Lý luận - phê bình

Tết xưa - và nay: Những biến tấu từ cái nhìn đương đại

Nhà LLPB Bùi Việt Thắng 13/02/2024 14:48

Nhiều năm qua, dù đã có những thay đổi theo thời đại, nhưng Tết Nguyên Đán vẫn luôn là một dịp quan trọng đối với người Việt. Từ những ngày tất bật chuẩn bị đến những ngày thong dong đón Tết, đều là một “thú chơi”...

imageee.jpg

Đi chợ Tết

Đi chợ là bước chuẩn bị cho cái sự ăn uống trong ba ngày Tết. Ngày trước, trong các gia đình có người vợ đảm lược thường đi chợ Tết từ đầu tháng Chạp: “Người vợ ngày nào cũng dậy từ tinh mơ đi chợ để bắt đầu mua các thứ đồ nấu cất sẵn ở một chỗ vì sợ để đến rằm tháng Chạp mới mua thì đã kém ngon mà lại đắt” (Vũ Bằng - Thương nhớ mười hai). Đi chợ Tết bây giờ dĩ nhiên khác trước vì “dịch vụ xã hội”, “thương mại điện tử” khiến cho nhà nhà không phải lo tích trữ mọi thứ, các “nội tướng” cũng tốn ít thời gian hơn cho chuyện chợ búa áp Tết.

Nhưng đi chợ Tết có thể vẫn là một thú vui không dễ bỏ, bởi trong đời sống xã hội hễ có người là có chợ. Chợ là bộ mặt đời sống kinh tế - văn hóa của một vùng, là cái “nhiệt kế” nhìn vào đó sẽ thấy tăng trưởng hay khủng hoảng. Hà Nội không thiếu chợ. Theo nhà văn Tô Hoài, thì trước tháng 12/1995, Hà Nội có tất cả 135 chợ (chưa kể loại “chợ xanh”, “chợ cóc”...). Hà Nội có rất nhiều chợ nổi tiếng như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Bưởi, chợ Cửa Nam,... Nhưng điển hình nhất là chợ Đồng Xuân. Thạch Lam gọi chợ Đồng Xuân là “Cái bụng của thành phố”. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quốc Vượng nhận xét “Chợ Đồng Xuân là biểu tượng của văn hóa ẩm thực Hà Nội cũng như chợ Đông Ba là biểu tượng văn hóa ẩm thực Huế, chợ Bến Thành là biểu tượng của văn hóa ẩm thực Sài Gòn”.

Nhà văn Vũ Bằng (1913 - 1984) thì khôn nguôi nỗi niềm “thương nhớ mười hai” (về thời trân miền Bắc) và rạo rực khi nhớ về “miếng ngon Hà Nội”. Nhà văn nhớ đến chợ Đồng Xuân: “Ôi nhớ biết mấy, cảm biết mấy! Tả làm sao được những cảm giác nhẹ nhàng và tế nhị của những buổi sáng Chủ nhật lên chợ Đồng Xuân. (...). Thật là “trên thì trời, dưới thì hàng quà” (Miếng ngon Hà Nội).

Đi chợ Tết không có nghĩa chỉ là mua sắm các thức dụng cần thiết mà còn đi mua câu đối, xin chữ và đi chợ hoa. Bây giờ thì chợ hoa tràn ra khắp Hà Nội, không chỉ 36 phố phường mà có mặt khắp mọi nơi. Còn ngày trước đi chợ hoa Tết là đến đúng chỗ quy định. Người nào có tiền và sành điệu thì lên Nhật Tân mua đào, lên Quảng Bá mua hoa tươi. Hà Nội có một “con đường đào quất” từ Nghi Tàm, Quảng Bá, Quảng An, Nhật Tân, Phú Thượng,... Trong nội đô thì hoa và đào, quất được bán ở các phố cũ, xoay xoay quanh chợ Đồng Xuân. Gần đây người Hà Nội thích chơi mai vàng miền Nam. Cũng có khi ngẫu hứng, ta đi chợ Tết mà chẳng mua bán gì, chỉ để ngắm nhìn thiên hạ hồ hởi, hân hoan đi sắm Tết. Nhìn người khác sung sướng cũng là một niềm vui sướng của con người ta.

Ẩm thực Tết

Ẩm thực Hà Nội ngày nay đa dạng hơn do những giao thoa văn hóa. Hình ảnh đẹp về Tết “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” cũng nhạt nhòa dần vì nhiều lẽ. Bánh chưng thì bây giờ đa số các gia đình đặt mua ngoài hàng, thịt mỡ trên mâm Tết cũng dần vắng bóng. Nghĩa là cái màu, cái mùi, cái vị, cái âm thanh Tết bây giờ đã khác xưa nhiều lắm.

Cái uống trong dịp Tết nay cũng khác xưa nhiều. Người Hà Nội xưa uống rượu là chính trong dịp năm mới. Hà Nội có rượu Kẻ Mơ ngon nổi tiếng qua câu ca “Em là con gái Kẻ Mơ/ Em đi bán rượu tình cờ gặp anh/ Rượu ngon chẳng quản be sành....”. Nguyễn Trãi trong sách “Dư địa chí” (1435) đã ghi nhận phường Thụy Chương của Thăng Long - Đông Kinh (nay là Thụy Khuê) nấu rượu ngon nổi tiếng và ở đó cho đến thời Trạng Quỳnh (Lê - Trịnh) vẫn còn tượng “Phật say”. Thời bao cấp, ngày Tết trên mâm cỗ của mọi nhà có chai rượu màu (mùi) do nhà máy rượu quốc doanh sản xuất, bán phân phối theo tem phiếu. Thời nay kinh tế khá giả, đồ uống phong phú, người ta có nhiều lựa chọn hơn như uống bia, uống rượu vang ngoại trong dịp Tết.

Chơi Tết

Ta thường nghe “ăn Tết” chứ không phải “uống Tết”. Và nếu Tết xưa nặng về “ăn” thì Tết nay nghiêng về “uống” và “chơi”. Vì thế, trong sinh hoạt “chơi Tết” nay cũng biến đổi quan niệm, cách lựa chọn, hình thái, ứng xử.

Ngày trước, quan trọng nhất trong mỗi dịp năm mới là đi chúc Tết: “Mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy”, thời nay bổ sung: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Việc chơi Tết xưa thường mở đầu như thế, hẳn là truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt tri ân các bậc sinh thành (“Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”) và tri ân người truyền chữ nghĩa cho các thế hệ (“Không có thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”). Ngày mồng một Tết (hoặc chậm hơn) người ta đi (chơi, vãng cảnh) chùa, cũng là một hình thức chơi Tết. Đi chùa cũng hết sức thong dong, thư thả, vô ưu để cầu sự bình an, tốt lành, may mắn của một năm; lại có người đi chùa để xin tài xin lộc, hoặc cầu duyên. Những địa chỉ như chùa Quán Sứ, chùa Hà, chùa Phúc Khánh, chùa Kim Liên, xa hơn là chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Đậu, phủ Tây Hồ,... thời nào cũng là những địa chỉ văn hóa - tâm linh điển hình với người dân Kinh kỳ. Đi chùa đúng là náo nức cảnh tượng “ngựa xe như nước áo quần như nêm”.

Ngày nay cái gọi là “chơi Tết” cũng nhiều biến tấu mới mẻ và thú vị. Lớp người cao tuổi vẫn giữ nguyên nếp truyền thống, coi trọng chúc tụng họ hàng, láng giềng. Lớp trẻ thì bứt phá, đổi mới. Du lịch nội địa hay nước ngoài trong dịp Tết đang là xu hướng của những người trẻ ăn nên làm ra, thích xê dịch, thích cảm giác mới lạ, có nhu cầu trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa mới. Nếu du lịch nội địa, nhiều người Hà Nội thường chọn khu vực phía Nam, tới các điểm nhiều nắng ấm nổi tiếng như: Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc, Côn Đảo...; ai thích lên núi thường sẽ chọn Đà Lạt hoặc các vùng núi Đông Bắc, Tây Bắc có nhiều cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ… Bên cạnh đó, không ít người đã chọn tham gia các tour du lịch gần ở châu Á trong dịp Tết.

hanoimoi.com.jpg

Xem ra, những biến tấu của Tết, không chỉ áp vào Hà Nội nghìn năm văn vật mà như một “thặng dư” có tính phổ biến toàn quốc trong thời kinh tế thị trường và thế giới mở./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Nhà văn Đức Anh: “Viết văn hay viết phê bình đều cần phải có đầy năng lượng…”
    Nhà văn Đức Anh Kostroma (sinh năm 1993, tại Nga) từng “chào sân” với các tác phẩm ấn tượng như “Thiên thần mù sương”, “Tường lửa”, “Đảo bạo bệnh”. Hành trình sáng tạo đầy bản lĩnh của anh đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và ghi được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn đọc. Giải thưởng “Tác giả trẻ” năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam đã gọi tên anh cùng với tiểu thuyết “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời”, bởi đã dám dấn thân thể hiện thế giới quan của “người đi khai phá nét kiêu sa” trong cuộc sống.
  • Người lính và mùa xuân đất nước muôn đời
    Nguyễn Khoa Điềm là tác giả lớn của nền thơ Việt Nam hiện đại. Ông góp vào gia tài thơ ca Việt Nam nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có bài “Đồng dao mùa xuân”. “Đồng dao mùa xuân” được sáng tác vào tháng 12/1994, in trong sách “Thơ Nguyễn Khoa Điềm - Tuyển tập 40 năm do tác giả chọn” (Nxb Văn học, Hà Nội, 2011). Tác phẩm gồm 9 khổ với 33 dòng thơ, theo thể 4 chữ với phong cách đồng dao. Bài thơ được xem là một trong những tác phẩm thành công trong việc khắc họa hình tượng người lính.
  • Văn học Việt Nam đương đại - những tác động và chuyển đổi tích cực
    Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, văn học và các loại hình nghệ thuật khác đang đối mặt với những thách thức của quá trình sáng tạo và tiếp nhận. Làm sao để công chúng Việt Nam không lãng quên văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức và cảm thụ các bộ môn nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, múa, ca nhạc, hội họa… trước sự “bành trướng” của loại hình nghe nhìn, sự “cám dỗ” của điện thoại thông minh cùng các thiết bị điện tử và internet? Đối mặt với những thách thức ấy, các chủ thể sáng tạo đã nỗ lực như thế nào để
  • Chuyện phố - Tiếp nối hành trình trăn trở về thế sự
    Chiều ngày 25/3/2024, NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ môn Lý luận văn học - Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Chuyện phố - Một tự sự về đô thị đương đại” tại sảnh Nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tới dự tọa đàm có đại diện của Ban giám hiệu nhà trường, đại diện Nhà xuất bản, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng đông đảo bạn đọc trẻ.
  • Lắng mình trong những mạch nguồn văn hóa
    Họa sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần) bề ngoài có vẻ xù xì, gai góc đối với những ai lần đầu tiên gặp mặt, nhưng bên trong chị lại là người “khát sống, khát yêu” và say mê sáng tạo trong cõi riêng của mình. Không những là họa sĩ vẽ lụa đầy ngẫu hứng, phiêu lưu, chị còn thỏa lòng mình trên những tác phẩm hội họa hoành tráng theo phong cách biểu hiện, trừu tượng. Tranh hoành tráng của Trần Thị Thu cũng giống con người chị, thô ráp mà thâm trầm, tĩnh lặng mà nồng nàn, tầng tầng lớp lớp câu chuyện ẩn trong những mạch nguồn văn hóa mà chị gắn bó, tự thân tìm hiểu đến ngọn ngành.
  • Nhà văn Lê Minh Khuê xa & gần
    Nhà văn Lê Minh Khuê (sinh năm 1949, tại xã An Hải, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) từng là phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, Báo Tiền phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; sau 1975 là phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tết xưa - và nay: Những biến tấu từ cái nhìn đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO