Lý luận - phê bình

Trái đất ngủ mơ mùa thu thay áo

Lời bình của Bích Hạnh 09/11/2023 13:56

Bài thơ “Thu cảm” của nhà thơ Trương Anh Tú không có từ nào chỉ sắc màu của lá mà sao tràn ngập thu vàng và thật Thu đến thế. Đi tìm và lý giải cho cảm nhận này, ta bước theo từng nhịp bước mùa thu - nhịp bước thời gian và thấy chủ thể con người - thi nhân với tâm tư, nhân sinh hiển lộ trong bài thơ.

thieu-nu.jpg

Bài thơ “Thu cảm” của nhà thơ Trương Anh Tú không có từ nào chỉ sắc màu của lá mà sao tràn ngập thu vàng và thật Thu đến thế.Đi tìm và lý giải cho cảm nhận này, ta bước theo từng nhịp bước mùa thu - nhịp bước thời gian và thấy chủ thể con người - thi nhân với tâm tư, nhân sinh hiển lộ trong bài thơ.

Trái đất ngủ mơ

mùa thu thay áo

Chỉ với hai câu thơ mà nhà thơ đã có thể dẫn người đọc vào một không gian và thời gian đặc biệt độc đáo, đầy quyến rũ, được đặt tên là Mùa Thu! Hẳn rồi, chỉ có mùa thu trái đất mới “ngủ mơ” bởi làn sương bảng lảng, bởi sắc lá mơ màng, bởi không gian huyền ảo, dịu nhẹ như trong mơ. Mùa thu hiện lên trong câu thơ như bóng dáng yêu kiều của một nàng công chúa. “Nàng” trút bỏ chiếc áo xanh mùa hè, khoác lên mình chiếc áo mộng mơ của mùa thu.

Trong khoảnh khắc, vẻ đẹp của nàng thay đổi đến ngỡ ngàng, mê hoặc. Những câu thơ như một phép màu, phác vẽ thật đẹp, thật duyên dáng và xao xuyến. Vẻ đẹp của thiên nhiên sóng đôi trong trường liên tưởng với dáng vẻ, hành động gợi cảm của con người. Cây trút lá như nàng công chúa trút xiêm y; cả hai hóa thân vào nhau, tương hỗ bổ sung cho nhau, đồng hiện trong một bức tranh thơ hiện thực huyền ảo, say đắm:

Em bồng bềnh

nét vẽ đất trời”.

“Em” ở đây không chủ ý là em cụ thể nào, bởi em là “nét vẽ đất trời”; em là thiên nhiên, là cái đẹp, thực mà mộng, mộng mà thực. Nhưng sao vẫn thấy phảng phất một “nàng tiên”, một dáng hình phụ nữ? Ở đây nhà thơ đã tạo ra một “khoảng trống” thật đắt giá để người đọc cùng thăng hoa, cùng vẽ vào bức tranh tưởng tượng của cái đẹp.

“Anh” - cái tôi bản thể của tác giả - lúc này đã không thể không bật thốt lên tiếng nói tâm hồn: “Anh như lá/ nghe mùa đang gọi”. Anh đã nghe thấy tiếng nói của mùa, tiếng gọi, hơi thở của thiên nhiên, của “em” - bằng tình yêu và trái tim mẫn cảm. Tự lúc nào anh hóa thân vào thiên nhiên, anh thành chiếc lá để chuyển động cùng nhịp thời gian, để thấu cảm hết vẻ đẹp của mùa thu. Anh hòa nhịp lòng mình vào bản hòa tấu đất trời, cùng sắc lá bay theo mùa gọi, đó là vẻ đẹp của sự cống hiến hết mình, cháy hết mình, đến tận cùng.

Say đắm, đồng điệu với thiên nhiên, nhưng là cái đắm say của một bản thể chủ động, khi câu thơ bỗng neo lại như ẩn chứa một nỗi niềm: “Giữ lại riêng mình chút nắng thôi”.

