Mặn nồng tình nghĩa áo tơi
Mỗi khi nhắc nhớ tới mảnh đất miền Trung sâu nặng ân tình, bao giờ trong tâm trí người xa quê cũng thấp thoáng hình ảnh áo tơi dầm mưa dãi nắng trên đồng. Dần dà, đó không đơn thuần chỉ là chiếc áo che nắng che mưa mà chất chứa cả đời sống tinh thần, niềm thương nỗi nhớ, sự khắc khoải day dứt khôn nguôi. Cũng bởi lẽ đó, áo tơi trở thành hình tượng xuyên suốt trong các tác phẩm thơ ca, nhạc, họa sáng tác về miền Trung.
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ - người cựu chiến binh sinh ra trên mảnh đất Thạch Hà, Hà Tĩnh cũng không ngoại lệ. Bài thơ “Áo tơi” của anh chạm vào lòng người đọc bằng niềm xúc động trước vẻ đẹp chân chất, mộc mạc mà chan chứa nghĩa tình:
Áo tơi bao đời chằm lá cọ
Bốn mùa xuân, hạ với thu, đông
Áo tơi quàng lưng cha, lưng mẹ
Chắn gió heo may, che nắng trưa hè.
Áo tơi, lửng gót chân sen
Gái quê má hồng chúm chím cười
Áo tơi, cho mình gặp ta
Nên duyên, nên tình.
Áo tơi, từ cây cỏ đất trời
Trưa đồng thấm giọt mồ hôi mặn mòi
Rách lành tấm áo bao đời
Thủy chung áo lá, ngọt bùi đắng cay.
Áo tơi, vắt vẻo lưng trâu
Tiếng sáo vi vu, nhớ ngày ấu thơ
Nhớ quê càng nhớ áo tơi
Dáng mẹ đứng đợi, áo tơi trên đồng.
“Áo tơi bao đời chằm lá cọ/ Bốn mùa xuân, hạ với thu, đông/ Áo tơi quàng lưng cha, lưng mẹ/ Chắn gió heo may, che nắng trưa hè”, tác giả mở đầu bài thơ với những hình ảnh gần gũi mà bao quát nhất về chiếc áo mang bóng dáng quê hương với sức bền bỉ lạ thường. Từ những tàu lá cọ, muốn nên hình nên dáng thì phải mang “chằm”, mà “chằm” là cả một công đoạn dài từ: phơi lá qua nắng qua sương, vót thân cây mây thành sợi rồi mới có thể kết nối từng lớp lá. Dường như thân phận áo tơi đã mang tinh thần lam lũ, hi sinh ngay từ công đoạn ban đầu ấy. Làm sao ta có thể tìm thấy một loại áo nào khác mà ngay từ khi còn là nguyên liệu đã phải đẫm mình trong nắng trong sương. Một điều đặc biệt nữa, đó là người miền Trung bốn mùa đều gắn bó với loại áo này. Từ những ngày mùa xuân lâm thâm mưa phùn, cho tới mùa hè nắng như chảo lửa, mùa thu mưa giông bất chợt hay đông rét căm căm đến thắt dạ thắt lòng. Dáng hình áo tới gắn với nỗi nhọc nhằn cha mẹ. Khi những đứa con còn thơ dại, chưa thể chia sẻ gian truân, thì áo tơi che chắn, bảo vệ con người, để “chân cứng đá mềm”, để tiếp tục cần cù bươn trải tháng năm. Lối khái quát dung dị nhưng đã gọi ra được giá trị, tình cảm cốt lõi nhất của áo tơi với đời sống người nông dân miền Trung lam lũ.
Tinh tế, uyển chuyển sang một nhịp đời sống tinh thần khác, tác giả phác họa hình ảnh những cô thôn nữ tảo tần mà duyên dáng: “Áo tơi, lửng gót chân sen/ Gái quê má hồng chúm chím cười/ Áo tơi, cho mình gặp ta/ Nên duyên, nên tình”. Những ý thơ đẹp như câu hát. Phải đủ quan sát, trải nghiệm mới có thể miêu tả trạng thái “lửng gót chân sen” của các nàng thôn nữ. Là bởi độ dài của áo tơi, độ cúi của lưng, của khuôn dáng trên đồng ruộng sẽ tạo nên hình ảnh rất riêng biệt này. Ta gặp ở đó vẻ đẹp của tuổi trẻ, của tinh thần lao động hăng say và chất chứa cả nét duyên ngầm thu hút của “má hồng”, nụ cười “chúm chím”. Từ bấy nên duyên mình duyên ta. Không gì cao đẹp, rung động hơn mối duyên con người được hòa quyện trong cảnh cơ hàn, lam lũ như ca từ trong bài hát quen thuộc của nhạc sĩ An Thuyên “Ca dao em và tôi”: “Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng/ Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng”.
Từng nhuần nhuyễn với nhịp thơ lục bát hay thất ngôn, nhưng ở tác phẩm lần này, dường như nhà thơ Nguyễn Đăng Độ có dụng ý pha trộn các thanh điệu ấy để nhịp thơ vang lên khi tha thiết, khi cồn cào, khi trúc trắc, khi tạo nên một nốt lặng trầm ngâm. Những điều đó khiến người đọc cũng liên tưởng tới nhịp bước, sự chuyển động đầy sinh động của những người nông dân khi khoác lên mình chiếc áo dãi dầu mưa nắng: “Áo tơi, từ cây cỏ đất trời/ Trưa đồng thấm giọt mồ hôi mặn mòi/ Rách lành tấm áo bao đời/ Thủy chung áo lá, ngọt bùi đắng cay”. Chỉ qua vài câu thơ, thân phận áo tơi trở nên rõ nét, như ta có thể chạm vào, có thể nghe mơ hồ thoảng giọt mồ hôi, và cảm nhận sâu hơn ở đó sự tiếp nối từ đời này qua đời khác đức tính chịu thương chịu khó, san sẻ ngọt bùi đắng cay và thủy chung son sắt trọn đời.
Đâu đó thấp thoáng trong “giai điệu” về áo tơi, lòng người trở nên nhẹ nhõm hơn khi bắt gặp hình ảnh tuổi thơ mục đồng, chăn trâu thổi sáo. Để rồi bất chợt nhận ra, áo tơi đã đi vào đời sống con người từ thuở ấy: “Áo tơi, vắt vẻo lưng trâu/ Tiếng sáo vi vu, nhớ ngày ấu thơ/ Nhớ quê càng nhớ áo tơi/ Dáng mẹ đứng đợi, áo tơi trên đồng”. Cả khung trời ắp đầy kỷ niệm đầy xôn xao, lay động trong khổ thơ cuối. Lòng chùng lại, lặng đi trước ký ức tuổi thơ dẫu nhọc nhằn nhưng cũng đầy mơ mộng. Và trong nỗi lòng khắc khoải của những người con xa quê, ám ảnh, yêu thương hơn cả là dáng mẹ đứng đợi, dáng áo tơi dầu dãi trên đồng. Từ trong hình bóng ấy, bao nỗi rưng rưng, xa xót ùa về. Đôi khi, vô tình lướt qua một miền đất nào đó, qua cánh đồng xa lạ nào đó, chỉ cần thấp thoáng dáng người lom khom, manh áo tơi nâu như màu đất là lòng người như đã tự nhen lên một ngọn lửa yêu thương, khắc khoải.
Áo tơi ấp ủ trọn vẹn nghĩa tình mặn nồng, thơm thảo của người miền Trung cùng với những nồi nước chè xanh nấu trên đồng, cả làng cả xóm uống chung để gặt giúp nhau sào ruộng, sẻ chia cơm nắm muối vừng. Đã có nhiều thắc mắc rằng vì sao khắp dải đất hình chữ S của Tổ quốc lại chỉ có người dân miền Trung mặc áo tơi ra đồng. Câu hỏi ấy được trả lời bằng nắng gió, bão bùng đầy khắc nghiệt mà hiếm có một miền đất nào phải hứng chịu nhiều đến thế. Nhà thơ Hoàng Trần Cương đã từng khắc khoải: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”; “Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt/ Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/ Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mọc trắng mặt người”.
Trong rất nhiều đề tài, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ dành tình cảm đặc biệt cho quê hương với hình bóng cha mẹ, bà con xóm giềng, ký ức tuổi thơ. Từ các tập thơ đã xuất bản như: “Tình quê” (Nxb Phụ nữ, 2022), “Hương xa” (Nxb Hội Nhà văn, 2022) cho tới các tập bản thảo sắp in thành sách, đề tài này trở thành cảm hứng mang tính nguồn cội, nền tảng và luôn chinh phục được bạn đọc bởi sự chân tình, mộc mạc. Viết giản dị về những điều giản dị là cách anh thường triển khai trong sáng tác của mình. Điều đó dễ mà không dễ. Dễ bởi ký ức, dữ liệu luôn dồi dào, ăm ắp. Nhưng không dễ bởi trong đời sống bộn bề này, có bao điều sôi nổi, luôn cuốn con người và có thể khiến ta thích lập ngôn, hoa mỹ… cho tới khoảnh khắc nào đó hoàn toàn mất khả năng nói thật, viết thật.
Giữ gìn, bảo vệ trọn vẹn một thế giới tinh thần và cống hiến, sáng tạo vì điều đó cũng là một giá trị quan trọng làm nên bản sắc, tâm hồn mỗi con người nói riêng và cuộc sống nói chung. Nhìn nhận ở khía cạnh này, chúng ta thấy nhà thơ Nguyễn Đăng Độ thật “giàu có” bởi anh nâng niu, tích lũy những điều nhỏ nhất, đôi khi cả những câu chuyện, tình tiết dễ bề khuất lấp, để từ đó chưng cất thành thơ. Không ngạc nhiên khi biết rằng, cứ mỗi bài thơ ra đời là nhà thơ lại nhận được lời đề nghị từ các nhạc sĩ để phổ nhạc, các nghệ sĩ khắp mọi miền cất lên tiếng hát. Bài thơ “Áo tơi” cũng đã được nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh phổ nhạc và nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công trong các không gian văn hóa miền Trung, đặc biệt trong đó có Hà Quỳnh Như - Quán quân The Voice 2018. Đó là trái ngọt từ nghĩa tình đến nghĩa tình, từ một câu chuyện riêng đến câu chuyện chung khiến mỗi tâm hồn thêm rung động và trân quý cuộc sống./.