm thời đại”.

Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, tồn tại phổ biến trong thực tiễn VHNT hiện nay đó là: Nhận thức, trách nhiệm phát triển VHNT trong các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật đầy đủ; chưa thấy được hết vai trò, vị trí, tầm quan trọng của VHNT trong phát triển văn hóa và trong đời sống của con người; việc chăm lo xây dựng và phát triển sự nghiệp VHNT có dấu hiệu ít quan tâm hoặc có tư tưởng “khoán trắng” cho Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh ở tất cả các cấp các ngành, các địa phương. Thêm nữa, mặt bằng dân trí không đồng đều, văn hóa đọc giảm sút, đối tượng thưởng thức VHNT chưa nhiều và chưa được hướng dẫn về cách hưởng thụ cái đẹp của VHNT nhất là vùng sâu, vùng xa đã ảnh hưởng đến việc nhân rộng hoạt động VHNT trong xã hội.

Từ thực tiễn hoạt động VHNT tại địa phương, nhà thơ, NSNA Bình Nguyên, Chủ tịch Hội VHNT Ninh Bình cho rằng có nhiều vấn đề quan trọng trong văn bản của Đảng về công tác VHNT chưa được coi trọng triển khai thực hiện. “Trên thực tế các Hội VHNT địa phương nơi nào được Thường vụ cấp ủy và UBND quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tạo điều kiện thì nơi đó các hoạt động VHNT phát triển tốt, nơi nào buông lỏng hoặc nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của công tác VHNT thì dẫn tới lúng túng, khó khăn”, nhà thơ Bình Nguyên nhận định.

Đổi mới để vươn lên xứng tầm

Trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn hóa văn nghệ của chúng ta có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới. Theo NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, “gian nan nhất chính là cuộc lột xác tự đổi mới để vươn lên xứng tầm với dân tộc mà không bị lạc đường chệch hướng trong diễn biến phức tạp khôn lường của cơ chế thị trường”.

Để VHNT có những đóng góp tương xứng hơn với kỳ vọng của Đảng và nhân dân trong nỗ lực chung xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, NSND Trần Quốc Chiêm cho rằng: nên đặt sự nghiệp phát triển VHNT trong mối tương quan với phát triển công nghiệp văn hóa; tăng cường năng lực hưởng thụ tác phẩm VHNT của các tầng lớp nhân dân; chú trọng hơn tới vấn đề giáo dục VHNT trong môi trường gia đình, trường học, xã hội; chăm lo cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong điều kiện mới...

Tại cuộc tọa đàm “Đề cương văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật” tổ chức mới đây, nhiều ý kiến tham luận cũng đã đề cập tới các giải pháp để khắc phục những hạn chế này. Cụ thể là: cần nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển VHNT trong các cấp, các ngành; có chiến lược đào tạo đội ngũ sáng tác và đào tạo thế hệ có tri thức để nhận diện, thưởng thức các tác phẩm có giá trị; hoàn thiện và xây dựng cơ chế chính sách đáp ứng yêu cầu mới trong hoạt động VHNT.

NSND, họa sĩ Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nhấn mạnh: “Trong tình hình hiện nay, cần có sự quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về VHNT nói riêng và về văn hóa nói chung; có sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ những cơ quan làm văn hóa, quản lý văn hóa và những cơ quan cấp kinh phí; những thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu cần được loại bỏ”.

130963z4145377885499_fea0f50cc23e810fae90d57d74b0b342.jpg
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Đề cương về văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử” tổ chức tối 28/2/2023.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức cần không ngừng vượt lên trong bối cảnh quốc tế và quốc gia biến chuyển mau lẹ, phức tạp với những đòi hỏi mới để phát huy giá trị, ý nghĩa của Đề cương đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Bên cạnh đó, cần thực thi các giải pháp cấp bách, tiếp tục bổ sung, phát triển, vận dụng những tư tưởng cốt lõi của Đề cương, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận về văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại...”.

“Đề cương ra đời trong lúc hơn 90% dân số nước ta mù chữ. Sau 80 năm, chất lượng dân trí, nhận thức của người dân đã được nâng cao rất nhiều, bởi thế chất lượng VHNT càng phải nâng cao hơn nữa, vì tác phẩm có hay thì mới đến được với công chúng. Trong bối cảnh hiện nay nhiệm vụ quan trọng nhất đối với VHNT là nâng cao chất lượng hiệu quả sáng tác; bởi đây cũng chính là sự thể hiện phẩm chất, tài năng, công sức, tâm huyết của giới VHNT. Tôi mong muốn, thời gian tới VHNT sẽ có nhiều tác phẩm hay, phản ảnh một cách chân thực sinh động công cuộc đổi mới của đất nước, nâng cao sức mạnh Việt Nam, tinh thần Việt Nam…” - nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam chia sẻ./.

Bài liên quan
  • Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong Đề cương về văn hóa Việt Nam
    Đề cương về văn hóa Việt Nam là một tài liệu ngắn gọn, chỉ trong 1500 chữ mà tập trung trình bày những vấn đề cơ bản, then chốt nhất của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của quan điểm Mác - Lênin. Trong 5 phần của Đề cương, những quan điểm cơ bản đó được nêu ra trong phần I: Cách đặt vấn đề, phần IV: Cách mạng văn hóa Việt Nam, và phần V: Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương, chiếm gần 2/3 nội dung của Đề cương.
(0) Bình luận
  • “Con đường tương lai ” – Hành trình trí tuệ nối dài khát vọng Việt
    Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 19/6, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Viện Nhân học Văn hóa, Viện Khoa học Giáo dục và Môi trường kết hợp với Sàn văn hóa Học và Đọc Việt Nam, Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá tập 1 và định hướng tập tiếp theo của dự án sách “Con đường tương lai”.
  • Trại viết Lý luận, phê bình VHNT “50 năm Văn học Nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”
    Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Trại viết Lý luận, phê bình VHNT “50 năm Văn học Nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” tại Thành phố Huế.
  • Thơ Lữ Hồng - vị buồn dưới một đồng cỏ thơm
    Tình yêu trong thơ Lữ Hồng không ồn ào hay cháy lửa. Nó là thứ tình thì thầm, âm ỉ từ bên trong, càng đọc càng cảm nhận được sự đằm sâu, nồng nàn và chân thật. Đó không chỉ là cảm xúc của một cô gái trẻ lần đầu biết yêu mà là tâm hồn của người phụ nữ đã trải qua những mất mát thấu hiểu lặng im và khát vọng được yêu trọn vẹn.
  • Nguyễn Chính và những trăn trở “nắng đã qua thu”
    “Nắng đã qua thu” là tập thơ thứ 10 của nhà thơ Nguyễn Chính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2025, với lời giới thiệu trang trọng, hấp dẫn của nhà thơ Đặng Huy Giang.
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại
    Lớp nhà văn sinh từ 1975, chúng tôi gọi là “Thế hệ 1975”, một lực lượng đông đảo (sinh ra trong vòng 20 năm, sau giải phóng miền Nam), các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cây bút nhiều triển vọng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” trong văn học nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO