Lý luận - phê bình

Lắng mình trong những mạch nguồn văn hóa

Phương Thuý 08:09 15/03/2024

Họa sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần) bề ngoài có vẻ xù xì, gai góc đối với những ai lần đầu tiên gặp mặt, nhưng bên trong chị lại là người “khát sống, khát yêu” và say mê sáng tạo trong cõi riêng của mình. Không những là họa sĩ vẽ lụa đầy ngẫu hứng, phiêu lưu, chị còn thỏa lòng mình trên những tác phẩm hội họa hoành tráng theo phong cách biểu hiện, trừu tượng. Tranh hoành tráng của Trần Thị Thu cũng giống con người chị, thô ráp mà thâm trầm, tĩnh lặng mà nồng nàn, tầng tầng lớp lớp câu chuyện ẩn trong những mạch nguồn văn hóa mà chị gắn bó, tự thân tìm hiểu đến ngọn ngành.

anh-4trien-lam-tieng-goi-cua-hoa-si-thu-tranhnfthn.jpg
Triển lãm “Tiếng gọi” của họa sĩ Trần Thị Thu tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm năm 2023.
anh-1abdtrnt.jpg
Họa sĩ Trần Thị Thu

Họa sĩ Trần Thị Thu quê gốc làng Chuông (Hà Tây cũ). Từ nhỏ, chị theo gia đình lên Sơn La sinh sống. Những năm tháng tuổi thơ gắn bó với rừng, với đồng bào dân tộc Thái, Mông, Mường đã bồi đắp cho chị nhiều vốn sống, tình yêu với mảnh đất đã “bao bọc”, nuôi dưỡng mình. Khi chuyển xuống Hòa Bình sinh sống, dạy học, Trần Thị Thu vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, cùng với sự giúp sức của bạn bè, chị được “thẩm thấu” văn hóa Mường sau nhiều năm gắn bó. Không ít lần chị đi dọc con sông Đà, thấu cảm đời sống văn hóa, đời sống tâm linh của người Việt cổ và mường tượng sâu dưới lòng con sông tràn đầy năng lượng kia là những huyền thoại kì bí, oai linh, nhưng cũng gần gũi với biết bao kiếp người mưu sinh, bao đời cá, đời tôm… Hang Đồng Nội nay chỉ là một di chỉ khảo cổ nhưng với Trần Thị Thu, dường như có một điều gì đó thiêng liêng dẫn lối cho chị mường tượng về thuở sinh hoạt ban sơ của loài người…

Các trầm tích văn hóa ấy cũng đi vào tác phẩm hội họa của Trần Thị Thu một cách tự nhiên, với những bức tranh khổ lớn kết hợp chất liệu của đất Mường và ngôn ngữ hội hoạ biểu hiện - trừu tượng, được thể hiện bằng các gam màu xưa cũ. “Không hiểu vì lý do gì nhưng nếu không nghiên cứu những điều mình quan tâm thì sẽ trái với mong muốn, sở thích của mình. Đấy là lý do vì sao tôi cứ chọn cách vẽ trừu tượng. Các bức tranh tôi vẽ thường có khổ 1m2x2m, 1m55x2m, sau đó ghép lại với nhau để tạo thành một câu chuyện lớn, mô tả những trải nghiệm văn hóa của tôi” - họa sĩ Trần Thị Thu chia sẻ.

anh-3rthbdrtt.jpg
Bộ tranh trừu tượng của họa sĩ Trần Thị Thu tại triển lãm “Xứ Mường” tháng 5/2023

Tháng 5/2023, họa sĩ Trần Thị Thu cùng các nghệ sĩ - là những người con được sinh ra và lớn lên hoặc gắn bó sâu sắc với mảnh đất Hòa Bình như Vũ Đức Hiếu, Trần Trung Dũng, Bùi Văn Đạo, Nguyễn Giang Châu tổ chức triển lãm “Xứ Mường”. Thông qua ngôn ngữ biểu hiện của các loại hình nghệ thuật hội họa, điêu khắc, gốm, triển lãm “Xứ Mường” như một cuộc hội ngộ của các nghệ sĩ tâm huyết, đã mang đến cho công chúng những dư âm vang vọng của cái nôi văn hóa Hòa Bình. Riêng họa sĩ Trần Thị Thu mang đến bộ tranh 23 bức khổ lớn, như những câu chuyện kể văn hóa Mường, về con sông Đà mênh mang, vang vọng tiếng chiêng cồng cùng những dư âm trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người xưa. Là người đã chứng kiến chặng đường dài sáng tạo của họa sĩ Trần Thị Thu, họa sĩ Lý Trực Sơn cho rằng, những cống hiến của chị xuất phát từ sự tự thân, với những mong muốn thiện tâm. “Cái hay của nghệ thuật là người ta có nhiều lối đi khác nhau. Trần Thị Thu làm nghệ thuật với tính cống hiến rất cao. Rất nhiều nghệ sĩ làm nghệ thuật vì say mê của bản thân. Nghệ thuật của chị khao khát đến với tất cả mọi người, hòa vào mọi người. Đó là khát khao chính đáng, bộc lộ hết bản thân và mong muốn kết giao”- họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ.

anh-2gnft.jpg
Một tác phẩm của họa sĩ Trần Thị Thu.

Có một điều đặc biệt là họa sĩ Trần Thị Thu vẽ những bức tranh khổ lớn về xứ Mường ngay trên chính mảnh đất này, dù hiện tại chị đã về Hà Nội sinh sống. Chị dành riêng một xưởng nghệ thuật tại Hòa Bình, dùng chất liệu địa phương để sáng tác. Từ năm 2002 đến nay, họa sĩ Trần Thị Thu đã dùng giấy giang vẽ trên màu nước, acrylic, vẽ trên giấy giang và sử dụng bột giấy giang trên toan, kết hợp sơn mài… Tại Hòa Bình, chị đang vận động bà con trồng cây giang, bởi trước đây nguyên liệu vẫn phải lấy hoàn toàn từ rừng. Và thế là, những cuộc trở đi, trở về Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội với chị như thoi đưa, mỗi lần tâm thế đều như “dùng dằng đi chẳng dứt/ đi thì cũng dở, ở không xong”. “Mỗi lần trở đi, trở về luôn cho tôi những điều mới để mình chắc chắn, giống như làm một phác thảo, để khẳng định không phải là cảm xúc ban đầu. Cảm xúc nhất thời rồi sẽ qua đi nhưng cảm xúc bền bỉ ấy sẽ giúp tôi nuôi dưỡng ý tưởng lâu dài, cũng giống như khi người ta xây một ngôi nhà cần một cái móng chắc chắn. Kiến thức chắc chắn, cảm xúc chắn chắn để có thể xây dựng để làm từng triển lãm, chứ không phải là mỗi tác phẩm”- họa sĩ Trần Thị Thu bộc bạch.

anh-5-sap-dat-tro-ve.jpg
Sắp đặt địa hình “Trở về” trên đỉnh một quả đồi tại Chiềng Đi, Vân Hồ, Sơn La của họa sĩ Trần Thị Thu

Cũng bởi yêu văn hóa Mường nên họa sĩ Trần Thị Thu dự định đầu năm nay sẽ vào Quảng Bình, tìm hiểu cuộc sống của người Nguồn - cộng đồng dân tộc thuộc nhóm Việt - Mường, với mong muốn có thể khai thác tận cùng câu chuyện Mo Mường, sử thi “Đẻ đất đẻ nước”… Và cũng còn những dự định khác với hội họa, mong muốn được kể tiếp câu chuyện sông Đà, khai mở dòng nghệ thuật Hòa Bình, từ những người gắn bó với mảnh đất này sau triển lãm “Xứ Mường”. Cũng có lần, chị đưa vào trong tác phẩm sắp đặt “Trở về” câu chuyện tình và nỗi buồn da diết trong truyện thơ “Xống chụ xon xao”- “Tiễn dặn người yêu” của đồng bào dân tộc Thái. Câu chuyện tình ấy và số phận của người phụ nữ từ xưa đến nay vẫn là những ám ảnh để Trần Thị Thu tiếp tục trở lại với những sáng tác hội họa và sắp đặt trong thời gian tới.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường) là người gắn bó với họa sĩ Trần Thị Thu, khi cả hai cùng chung niềm say mê tìm hiểu văn hóa Mường, cho rằng: Sắc thái đặc trưng riêng của dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao… thấm đẫm trong tinh thần sáng tác của Trần Thị Thu và đặc biệt là câu chuyện của văn hóa Mường – nơi chị đã có cả quá trình trưởng thành trong sáng tạo nghệ thuật. “Văn hóa là tri thức của dân tộc. Mỗi người nghệ sĩ đều có cách kể chuyện của riêng mình. Ngôn ngữ của chị Thu là biểu hiện - trừu tượng để diễn tả cảm xúc, câu chuyện của chị về những ấn tượng, cảm nhận về vùng đất văn hóa của dân tộc. Không chỉ riêng Mường, cảm xúc của chị với đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, với những sắc thái đặc trưng của từng dân tộc, với cảm xúc của núi rừng, bản làng… cũng thấm đẫm trong tinh thần sáng tác của chị”- họa sĩ Vũ Đức Hiếu nói.

Như một người luôn chạy marathon với chính mình, Trần Thị Thu kiên trì, say sưa trước những điều tưởng chừng như đã quen thuộc, đào sâu những mạch nguồn văn hóa khi có cơ hội được sống, được hòa mình với đất và người… Có lẽ, cần phải nói đến trữ lượng bền bỉ, phong phú bên trong chị cùng với khao khát được sáng tạo, mới có thể làm nên một thương hiệu “Big Thu” của ngày hôm nay. Còn nói như họa sĩ Vũ Đình Tuấn thì trong những năm gần đây, ngôn ngữ thị giác của họa sĩ Trần Thị Thu đã xuất hiện như một dòng chảy cuồn cuộn cảm xúc, khoáng hoạt, cháy bỏng, góp mặt tích cực vào đời sống nghệ thuật đương đại./.

Bài liên quan
  • Tết xưa - và nay: Những biến tấu từ cái nhìn đương đại
    Nhiều năm qua, dù đã có những thay đổi theo thời đại, nhưng Tết Nguyên Đán vẫn luôn là một dịp quan trọng đối với người Việt. Từ những ngày tất bật chuẩn bị đến những ngày thong dong đón Tết, đều là một “thú chơi”...
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • [Podcast] Bánh tẻ Cầu Liêu – Món ăn thấm hồn quê của làng Thạch xá
    Vùng đất xứ Đoài không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, mà còn có nhiều món ăn ngon, trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của xứ Đoài, trong đó có món Bánh tẻ. Bánh tẻ xuất hiện sớm tại 2 địa danh của vùng xứ Đoài xưa là Cầu Liêu (Thạch Thất) và Phú Nhi (Sơn Tây). Nếu như bánh tẻ Phú Nhi được gói bằng lá dong, lá chuối như nhiều loại bánh tẻ khác thì bánh tẻ Cầu Liêu so với những nơi khác là bánh được gói bằng loại lá đặc biệt – lá tre mai.
  • Bản hòa ca Hà Nội qua tranh vẽ
    70 tác phẩm đa dạng về chất liệu từ màu nước, ký họa, lụa, sáp dầu... với chủ đề về Hà Nội sẽ được giới thiệu tới công chúng tại Trung tâm thông tin triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ 20/11 đến 28/11/2024.
  • Khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”
    Chiều 18/11, tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh (số 29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”.
  • Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
    Việc công nhận “Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài” là Di sản văn hóa phi vật thể cũng đánh dấu hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đặc trưng ở Phú Thọ.
  • Trưng bày chuyên đề “Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê”
    Chào mừng Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), sáng 18/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê”. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong tới dự.
  • Khám phá Hà Nội qua triển lãm "Mười Bốn Art Show 2024"
    Triển lãm “Mười Bốn Art Show 2024” đang diễn ra tại không gian Aqua Art - Hanoi Aqua Central 44 Yên Phụ, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.
  • Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành chính thức nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
    Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 khẳng định thương hiệu “Thành phố sáng tạo”
    Tối 17/11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 “Giao lộ Sáng tạo” đã kết thúc với thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn trong lòng nhân dân Thủ đô và du khách.
  • [Podcast] Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam
    Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của “nguyên khí quốc gia”, nơi đây đào tạo sĩ tử và hơn thế nữa, là nơi tôn vinh nhân tài. Hiện nay, Di tích đặc biệt quan trọng này đang là nơi lưu giữ những hiện vật vô cùng giá trị: Bia Tiến sĩ là Bảo vật Quốc gia, Di sản tư liệu thế giới; Khuê Văn Các được chọn là Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội…
Lắng mình trong những mạch nguồn văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO