Như những vòng sóng âm lan tỏa
Đọc bài thơ “Dần sáng” của Nguyễn Thị Kim Nhung, ta như hóa thành tia nắng gãy, vắt dọc dây phơi, để khuếch tán sương mai, để hong khô bao ngổn ngang hoài niệm. Ta, ngọn gió lẻ, chẳng ai xô mà rung lắc cùng sợi thời gian.
Tiếng gọi loang đồng ruộng
làm giật mình bóng đêm
người đi soi trở về
men theo những tờ mờ sót lại
Nhà ai thổi cơm sớm
gạo đổ vào nồi để lại tiếng vang
nuôi nhau qua ngày giáp hạt
Mẹ dặn đừng đáp lại
văng vẳng ai gọi mình
triền mê ta thầm vụng
rạc giấc dài chưa tỏ nguồn cơn
Ta đã khác mà giọng người còn biếc
ban mai rạn những cơ hồ
Người vợ mặc lại áo
hai vạt khép bóng đêm
đôi vầng sáng mặc nhiên thầm tỏa
Sung một đời buông quả
không chạm nổi đáy ao.
(Nguyễn Thị Kim Nhung, tác phẩm đoạt giải Ba Cuộc thi thơ 2019 – 2020 trên báo Văn Nghệ).
Nếu bay nhanh hơn ánh sáng, chúng ta sẽ về được hôm qua, dường như Einstein từng nói như vậy. Vâng, nếu ai đó chế được một phương tiện để đạt được vận tốc 300km/s... tôi tin, dù đắt mấy cũng sẽ bán rất chạy. Tiếc thay, đến thời điểm này chưa ai làm được cái ước ao trẻ lại ấy. Chưa ai có vé về tuổi thơ để bán lại cho ai. Mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông, mùa hoài niệm... cứ thứ tự xếp hàng, đều bước, đi. Sung cứ chen chúc xanh, chen chúc vàng, thúc nhau rụng mà cả đời không chạm nổi đáy sông. Thời gian dài hơn sông, rộng hơn sông, sâu hơn sông... thời gian như một sợi dây phơi chùng, võng, không đầu không cuối, phận người như giọt nước trong, đọng nơi chùng nhất rồi bay đi... Vì thế chăng, mà bất kỳ ai từ vùng miền nào, thời nào thì quá khứ dù màu gì cũng đều lấp lánh khi ngoái về.
Bài thơ gồm có 6 khổ với kết cấu tự do. Và “Dần sáng” được sáng lên bởi một trăm lẻ một chữ tất cả (kể cả tiêu đề bài thơ).
Thơ hay chẳng phải do nhiều hay ít chữ, mà với tôi là thơ gợi. Và, đọc thơ, ngắm thơ... thì không nhất thiết phải đếm chữ nhưng tôi đã làm vậy, tôi làm vậy như tôi đang cuộn tròn mình lại để lăn về... tôi làm vậy như tôi đang hóa lỏng mọi ngày tháng xù xì quanh mình thành một giọt trong veo. Tôi làm vậy, vì lắm khi tôi nghĩ thơ hay cũng là một tín ngưỡng và đọc được bài thơ hay chẳng khác gì đang lần tràng hạt.
Tôi làm vậy bởi khi nhâm nhi từng khổ của “Dần sáng”, tôi chợt nhớ đến Matsuo Basho - vị thiền sư, cũng là thi sĩ lỗi lạc của Nhật Bản - người đã sáng tạo ra thể thơ Haiku, thể thơ thường chỉ mười bảy âm tiết, mười bảy tinh thể cố kết thành một chỉnh thể. Chỉnh thể ấy hấp thụ tinh khí đất trời cỏ cây nắng gió mà phát sáng.
“Dần sáng” của Nguyễn Thị Kim Nhung là một chỉnh thể. Nhưng, nếu tách riêng từng khổ, thì mỗi khổ ấy cũng không khác gì một bài thơ trọn vẹn. Đây nhé: “Dần sáng/ Tiếng gọi loang đồng ruộng/ làm giật mình bóng đêm/ người đi soi trở về/ men theo những tờ mờ sót lại”.
Ai từng trằn trọc vì đói, thèm, vì thiếu thốn tứ bề ở làng quê, khi đọc khổ thơ trên lại không thấy mình đang ngóng cha từ đồng ruộng trở về. Không như “ngóng mẹ về chợ”, ngóng cha ở đây là ngóng con cua, con cá, ngóng cái ăn từ may rủi... nó khắc khoải hơn nhiều. Rồi chẳng biết thương cha, thương mình, hay thương quê nghèo mà bóng cha loang ra trong mắt ướt. Thương cha, thương cả đêm lặn lội kiếm cái ăn cái học cho con... rồi cạn đêm lầm lụi men theo những “tờ mờ sót lại” mà về. Dạ, cha ơi cứ men theo những tờ mờ sót lại mà về!
Gọi. Chắc gì đã là vợ gọi chồng, cha gọi con, người gọi người... chạng vạng, tờ mờ nơi miền quê hoang vắng, đôi khi chỉ tiếng dế gọi hè, tiếng ễnh ương cóc nhái gọi mưa... nhưng chắc một điều những vọng âm ấy đủ làm cho ta dù ở đâu cũng đôi lần bật dậy.
Và đây: “Dần sáng/ Nhà ai thổi cơm sớm/ gạo đổ vào nồi để lại tiếng vang/ nuôi nhau qua ngày giáp hạt”.
“Gạo đổ vào nồi để lại tiếng vang” – “tiếng vang” này nó cồn cào bụng dạ quá! Câu thơ mộc từng chữ, khổ thơ như một xóm nhỏ quần quây khói bếp chầm chậm hiện về. Lối kể giản dị, chẳng hiểu sao tôi lại thấy mẹ tôi đang ngồi bên bếp lửa, tôi muốn giục mẹ thêm củi vào bếp, tiếng gạo reo từ nãy mà đến giờ con chưa được ăn cơm. Con đói!
Còn đây nữa: “Dần sáng/ Mẹ dặn đừng đáp lại/ văng vẳng ai gọi mình/ triền mê ta thầm vụng/ rạc giấc dài chưa tỏ nguồn cơn”.
Từ khổ đầu đến khổ thứ ba này, cách kể, cấp độ liên tưởng dần nâng lên, từ thực đến siêu thực, từ thấy đến cảm thấy. Từ cánh đồng quê, từ bóng cha, dáng mẹ mà thấy lại mình. Suy cho cùng nhớ nhà, nhớ quê là nhớ chính mình. Cho đến khổ 4, khổ 5 thì tác giả mới sực nhớ: ồ cô bé ngày xưa giờ làm mẹ, đã là mẹ. Khuôn trăng quê, mình đã mang lên thành phố còn đâu? Đôi khi “tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ” là thế! Mẹ dặn chẳng bao giờ thừa, mình gọi mình, văng vẳng như ai gọi mình... cứ kệ gọi thôi, đừng đáp lại!
Thế nên: “sung một đời buông quả/ không chạm nổi đáy ao”. Ơ kìa một giọt nước trong ao nhà mình... tròn xoe, be bé bay lên. Bay lên, bay lên một chút với trời rồi cuối cùng cũng về sông về bể. Trái sung kia thì nói với ta rằng: nghề của tôi là rụng, là nổi trôi... tôi xuống đáy hồ đáy sông làm gì. Ừ, thì vậy. Sung không chạm đáy ao, cũng nhưng chúng ta chẳng bao giờ đi đến tận cùng, còn sống nghĩa là còn suy niệm chẳng bao giờ thôi nuối tiếc.
“Dần sáng” - với cấu trúc ngẫu hứng, bằng bút pháp riêng để kể, tả, ẩn dụ, chữ nghĩa mềm mại, tác giả chẳng “định nghĩa, áp đặt, kết luận” điều gì, như sung tới lúc thì buông quả, như hết tờ mờ thì bình minh. Thi điệu cứ thong thả mà luồn vào tâm thức người đọc. Thơ vắt qua ngày, len giữa nhập nhoạng sáng và tối, không gian thơ là những vòng cung sóng âm cứ lan ra từ tâm người viết rồi dần/ lóe sáng khi gặp người đọc. Giống như R.Tagore từng nói về thơ haiku “Nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài rồi nhanh chóng bước tránh sang bên…” dành cho người đọc, cùng với người đọc mà dần sáng!