Đến đây, chất “thu cảm” của bài thơ đã vượt khuôn khổ những cảm xúc mộng mơ, lãng mạn trữ tình thông thường để hướng đến tâm thế, ưu tư của một thi nhân - kẻ sĩ. Bài thơ bay lên, bay qua bức tranh mùa thu, bay qua những mộng mơ, xao xuyến để bước vào tâm thức, bước vào thế giới tinh thần cao đẹp của con người. Như một cảm nhận của nhà giáo Nguyễn Cảnh Thụy:

“Anh như lá nghe mùa đang gọi

Giữ lại riêng mình chút nắng thôi.

Câu thơ rất mới, rất lạ, chênh vênh nỗi niềm... trong triết lý hiện sinh của một bản thể ý thức, vừa chủ động hiến dâng vừa cô đơn!”.

Mùa thu của thiên nhiên, của cuộc đời con người là độ chín cao nhất, nhưng cũng là mùa chạnh lòng bâng khuâng về những gì rực rỡ nhất đã và đang qua đi. Thiên nhiên, con người nói chung đều phải vận động theo quy luật thời gian, chỉ có “anh” - một chủ thể thi sĩ, là có “quyền năng” giữ lại được vẻ đẹp của mùa thu vĩnh cửu qua ngôn ngữ thi ca. “Chút nắng” ấy tưởng nhỏ nhoi, khiêm lặng, nhưng đó lại chính là ánh sáng ngọn lửa tâm hồn thi nhân không bao giờ tàn lụi. Khi đã “giữ lại riêng mình” là đồng thời cũng lựa chọn nỗi cô đơn như một giá trị, với sứ mệnh sáng tạo của người nghệ sĩ.

Điểm đặc biệt là bài thơ không có một từ nào miêu tả sắc vàng, nhưng đến chữ “nắng”, chỉ một chữ “nắng” trong câu thơ cuối đã khiến bài thơ bừng sáng, và người đọc cũng như bừng tỉnh để nhận thấy một triết lý nhân sinh.

Mùa thu lúc này đẹp quá, sắc vàng sắc đỏ của lá ùa về, tràn ngập tâm cảm, vì chỉ có một mùa vàng rực rỡ như thế mới có thể đọng “nắng” lại trong “anh” khi mùa thu đi qua. Hay nói cách khác, chỉ cái đẹp mới là giá trị còn lại sau tất cả những lụi tàn. Những vòm lá thu rực rỡ mà A. Camus từng định nghĩa “Mùa thu là mùa xuân thứ hai khi mỗi chiếc lá là một đoá hoa” chợt bừng lên trong trí tưởng của mọi người. Nếu mùa xuân là mùa của sinh sôi nảy nở, mùa hạ là mùa xanh biếc nồng nàn, mùa đông trơ trọi vắng lặng và ấp ủ, thì mùa thu là mùa của vẻ đẹp tận hiến. “Nắng” này không phải chỉ là ánh nắng mặt trời, mà là nắng trong hồn thu, trong sắc lá, trong mùa; “nắng” là hiện thân của vẻ đẹp tâm hồn, của ngọn lửa thi sĩ không bao giờ lụi tắt.

Ngoài tính triết lý, bài thơ “Thu cảm” vẫn thể hiện thế mạnh của thơ Trương Anh Tú là giàu chất nhạc, từ ngữ chắt lọc, thi ảnh độc đáo; những câu thơ tự do nhưng mang nhịp điệu, tiết tấu hài hòa đã tạo nên chất “thu cảm” bâng khuâng, thiết tha, lắng đọng. Mùa thu dẫu có triệu triệu lần đi qua Trái Đất này, đời người có theo thời gian trôi như lá bay theo gió, thì “chút nắng” ấy vẫn luôn mãi là năng lượng để ta say đắm với cuộc đời./.

Thu cảm

Trái đất ngủ mơ

mùa thu thay áo

Em bồng bềnh

nét vẽ đất trời

Anh như lá

nghe mùa đang gọi

Giữ lại riêng mình chút nắng thôi.

(Trích trong tập thơ “Những mùa hoa anh nói” - Trương Anh Tú, Nxb Hội Nhà văn, 2018).

Bài liên quan
  • Trò chuyện với nhà nghiên cứu Nhật Chiêu về thơ haiku
    Tối ngày 21/10/2023, những người yêu thơ haiku tại Hà Nội đã có cuộc giao lưu, trò chuyện với nhà nghiên cứu Nhật Chiêu với chủ đề “Haiku tương thoại”. Cuộc trò chuyện do nhóm Ô Thước/ Authors tổ chức tại không gian cà phê sách Tổ Chim Xanh, Hà Nội.
(0) Bình luận
  • 70 năm văn học Thủ đô nhìn từ thế hệ và thành tựu
    Hội Nhà văn Hà Nội hiện nay có gần 700 hội viên thuộc các ngành sáng tác thơ, văn, lý luận phê bình, dịch thuật và khảo cứu. Chưa có một thống kê cụ thể và đầy đủ số lượng các nhà văn chuyên môn hóa sáng tác khi lựa chọn thể loại văn học nhưng ước tính thì số người làm thơ và viết văn xuôi là không bên nào áp đảo bên nào. Nói hình ảnh thì thơ và văn xuôi là hai dòng chủ lưu thao thiết chảy tạo nên diện mạo cũng như khí sắc văn học Thủ đô trong vòng bảy thập kỷ qua (1954-2024). Đặc điểm của đội ngũ nhà văn Hà Nội thường là “2 trong 1” (vừa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội). Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Hà Nội là Thủ đô với ưu thế tập trung tinh hoa, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của cả nước. Tạo tác nên thành tựu văn học Thủ đô qua các chặng đường văn từ 1954 - 2024 là sự nỗ lực của các thế hệ nhà văn, theo quy luật tre già măng mọc.
  • Mấy đặc trưng trong thơ Thăng Long - Hà Nội
    Để xác định những khác biệt của thơ Hà Nội so với thơ các địa phương khác cần nhìn lại cả quá trình phát triển của thơ từ thuở lập kinh đô, phải tính đến những tác phẩm không chỉ của những nhà thơ sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội, mà còn của những nhà thơ từ những vùng quê khác về sống ở Thăng Long. Và chính họ, những nhà thơ bị (hoặc được) phong cách sống, phong cách thơ của Hà Nội đồng hóa, vốn đông đảo hơn các nhà thơ nguyên quán Hà Nội, đã đóng góp nhiều hơn để tạo nên phong cách trữ tình cho thơ đất đế đô.
  • Về Hà Nội cùng Nguyễn Đình Thi
    Tháng 10 năm 1954, Chính phủ kháng chiến và những đoàn quân chiến thắng rời Việt Bắc về Hà Nội. Ngày 10/10/1954 chính thức đánh dấu Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng.
  • Vinh danh 25 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc năm 2023
    Tối 19/9, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Lễ trao Tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2023.
  • Lý luận, phê bình sân khấu: Thực trạng và giải pháp
    Lý luận, phê bình sân khấu là một chuyên ngành khoa học mang trong mình cả lý luận lẫn phê bình. Tức là, phê bình bằng lý luận và lý luận để phê bình. Lý luận là kết quả của quá trình mà con người đúc kết ra kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật sân khấu, mang tri thức khách quan về những quy luật vận động, phát triển của hiện thực nghệ thuật sân khấu.
  • Công tác lãnh đạo, quản lý, hoạt động văn nghệ: Nhìn từ thực tiễn văn học, nghệ thuật sau 50 năm đất nước thống nhất
    Sáng ngày 20/8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức khai mạc Hội nghị tập huấn với chủ đề “Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển – Thực tiễn và những vấn đề cần quan tâm” dành cho các địa phương, đơn vị khu vực phía Bắc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trái đất ngủ mơ mùa thu thay áo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO