Lý luận - phê bình

Tiên nữ trong mỹ thuật Việt từ cách tiếp cận liên ngành

PGS.TS Trần Thị An 14/08/2023 20:56

Tiên, trong cuộc sống hằng ngày của người Việt Nam, là một danh từ nhưng tồn tại như một tính từ chỉ đẳng cấp cao: “đẹp như tiên", “sướng như tiên”, “tiên cảnh”, “tiên giới”...

Khi là một danh từ đơn thuần, tiên chỉ những người có phẩm chất siêu việt, nếu là ông tiên thì đó là người tốt bụng, có năng lực siêu phàm cứu người khỏi những tình cảnh ngặt nghèo; nếu là cô tiên thì xinh đẹp tuyệt trần, chẳng những có thể đi mây về gió mà còn giúp người ta vượt vòng tục lụy tới cõi thanh tao.

Người Việt Nam hẳn không xa lạ với nàng Giáng Hương vô tình mắc lỗi trong hội hoa mẫu đơn, rồi vì trả cái ơn cứu mạng của Từ Thức mà khiến chàng lạc bước tới chồn bồng lại rồi thành ra lạc lõng khi về lại cõi trần. Càng in đậm hơn trong tâm khảm người Việt Nam là bà mẹ Âu Cơ thuộc giống tiên đã sánh đôi với Lạc Long Quân giống rồng, hoài thai và sinh hạ bọc trăm trứng tạo nên tổ tiên người Việt. Thời gian thao thiết trôi, lịch sử chứng kiến bao cuộc thăng trầm, văn chương cũng theo thời thế mà kiến tạo nên thế giới nghệ thuật của mình. Trong các thời khắc tao loạn của thế kỷ XVI trở đi trong lịch sử Việt Nam, sự xuất hiện truyện truyền kỳ với những khát khao lánh cõi trần nhiễu nhương rồi trốn vào một thế giới tốt đẹp là cõi tiên, thoát những nhọc nhằn kiếp người rồi trốn vào giấc mơ về hình thể thanh thoát vô ưu của kiếp tiên nơi thượng giới. Tiên là không có thật nhưng giấc mơ là có thật, và bởi giấc mơ đau đáu nên tiên cũng trở thành một thực thể như có thật.

tien-nu-1.jpg
Tiên rối nước - Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc

Và rồi thực thể đó, đã được hiện hữu trong các đồ án điêu khắc ở không gian thiêng là đình làng Việt - một loại văn bản kén người tạo tác, và đương nhiên, kén cả người đọc. Thật may mắn, nhóm người đọc Trần Hậu Yên Thế, Trần Trung Hiếu, Lê Thị Liễu, Trần May, với một sự đam mê đầy cẩn trọng, đã đọc kỹ các đồ án điêu khắc có hình ảnh tiên ở đình làng Việt các thế kỷ XVI, XVII, XVIII và giới thiệu với cộng đồng người đọc trong cuốn chuyển khảo này.

Chọn trọng tâm là các đồ án điêu khắc có hình ảnh tiên nữ trong đình làng Việt thế kỷ XVI, XVII, XIII, Trần Hậu Yên Thế và các cộng sự đưa người đọc đi xa, nhìn rộng, nghĩ sâu và liên tưởng bao quát về vấn đề đang bàn.

Đi xa, nhóm tác giả dẫn người đọc đi theo trục tuyến tính thời gian, khi mà cặp hình tượng Cha Rồng - Mẹ Tiên đi vào chính sử, từ đó, lần theo các dấu ấn của văn hóa vật thể in hình qua dâu bé thời gian bởi “không phải câu chuyện huyền sử dẹp để nào của dân tộc cũng được thị giác hóa, được cụ thể, được in dấu lên đá, lên gỗ" (tr.8). Theo trục thời gian này, nhóm tác giả chỉ cho người đọc thời điểm xuất hiện của những bức chạm Rồng Tiên vào thời Mạc, sự phát triển nở rộ trong khoảng 3 thế kỷ XVI, XVII, XVIII và sự lụi tàn vào thế kỷ XIX rồi hồi sinh trở lại vào cuối thế kỷ XX trong những chất liệu đa dạng khác.

tien-nu-2.jpg
Bìa sách "Tiên nữ trong mỹ thuật Việt".

Nhìn rộng, nhóm tác giả mở tầm mắt người đọc tới sự xuất hiện của hình ảnh tiên trong văn hóa Ấn Độ (tiên ông Rishi, tiền nữ Apsara); trong văn hóa Trung Hoa (mà tâm điểm là ở Đạo giáo), trong thần thoại và văn hóa châu Âu (mà ví dụ về các nàng tiên cá với giọng hát mê hoặc và ma lực quyến rũ khiến bao thủy thủ cùng Odysseus khi đi qua vùng biển nọ. phải nhét sáp ong vào tại và trái mình vào cột thuyền buồm để tránh xa cám dỗ đã in đậm vào mọi người đọc từ thuở ấu thơ), từ đó tập trung vào hình ảnh tiên nữ trong mỹ thuật Đông Tây. Các tác giả đã thể hiện một sở kiến rộng rãi trên tinh thần lao động nghiêm túc trong việc giới thiệu một cách bao quát về khối lượng tranh tượng khổng lồ trong văn hóa Hy. La từ những manh nha ở thế kỷ tới sự bùng nổ trong thời Phục Hưng, sự phát triển trong các nhánh riêng như dòng tranh cổ tích ở Italia, Anh, Ba Tư và những tương đồng và khác biệt về chủ đề này trong mỹ thuật phương Đông mà các bức phù điêu về Apsara trong mỹ thuật Ấn Độ (thế kỷ X-XI), trong ngôi đền nổi tiếng, di sản văn hóa thế giới Borobudur của người Indonesia, các bức phù điêu bằng đá ở các ngôi đền Angkor của Cambodia, ở các bích họa . trong hang đá Mạc Cao ở Đôn Hoàng mà sự hoà nhập hình ảnh Phi Thiên của Phật giáo và Đạo giáo đã làm nên tính độc nhất vô nhị của di sản văn hóa thế giới này.

Nghĩ sâu, Trần Hậu Yên Thế và nhóm tác giả chia sẻ với người đọc những suy nghĩ của mình về các căn cứ nền tảng như lý thuyết archétype (mà nhóm tác giả dịch là mẫu siêu nguyên) được hình thành từ vô thức tập thể của C. Jung, lý thuyết sáng tạo truyền thống (irvented traditions) của Eric Hobsbawm, hay thuyết "Những cộng đồng tưởng tượng" (ImaginedCommunities) của Benedict Anderson cho tới thuyết “Dân tộc biểu tượng luận” (Ethnosymbolism) của Anthony D. Smith, những biểu hiện mạnh nha của sự hình thành chủ nghĩa dân tộc, sự chi phối của diễn ngôn quyền lực, sự tiếp thu các ảnh hưởng của giao lưu quốc tế, sự thăng trầm của ảnh hưởng Nho giáo trong việc kiến tạo nên các huyền thoại tộc người, việc văn bản hóa chúng trong các thư tịch mang tính chính thống - mà các tác giả đánh giá là “tờ giấy khai sinh hợp pháp của triều đình phong kiến Việt Nam" cho hình tượng Rồng Tiên trong mỹ thuật. Từ đây, nhóm tác giả dẫn người đọc tới các tầng văn hoá-nhận thức-triết mỹ của việc kiến tạo, giải hủy, tái kiến tạo hình tượng tiên mà sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp ở bề mặt của các di sản vật thể mang tính thị giác chỉ là bề nổi của hàng loạt các động thái lịch sử - chính trị - văn hóa miền tục trong thời gian và không gian của nhân loại.

Để có cái nhìn bao quát, nhóm tác giả đã trình hiện trên trang giấy chuyên khảo những kiến thức liên văn hóa mà các dữ liệu về văn học dân gian (truyện “Từ Thức”, truyện “Ả Chức - chàng Ngưu”), văn học thành văn (“Bích câu kỳ ngộ”, “Văn Cát thần nữ”), về nghệ thuật biểu diễn (rối nước, múa trong lễ hội, trong hát Ca trù) và nghệ thuật tạo hình. Từ cái nền liên văn hóa, cuốn chuyên khảo đi sâu giới thiệu các đồ án tiên nữ trong chùa, tháp, đền, miếu; sự tương đồng giữa hình tượng tiên nữ ở đình, chùa, đền, miếu ở đề tài, hình thức thể hiện, phong cách tạo hình và trang phục mà qua đó, nhóm tác giả gợi ra những suy nghĩ về cơ tầng văn hóa truyền thống và sâu xa hơn là mẫu gốc mà “vô thức cộng đồng” tạo ra trong lịch sử.

Đi xa để về gần, đào sâu để hiểu thêm tầng bề mặt, nghĩ rộng để hiểu kỹ hơn những gì trong phạm vi hẹp, bao quát để tường minh cái cụ thể, chuyên khảo đưa người đọc tới cái nhìn cận cảnh về hình tượng tiên nữ trong chạm khắc đình làng Việt, tập trung ở các ngôi đình tiêu biểu: Tây Đằng và Thụy Phiêu (Hà Nội), Phù Lưu (Bắc Ninh), Lỗ Hạnh và Thổ Hà (Bắc Giang)... Bằng cái nhìn học thuật chuyên sâu về mỹ thuật, từ đam mê vô bờ bến đối với di sản điêu khắc của dân tộc, cùng với sự cảm nhận tinh tế và sự giản dị mà trau chuốt của ngôn từ thể hiện, chuyên khảo dường như đã làm sống lại những khát khao muốn gửi gắm, những đam mê bất tận và sự thăng hoa bừng sáng của các điêu khắc gia dân gian khi đặt những đường chạm của bàn tay tài hoa vào thớ gỗ cách đây tới 5 thế kỷ. Những khuôn mặt trái xoan, những ngắn cổ cao thanh thoát, những đôi tay trần, những ngón tay búp măng, những vạt áo dài khăn, váy dài hay váy đụp, xiêm y kín đáo hoặc trễ nải, có cánh hoặc không cánh... đều được tạc trong thể động của hình khối và đường nét, trong sự hài hòa của các đẹp và cái hợp lý vừa tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ, vừa tạo ấn tượng cảm xúc sâu đậm cho người xem như những nhân vật có hồn vía, có bản sắc. Bởi thực ra, đó chính là hóa thân của các cô thôn nữ Việt Nam “thắt đáy lưng ong”, “miệng cười như thế hoa ngâu” mà ca dao đã lưu lại bằng ngôn từ.

Trên nền chung của đồ án điều khắc tiên nữ trong không gian văn hóa đình làng Bắc Bộ, đồ án “Tiên nữ cưới rồng" được đặc biệt chú ý. Hình tượng tiên trong đồ án này vừa mang dáng dấp của các thôn nữ trong cuộc sống đời thường, vừa là sự phóng khoáng, cách điệu của việc thể hiện cái đẹp của người phụ nữ trong sự phá dỡ các khuôn mẫu và định kiến về giới do sự bớt hà khắc của quan niệm Nho giáo và nhờ ảnh hưởng bởi sự tiếp xúc với thế giới phương Tây xứng đáng là biểu tượng tinh hoa của mỹ thuật Việt Nam. Việc gây kinh ngạc khi giới thiệu đồ án này ra nước ngoài đã là một minh chứng sinh động cho điều đó.

Cũng như lịch sử không phải là đã qua, di sản cũng không chỉ là câu chuyện của quá khứ, di sản đã được sống lại trong sự tái kiến tạo truyền thống như một mạch nguồn không bao giờ dừng lại. Việc họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm với sự tái khởi động các đồ án hình tượng tiên trong sáng tác của ông ở thập niên 60 của thế kỷ XX sau nhiều thế kỷ đứt đoạn đã khơi nguồn cho sự tiếp nối sáng tạo của nhiều thế hệ hoạ sĩ Việt Nam; sự hóa thân hình ảnh các nàng tiến vào các cánh diều ở trời Âu sau triển lãm “Rồng Tiên trên chạm khắc đình làng ở Việt Nam” tại Paris (9/2012) là những ví dụ cho sự tái sinh miên tục của truyền thống trong các chiều kích không - thời gian đương đại.

Cũng như vậy, sự đọc của nhóm tác giả cuốn "Tiên nữ trong mỹ thuật Việt" với những dẫn liệu hình ảnh phong phú, với những cảm nhận tinh và phân tích sâu từ góc độ liên ngành, không thể khác, là những bước tiếp trên dặm dài thời gian để lưu giữ, nuôi sống và làm mới bản sắc Việt trong một tình yêu đậm sâu và niềm tự hào vô bờ bến của con dân nước Việt./.

Bài liên quan
  • Thi nhân xứ Đoài trong không gian văn hóa kinh kỳ
    Xứ Đoài thuộc không gian địa lý Sơn Tây, là vùng trọng yếu của Thăng Long xưa - Hà Nội nay và cũng là vùng “địa linh nhân kiệt” với nhiều danh nhân kỳ hùng, mang nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc, có truyền thống lâu đời.
(0) Bình luận
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • “Bay qua Hồ Gươm” - trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội
    “Mơ là bồ câu trắng/ Bay qua Hồ Gươm xanh”, tác giả Huỳnh Mai Liên đã bật lên khao khát muốn được trở thành cánh chim nhẹ nhàng và tự do khám phá bầu trời Hà Nội ở cuối bài thơ Bay qua Hồ Gươm (cũng là tên tập thơ). Dường như cũng từ giấc mơ này, nhà thơ đã viết ra những vần thơ kể chuyện dẫn lối người đọc ngắm nhìn Hà Nội từ cao đến thấp, từ xa đến gần.
  • Thơ truyền thống trong thời đại số
    Thơ truyền thống là loại thơ viết theo đúng niêm luật, thường bó buộc trong các thể loại: Lục bát, Đường luật (Nhất, tam ngũ bất luận), song thất lục bát, thơ (bốn, năm, sáu, bẩy, tám) chữ… phải có vần điệu, cấu tứ rõ ràng và ngôn từ là phương tiện để nhà thơ biểu đạt, giãi bày tình cảm, tư tưởng tinh thần của tác giả. Trong thời đại số, thơ truyền thống vẫn được nhiều tác giả tiếp nối nhưng theo một hình thức mới, nội dung mới và nhà thơ không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn phép nào.
  • 50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế
    Hội nghị Lý luận, phê bình Văn học lần thứ V diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội, quy tụ những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình hàng đầu. Với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”, hội nghị đã làm nổi bật bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam...
  • Thị trường nghệ thuật Việt Nam: Chuyên nghiệp để bứt phá
    Nghệ thuật Việt Nam gần đây thu hút sự chú ý đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước. Các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam không chỉ được công nhận về mặt giá trị nghệ thuật mà còn đạt được mức giá cao, phản ánh sự gia tăng sức hút và quan tâm của các nhà sưu tầm, người yêu mỹ thuật, cũng như các hãng đấu giá quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tiên nữ trong mỹ thuật Việt từ cách tiếp cận liên ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO