Lý luận - phê bình

Như những vòng sóng âm lan tỏa

Lời bình của Hồ Minh Tâm 15:00 04/08/2023

Đọc bài thơ “Dần sáng” của Nguyễn Thị Kim Nhung, ta như hóa thành tia nắng gãy, vắt dọc dây phơi, để khuếch tán sương mai, để hong khô bao ngổn ngang hoài niệm. Ta, ngọn gió lẻ, chẳng ai xô mà rung lắc cùng sợi thời gian.

Tiếng gọi loang đồng ruộng

làm giật mình bóng đêm

người đi soi trở về

men theo những tờ mờ sót lại

Nhà ai thổi cơm sớm

gạo đổ vào nồi để lại tiếng vang

nuôi nhau qua ngày giáp hạt

Mẹ dặn đừng đáp lại

văng vẳng ai gọi mình

triền mê ta thầm vụng

rạc giấc dài chưa tỏ nguồn cơn

Ta đã khác mà giọng người còn biếc

ban mai rạn những cơ hồ

Người vợ mặc lại áo

hai vạt khép bóng đêm

đôi vầng sáng mặc nhiên thầm tỏa

Sung một đời buông quả

không chạm nổi đáy ao.

(Nguyễn Thị Kim Nhung, tác phẩm đoạt giải Ba Cuộc thi thơ 2019 – 2020 trên báo Văn Nghệ).

Nếu bay nhanh hơn ánh sáng, chúng ta sẽ về được hôm qua, dường như Einstein từng nói như vậy. Vâng, nếu ai đó chế được một phương tiện để đạt được vận tốc 300km/s... tôi tin, dù đắt mấy cũng sẽ bán rất chạy. Tiếc thay, đến thời điểm này chưa ai làm được cái ước ao trẻ lại ấy. Chưa ai có vé về tuổi thơ để bán lại cho ai. Mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông, mùa hoài niệm... cứ thứ tự xếp hàng, đều bước, đi. Sung cứ chen chúc xanh, chen chúc vàng, thúc nhau rụng mà cả đời không chạm nổi đáy sông. Thời gian dài hơn sông, rộng hơn sông, sâu hơn sông... thời gian như một sợi dây phơi chùng, võng, không đầu không cuối, phận người như giọt nước trong, đọng nơi chùng nhất rồi bay đi... Vì thế chăng, mà bất kỳ ai từ vùng miền nào, thời nào thì quá khứ dù màu gì cũng đều lấp lánh khi ngoái về.

Bài thơ gồm có 6 khổ với kết cấu tự do. Và “Dần sáng” được sáng lên bởi một trăm lẻ một chữ tất cả (kể cả tiêu đề bài thơ).

Thơ hay chẳng phải do nhiều hay ít chữ, mà với tôi là thơ gợi. Và, đọc thơ, ngắm thơ... thì không nhất thiết phải đếm chữ nhưng tôi đã làm vậy, tôi làm vậy như tôi đang cuộn tròn mình lại để lăn về... tôi làm vậy như tôi đang hóa lỏng mọi ngày tháng xù xì quanh mình thành một giọt trong veo. Tôi làm vậy, vì lắm khi tôi nghĩ thơ hay cũng là một tín ngưỡng và đọc được bài thơ hay chẳng khác gì đang lần tràng hạt.

Tôi làm vậy bởi khi nhâm nhi từng khổ của “Dần sáng”, tôi chợt nhớ đến Matsuo Basho - vị thiền sư, cũng là thi sĩ lỗi lạc của Nhật Bản - người đã sáng tạo ra thể thơ Haiku, thể thơ thường chỉ mười bảy âm tiết, mười bảy tinh thể cố kết thành một chỉnh thể. Chỉnh thể ấy hấp thụ tinh khí đất trời cỏ cây nắng gió mà phát sáng.

“Dần sáng” của Nguyễn Thị Kim Nhung là một chỉnh thể. Nhưng, nếu tách riêng từng khổ, thì mỗi khổ ấy cũng không khác gì một bài thơ trọn vẹn. Đây nhé: “Dần sáng/ Tiếng gọi loang đồng ruộng/ làm giật mình bóng đêm/ người đi soi trở về/ men theo những tờ mờ sót lại”.

Ai từng trằn trọc vì đói, thèm, vì thiếu thốn tứ bề ở làng quê, khi đọc khổ thơ trên lại không thấy mình đang ngóng cha từ đồng ruộng trở về. Không như “ngóng mẹ về chợ”, ngóng cha ở đây là ngóng con cua, con cá, ngóng cái ăn từ may rủi... nó khắc khoải hơn nhiều. Rồi chẳng biết thương cha, thương mình, hay thương quê nghèo mà bóng cha loang ra trong mắt ướt. Thương cha, thương cả đêm lặn lội kiếm cái ăn cái học cho con... rồi cạn đêm lầm lụi men theo những “tờ mờ sót lại” mà về. Dạ, cha ơi cứ men theo những tờ mờ sót lại mà về!

Gọi. Chắc gì đã là vợ gọi chồng, cha gọi con, người gọi người... chạng vạng, tờ mờ nơi miền quê hoang vắng, đôi khi chỉ tiếng dế gọi hè, tiếng ễnh ương cóc nhái gọi mưa... nhưng chắc một điều những vọng âm ấy đủ làm cho ta dù ở đâu cũng đôi lần bật dậy.

Và đây: “Dần sáng/ Nhà ai thổi cơm sớm/ gạo đổ vào nồi để lại tiếng vang/ nuôi nhau qua ngày giáp hạt”.

“Gạo đổ vào nồi để lại tiếng vang” – “tiếng vang” này nó cồn cào bụng dạ quá! Câu thơ mộc từng chữ, khổ thơ như một xóm nhỏ quần quây khói bếp chầm chậm hiện về. Lối kể giản dị, chẳng hiểu sao tôi lại thấy mẹ tôi đang ngồi bên bếp lửa, tôi muốn giục mẹ thêm củi vào bếp, tiếng gạo reo từ nãy mà đến giờ con chưa được ăn cơm. Con đói!

Còn đây nữa: “Dần sáng/ Mẹ dặn đừng đáp lại/ văng vẳng ai gọi mình/ triền mê ta thầm vụng/ rạc giấc dài chưa tỏ nguồn cơn”.

Từ khổ đầu đến khổ thứ ba này, cách kể, cấp độ liên tưởng dần nâng lên, từ thực đến siêu thực, từ thấy đến cảm thấy. Từ cánh đồng quê, từ bóng cha, dáng mẹ mà thấy lại mình. Suy cho cùng nhớ nhà, nhớ quê là nhớ chính mình. Cho đến khổ 4, khổ 5 thì tác giả mới sực nhớ: ồ cô bé ngày xưa giờ làm mẹ, đã là mẹ. Khuôn trăng quê, mình đã mang lên thành phố còn đâu? Đôi khi “tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ” là thế! Mẹ dặn chẳng bao giờ thừa, mình gọi mình, văng vẳng như ai gọi mình... cứ kệ gọi thôi, đừng đáp lại!

Thế nên: “sung một đời buông quả/ không chạm nổi đáy ao”. Ơ kìa một giọt nước trong ao nhà mình... tròn xoe, be bé bay lên. Bay lên, bay lên một chút với trời rồi cuối cùng cũng về sông về bể. Trái sung kia thì nói với ta rằng: nghề của tôi là rụng, là nổi trôi... tôi xuống đáy hồ đáy sông làm gì. Ừ, thì vậy. Sung không chạm đáy ao, cũng nhưng chúng ta chẳng bao giờ đi đến tận cùng, còn sống nghĩa là còn suy niệm chẳng bao giờ thôi nuối tiếc.

“Dần sáng” - với cấu trúc ngẫu hứng, bằng bút pháp riêng để kể, tả, ẩn dụ, chữ nghĩa mềm mại, tác giả chẳng “định nghĩa, áp đặt, kết luận” điều gì, như sung tới lúc thì buông quả, như hết tờ mờ thì bình minh. Thi điệu cứ thong thả mà luồn vào tâm thức người đọc. Thơ vắt qua ngày, len giữa nhập nhoạng sáng và tối, không gian thơ là những vòng cung sóng âm cứ lan ra từ tâm người viết rồi dần/ lóe sáng khi gặp người đọc. Giống như R.Tagore từng nói về thơ haiku “Nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài rồi nhanh chóng bước tránh sang bên…” dành cho người đọc, cùng với người đọc mà dần sáng!

Bài liên quan
  • Vinh danh nữ sĩ bằng ngôn từ tiểu thuyết
    Sống ở khoảng cuối thế kỷ 18, Hồ Xuân Hương là một nhân vật nổi tiếng và còn gây nhiều tranh cãi. Đã có rất nhiều tài liệu, tác phẩm văn chương, âm nhạc, hội họa xoay quanh cuộc đời, tác phẩm của bà… “Hồ Xuân Hương tiếng vọng” của nhà thơ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng là một trong số đó. Cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về nữ sĩ đã ra mắt bạn đọc năm 2022.
(0) Bình luận
  • Văn học thiếu nhi Việt Nam: Những bước chuyển mình sau ngày đất nước thống nhất
    Sau 21 năm bị chia cắt, hai miền Nam - Bắc Việt Nam được nối liền một dải nhờ chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Hòa chung niềm vui lớn của đất nước là niềm vui của sách văn học thiếu nhi khi được phát hành suốt từ Bắc tới Nam.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • Cây bút nữ với đề tài chiến tranh
    Trong lịch sử văn học, khi đề cập đến đề tài chiến tranh, phần lớn những gương mặt được ghi dấu trên văn đàn thường là nam giới.
  • Dòng chảy hiện sinh trong thơ hiện đại Việt Nam
    Trong triết học phương Tây hiện đại, chủ nghĩa hiện sinh nổi bật như một cuộc đối thoại sâu sắc với thân phận con người, đặt ra những câu hỏi day dứt về sự tồn tại và mối quan hệ giữa cái hữu hạn - cái vô cùng.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Như những vòng sóng âm lan tỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO