Trái đất ngủ mơ mùa thu thay áo
Bài thơ “Thu cảm” của nhà thơ Trương Anh Tú không có từ nào chỉ sắc màu của lá mà sao tràn ngập thu vàng và thật Thu đến thế. Đi tìm và lý giải cho cảm nhận này, ta bước theo từng nhịp bước mùa thu - nhịp bước thời gian và thấy chủ thể con người - thi nhân với tâm tư, nhân sinh hiển lộ trong bài thơ.
Bài thơ “Thu cảm” của nhà thơ Trương Anh Tú không có từ nào chỉ sắc màu của lá mà sao tràn ngập thu vàng và thật Thu đến thế.Đi tìm và lý giải cho cảm nhận này, ta bước theo từng nhịp bước mùa thu - nhịp bước thời gian và thấy chủ thể con người - thi nhân với tâm tư, nhân sinh hiển lộ trong bài thơ.
“Trái đất ngủ mơ
mùa thu thay áo”
Chỉ với hai câu thơ mà nhà thơ đã có thể dẫn người đọc vào một không gian và thời gian đặc biệt độc đáo, đầy quyến rũ, được đặt tên là Mùa Thu! Hẳn rồi, chỉ có mùa thu trái đất mới “ngủ mơ” bởi làn sương bảng lảng, bởi sắc lá mơ màng, bởi không gian huyền ảo, dịu nhẹ như trong mơ. Mùa thu hiện lên trong câu thơ như bóng dáng yêu kiều của một nàng công chúa. “Nàng” trút bỏ chiếc áo xanh mùa hè, khoác lên mình chiếc áo mộng mơ của mùa thu.
Trong khoảnh khắc, vẻ đẹp của nàng thay đổi đến ngỡ ngàng, mê hoặc. Những câu thơ như một phép màu, phác vẽ thật đẹp, thật duyên dáng và xao xuyến. Vẻ đẹp của thiên nhiên sóng đôi trong trường liên tưởng với dáng vẻ, hành động gợi cảm của con người. Cây trút lá như nàng công chúa trút xiêm y; cả hai hóa thân vào nhau, tương hỗ bổ sung cho nhau, đồng hiện trong một bức tranh thơ hiện thực huyền ảo, say đắm:
“Em bồng bềnh
nét vẽ đất trời”.
“Em” ở đây không chủ ý là em cụ thể nào, bởi em là “nét vẽ đất trời”; em là thiên nhiên, là cái đẹp, thực mà mộng, mộng mà thực. Nhưng sao vẫn thấy phảng phất một “nàng tiên”, một dáng hình phụ nữ? Ở đây nhà thơ đã tạo ra một “khoảng trống” thật đắt giá để người đọc cùng thăng hoa, cùng vẽ vào bức tranh tưởng tượng của cái đẹp.
“Anh” - cái tôi bản thể của tác giả - lúc này đã không thể không bật thốt lên tiếng nói tâm hồn: “Anh như lá/ nghe mùa đang gọi”. Anh đã nghe thấy tiếng nói của mùa, tiếng gọi, hơi thở của thiên nhiên, của “em” - bằng tình yêu và trái tim mẫn cảm. Tự lúc nào anh hóa thân vào thiên nhiên, anh thành chiếc lá để chuyển động cùng nhịp thời gian, để thấu cảm hết vẻ đẹp của mùa thu. Anh hòa nhịp lòng mình vào bản hòa tấu đất trời, cùng sắc lá bay theo mùa gọi, đó là vẻ đẹp của sự cống hiến hết mình, cháy hết mình, đến tận cùng.
Say đắm, đồng điệu với thiên nhiên, nhưng là cái đắm say của một bản thể chủ động, khi câu thơ bỗng neo lại như ẩn chứa một nỗi niềm: “Giữ lại riêng mình chút nắng thôi”.
Đến đây, chất “thu cảm” của bài thơ đã vượt khuôn khổ những cảm xúc mộng mơ, lãng mạn trữ tình thông thường để hướng đến tâm thế, ưu tư của một thi nhân - kẻ sĩ. Bài thơ bay lên, bay qua bức tranh mùa thu, bay qua những mộng mơ, xao xuyến để bước vào tâm thức, bước vào thế giới tinh thần cao đẹp của con người. Như một cảm nhận của nhà giáo Nguyễn Cảnh Thụy:
“Anh như lá nghe mùa đang gọi
Giữ lại riêng mình chút nắng thôi.
Câu thơ rất mới, rất lạ, chênh vênh nỗi niềm... trong triết lý hiện sinh của một bản thể ý thức, vừa chủ động hiến dâng vừa cô đơn!”.
Mùa thu của thiên nhiên, của cuộc đời con người là độ chín cao nhất, nhưng cũng là mùa chạnh lòng bâng khuâng về những gì rực rỡ nhất đã và đang qua đi. Thiên nhiên, con người nói chung đều phải vận động theo quy luật thời gian, chỉ có “anh” - một chủ thể thi sĩ, là có “quyền năng” giữ lại được vẻ đẹp của mùa thu vĩnh cửu qua ngôn ngữ thi ca. “Chút nắng” ấy tưởng nhỏ nhoi, khiêm lặng, nhưng đó lại chính là ánh sáng ngọn lửa tâm hồn thi nhân không bao giờ tàn lụi. Khi đã “giữ lại riêng mình” là đồng thời cũng lựa chọn nỗi cô đơn như một giá trị, với sứ mệnh sáng tạo của người nghệ sĩ.
Điểm đặc biệt là bài thơ không có một từ nào miêu tả sắc vàng, nhưng đến chữ “nắng”, chỉ một chữ “nắng” trong câu thơ cuối đã khiến bài thơ bừng sáng, và người đọc cũng như bừng tỉnh để nhận thấy một triết lý nhân sinh.
Mùa thu lúc này đẹp quá, sắc vàng sắc đỏ của lá ùa về, tràn ngập tâm cảm, vì chỉ có một mùa vàng rực rỡ như thế mới có thể đọng “nắng” lại trong “anh” khi mùa thu đi qua. Hay nói cách khác, chỉ cái đẹp mới là giá trị còn lại sau tất cả những lụi tàn. Những vòm lá thu rực rỡ mà A. Camus từng định nghĩa “Mùa thu là mùa xuân thứ hai khi mỗi chiếc lá là một đoá hoa” chợt bừng lên trong trí tưởng của mọi người. Nếu mùa xuân là mùa của sinh sôi nảy nở, mùa hạ là mùa xanh biếc nồng nàn, mùa đông trơ trọi vắng lặng và ấp ủ, thì mùa thu là mùa của vẻ đẹp tận hiến. “Nắng” này không phải chỉ là ánh nắng mặt trời, mà là nắng trong hồn thu, trong sắc lá, trong mùa; “nắng” là hiện thân của vẻ đẹp tâm hồn, của ngọn lửa thi sĩ không bao giờ lụi tắt.
Ngoài tính triết lý, bài thơ “Thu cảm” vẫn thể hiện thế mạnh của thơ Trương Anh Tú là giàu chất nhạc, từ ngữ chắt lọc, thi ảnh độc đáo; những câu thơ tự do nhưng mang nhịp điệu, tiết tấu hài hòa đã tạo nên chất “thu cảm” bâng khuâng, thiết tha, lắng đọng. Mùa thu dẫu có triệu triệu lần đi qua Trái Đất này, đời người có theo thời gian trôi như lá bay theo gió, thì “chút nắng” ấy vẫn luôn mãi là năng lượng để ta say đắm với cuộc đời./.
Thu cảm
Trái đất ngủ mơ
mùa thu thay áo
Em bồng bềnh
nét vẽ đất trời
Anh như lá
nghe mùa đang gọi
Giữ lại riêng mình chút nắng thôi.
(Trích trong tập thơ “Những mùa hoa anh nói” - Trương Anh Tú, Nxb Hội Nhà văn, 2018).