Lý luận - phê bình

Lắng mình trong những mạch nguồn văn hóa

Phương Thuý 08:09 15/03/2024

Họa sĩ Trần Thị Thu (Thu Trần) bề ngoài có vẻ xù xì, gai góc đối với những ai lần đầu tiên gặp mặt, nhưng bên trong chị lại là người “khát sống, khát yêu” và say mê sáng tạo trong cõi riêng của mình. Không những là họa sĩ vẽ lụa đầy ngẫu hứng, phiêu lưu, chị còn thỏa lòng mình trên những tác phẩm hội họa hoành tráng theo phong cách biểu hiện, trừu tượng. Tranh hoành tráng của Trần Thị Thu cũng giống con người chị, thô ráp mà thâm trầm, tĩnh lặng mà nồng nàn, tầng tầng lớp lớp câu chuyện ẩn trong những mạch nguồn văn hóa mà chị gắn bó, tự thân tìm hiểu đến ngọn ngành.

anh-4trien-lam-tieng-goi-cua-hoa-si-thu-tranhnfthn.jpg
Triển lãm “Tiếng gọi” của họa sĩ Trần Thị Thu tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm năm 2023.
anh-1abdtrnt.jpg
Họa sĩ Trần Thị Thu

Họa sĩ Trần Thị Thu quê gốc làng Chuông (Hà Tây cũ). Từ nhỏ, chị theo gia đình lên Sơn La sinh sống. Những năm tháng tuổi thơ gắn bó với rừng, với đồng bào dân tộc Thái, Mông, Mường đã bồi đắp cho chị nhiều vốn sống, tình yêu với mảnh đất đã “bao bọc”, nuôi dưỡng mình. Khi chuyển xuống Hòa Bình sinh sống, dạy học, Trần Thị Thu vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, cùng với sự giúp sức của bạn bè, chị được “thẩm thấu” văn hóa Mường sau nhiều năm gắn bó. Không ít lần chị đi dọc con sông Đà, thấu cảm đời sống văn hóa, đời sống tâm linh của người Việt cổ và mường tượng sâu dưới lòng con sông tràn đầy năng lượng kia là những huyền thoại kì bí, oai linh, nhưng cũng gần gũi với biết bao kiếp người mưu sinh, bao đời cá, đời tôm… Hang Đồng Nội nay chỉ là một di chỉ khảo cổ nhưng với Trần Thị Thu, dường như có một điều gì đó thiêng liêng dẫn lối cho chị mường tượng về thuở sinh hoạt ban sơ của loài người…

Các trầm tích văn hóa ấy cũng đi vào tác phẩm hội họa của Trần Thị Thu một cách tự nhiên, với những bức tranh khổ lớn kết hợp chất liệu của đất Mường và ngôn ngữ hội hoạ biểu hiện - trừu tượng, được thể hiện bằng các gam màu xưa cũ. “Không hiểu vì lý do gì nhưng nếu không nghiên cứu những điều mình quan tâm thì sẽ trái với mong muốn, sở thích của mình. Đấy là lý do vì sao tôi cứ chọn cách vẽ trừu tượng. Các bức tranh tôi vẽ thường có khổ 1m2x2m, 1m55x2m, sau đó ghép lại với nhau để tạo thành một câu chuyện lớn, mô tả những trải nghiệm văn hóa của tôi” - họa sĩ Trần Thị Thu chia sẻ.

anh-3rthbdrtt.jpg
Bộ tranh trừu tượng của họa sĩ Trần Thị Thu tại triển lãm “Xứ Mường” tháng 5/2023

Tháng 5/2023, họa sĩ Trần Thị Thu cùng các nghệ sĩ - là những người con được sinh ra và lớn lên hoặc gắn bó sâu sắc với mảnh đất Hòa Bình như Vũ Đức Hiếu, Trần Trung Dũng, Bùi Văn Đạo, Nguyễn Giang Châu tổ chức triển lãm “Xứ Mường”. Thông qua ngôn ngữ biểu hiện của các loại hình nghệ thuật hội họa, điêu khắc, gốm, triển lãm “Xứ Mường” như một cuộc hội ngộ của các nghệ sĩ tâm huyết, đã mang đến cho công chúng những dư âm vang vọng của cái nôi văn hóa Hòa Bình. Riêng họa sĩ Trần Thị Thu mang đến bộ tranh 23 bức khổ lớn, như những câu chuyện kể văn hóa Mường, về con sông Đà mênh mang, vang vọng tiếng chiêng cồng cùng những dư âm trong đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người xưa. Là người đã chứng kiến chặng đường dài sáng tạo của họa sĩ Trần Thị Thu, họa sĩ Lý Trực Sơn cho rằng, những cống hiến của chị xuất phát từ sự tự thân, với những mong muốn thiện tâm. “Cái hay của nghệ thuật là người ta có nhiều lối đi khác nhau. Trần Thị Thu làm nghệ thuật với tính cống hiến rất cao. Rất nhiều nghệ sĩ làm nghệ thuật vì say mê của bản thân. Nghệ thuật của chị khao khát đến với tất cả mọi người, hòa vào mọi người. Đó là khát khao chính đáng, bộc lộ hết bản thân và mong muốn kết giao”- họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ.

anh-2gnft.jpg
Một tác phẩm của họa sĩ Trần Thị Thu.

Có một điều đặc biệt là họa sĩ Trần Thị Thu vẽ những bức tranh khổ lớn về xứ Mường ngay trên chính mảnh đất này, dù hiện tại chị đã về Hà Nội sinh sống. Chị dành riêng một xưởng nghệ thuật tại Hòa Bình, dùng chất liệu địa phương để sáng tác. Từ năm 2002 đến nay, họa sĩ Trần Thị Thu đã dùng giấy giang vẽ trên màu nước, acrylic, vẽ trên giấy giang và sử dụng bột giấy giang trên toan, kết hợp sơn mài… Tại Hòa Bình, chị đang vận động bà con trồng cây giang, bởi trước đây nguyên liệu vẫn phải lấy hoàn toàn từ rừng. Và thế là, những cuộc trở đi, trở về Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội với chị như thoi đưa, mỗi lần tâm thế đều như “dùng dằng đi chẳng dứt/ đi thì cũng dở, ở không xong”. “Mỗi lần trở đi, trở về luôn cho tôi những điều mới để mình chắc chắn, giống như làm một phác thảo, để khẳng định không phải là cảm xúc ban đầu. Cảm xúc nhất thời rồi sẽ qua đi nhưng cảm xúc bền bỉ ấy sẽ giúp tôi nuôi dưỡng ý tưởng lâu dài, cũng giống như khi người ta xây một ngôi nhà cần một cái móng chắc chắn. Kiến thức chắc chắn, cảm xúc chắn chắn để có thể xây dựng để làm từng triển lãm, chứ không phải là mỗi tác phẩm”- họa sĩ Trần Thị Thu bộc bạch.

anh-5-sap-dat-tro-ve.jpg
Sắp đặt địa hình “Trở về” trên đỉnh một quả đồi tại Chiềng Đi, Vân Hồ, Sơn La của họa sĩ Trần Thị Thu

Cũng bởi yêu văn hóa Mường nên họa sĩ Trần Thị Thu dự định đầu năm nay sẽ vào Quảng Bình, tìm hiểu cuộc sống của người Nguồn - cộng đồng dân tộc thuộc nhóm Việt - Mường, với mong muốn có thể khai thác tận cùng câu chuyện Mo Mường, sử thi “Đẻ đất đẻ nước”… Và cũng còn những dự định khác với hội họa, mong muốn được kể tiếp câu chuyện sông Đà, khai mở dòng nghệ thuật Hòa Bình, từ những người gắn bó với mảnh đất này sau triển lãm “Xứ Mường”. Cũng có lần, chị đưa vào trong tác phẩm sắp đặt “Trở về” câu chuyện tình và nỗi buồn da diết trong truyện thơ “Xống chụ xon xao”- “Tiễn dặn người yêu” của đồng bào dân tộc Thái. Câu chuyện tình ấy và số phận của người phụ nữ từ xưa đến nay vẫn là những ám ảnh để Trần Thị Thu tiếp tục trở lại với những sáng tác hội họa và sắp đặt trong thời gian tới.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường) là người gắn bó với họa sĩ Trần Thị Thu, khi cả hai cùng chung niềm say mê tìm hiểu văn hóa Mường, cho rằng: Sắc thái đặc trưng riêng của dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao… thấm đẫm trong tinh thần sáng tác của Trần Thị Thu và đặc biệt là câu chuyện của văn hóa Mường – nơi chị đã có cả quá trình trưởng thành trong sáng tạo nghệ thuật. “Văn hóa là tri thức của dân tộc. Mỗi người nghệ sĩ đều có cách kể chuyện của riêng mình. Ngôn ngữ của chị Thu là biểu hiện - trừu tượng để diễn tả cảm xúc, câu chuyện của chị về những ấn tượng, cảm nhận về vùng đất văn hóa của dân tộc. Không chỉ riêng Mường, cảm xúc của chị với đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, với những sắc thái đặc trưng của từng dân tộc, với cảm xúc của núi rừng, bản làng… cũng thấm đẫm trong tinh thần sáng tác của chị”- họa sĩ Vũ Đức Hiếu nói.

Như một người luôn chạy marathon với chính mình, Trần Thị Thu kiên trì, say sưa trước những điều tưởng chừng như đã quen thuộc, đào sâu những mạch nguồn văn hóa khi có cơ hội được sống, được hòa mình với đất và người… Có lẽ, cần phải nói đến trữ lượng bền bỉ, phong phú bên trong chị cùng với khao khát được sáng tạo, mới có thể làm nên một thương hiệu “Big Thu” của ngày hôm nay. Còn nói như họa sĩ Vũ Đình Tuấn thì trong những năm gần đây, ngôn ngữ thị giác của họa sĩ Trần Thị Thu đã xuất hiện như một dòng chảy cuồn cuộn cảm xúc, khoáng hoạt, cháy bỏng, góp mặt tích cực vào đời sống nghệ thuật đương đại./.

Phương Thuý