Lý luận - phê bình

Nhà văn Đức Anh: “Viết văn hay viết phê bình đều cần phải có đầy năng lượng…”

Hương Giang thực hiện 07:26 23/04/2024

Nhà văn Đức Anh Kostroma (sinh năm 1993, tại Nga) từng “chào sân” với các tác phẩm ấn tượng như “Thiên thần mù sương”, “Tường lửa”, “Đảo bạo bệnh”. Hành trình sáng tạo đầy bản lĩnh của anh đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn và ghi được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn đọc. Giải thưởng “Tác giả trẻ” năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam đã gọi tên anh cùng với tiểu thuyết “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời”, bởi đã dám dấn thân thể hiện thế giới quan của “người đi khai phá nét kiêu sa” trong cuộc sống.

1691080067009.jpg
Nhà văn Đức Anh

PV: Ngày còn nhỏ, anh mơ ước lớn lên mình sẽ làm gì? Duyên cớ nào khiến anh đến với tiểu thuyết trinh thám? Anh có thể chia sẻ những kỷ niệm thuở ban đầu khi mới gắn bó nghề viết?

Nhà văn Đức Anh: Tôi sinh ra ở Kostroma, một thành phố nhỏ ven sông Volga, rất dịu dàng và đặc biệt có hoàng hôn ánh tím. Khi về Việt Nam tôi đã 6 tuổi. Thời đó mỗi khi nghe ca sĩ Đan Trường hát những ca khúc Phượng hồng, Lung linh giọt mưa, Khoảnh khắc,… tôi lại ước mơ được theo đuổi âm nhạc: có thể chơi đàn, hát hay sáng tác. Tuổi thơ không gần gũi cha mẹ đã tạo ra một khoảng trống, và tôi buộc phải lấp đầy tinh thần của mình bằng nghệ thuật. Sau này tôi nhận ra mình có năng lực ngôn ngữ tốt hơn các bạn cùng lớp, nên đã quyết định theo nghề viết lách. Tôi rất thích đọc các truyện trinh thám Tây Ban Nha, với nét hài hước nhẹ nhàng, các câu chuyện li kì và cảm động ẩn phía sau những vụ án chưa thể phá giải. Tôi nghĩ viết như thế sẽ hợp với mình: tôi thích chuyện nhân tình thế thái, tôi cũng thích viết lách một cách đẹp đẽ, hài hước hơn là thâm trầm, đau khổ.

PV: Hành trình gắn bó với tiểu thuyết của anh đã được “nửa thập kỷ” với 4 tác phẩm nổi bật: “Thiên thần mù sương”, “Tường lửa”, “Đảo bạo bệnh” và gần đây nhất là “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời”. Anh có thể chia sẻ thêm về dấu ấn đáng nhớ trong hành trình ấy?

Nhà văn Đức Anh: Thực tế tác phẩm ghi dấu ấn với giới chuyên môn của tôi lại là truyện ngắn “Nhảy Hồn” đăng trên “Viết và đọc” số mùa hè 2021 (sau này được Ban biên tập Linh Lan Books và tác giả Rosie Nguyễn phát triển thành tiểu thuyết “Ác Duyên: Duyên khởi” bán chạy). Trước đó, tôi có tiểu luận về “Trinh thám Việt Nam 20 năm đầu thế kỷ XXI”, gây được chú ý.

Khi tôi viết các tác phẩm đầu tiên, tôi thực sự nhập nhằng lưỡng lự giữa văn học giải trí và văn học “sâu sắc” (cứ gọi thế đi nhỉ). “Tường lửa” và “Thiên thần mù sương” bị cho là giống văn tây quá nhiều.“Thiên thần mù sương” khá phức tạp, nhiều lớp lang, khó đoán, giàu chất điện ảnh và là quyển sách mà tôi thấy có cốt truyện hay nhất. “Đảo bạo bệnh” mang đến cho tôi giải thưởng đầu tiên (năm 2020) bứt tôi ra khỏi vị trí một tác giả mới. Còn “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” đã vượt qua giải trí thông thường và đánh dấu phong cách riêng của tôi. Khi viết tôi chú trọng câu chuyện hay, lắt léo, bất ngờ và gửi gắm những suy tưởng lạ lùng.

Nhưng, thực sự tôi nghĩ rằng đó là giai đoạn đã qua của một tác giả trẻ đến với văn chương một cách có phần bản năng, ngây ngô. Kể cả những tính toán cũng là tính toán ngây ngô. Khi còn rất trẻ, chúng ta thích phán xét, uốn nắn hiện thực theo cách của mình. Một giai đoạn như thế đang dần qua đi, để lại cho tôi một vài kỷ niệm đẹp.

nhat-phi-phat-bieu.jpg

PV: Bạn đọc còn biết đến Đức Anh là người viết phê bình rất sắc sảo. Vậy, quá trình viết phê bình có khiến anh thích thú như khi viết tiểu thuyết, và anh có thấy khó khi mình đóng cả 2 vai này?

Nhà văn Đức Anh: Tôi thuộc nhóm người sắc sảo, thường tạo ra cảm giác khó gần. Nhưng đối với tôi, kể cả viết văn lẫn viết phê bình, điều quan trọng nhất là phải có đầy năng lượng và sức mạnh. Những thứ đó xuất phát từ lòng chân thành, cái nhìn thẳng vào tâm điểm. Nên đã đặt bút, dù viết gì đi nữa, kể cả một email, vẫn phải đẹp, và quan trọng vẫn phải là hạnh phúc của mình đã. Ngoài ra tôi rất chú trọng từ ngữ, không phải hoa mỹ mà là chọn từ chính xác, sắc nét. Lựa một từ cho chính xác là vấn đề không phải chỉ ở người viết, mà trong bao la cuộc đời, đôi khi ta thấy lúng túng hay phiền muộn là do không tìm được một từ nào đó miêu tả trọn vẹn cái mà chúng ta nghĩ hay cảm thấy.

Cả viết phê bình và viết văn tôi đều đặt linh hồn mình vào tác phẩm: nó phải là thứ mà tôi thực sự nghĩ, thực sự yêu và sống với nó. Nó phải thực sự là văn chương của mình. Đặc biệt phê bình. Phê bình không phải là review.

PV: Được biết, song hành cùng sáng tác, anh còn dồn nhiều tâm sức để kinh doanh xuất bản ở Linh Lan Books. Anh có thể chia sẻ về tâm nguyện của mình khi cùng mọi người xây dựng Công ty, cũng như những thành quả mà Linh Lan books đã gặt hái được trong thời gian qua?

Nhà văn Đức Anh: Linh Lan Books ra đời năm 2022 dựa trên một ngẫu hứng ngây thơ (dường như ta làm gì cũng phải có đủ sự ngây thơ để bắt đầu). Nhưng quá trình kinh doanh nhiều vất vả, gai góc đã khiến tôi trưởng thành hơn, hiểu đời hơn rất nhiều. Việc kinh doanh cũng khiến tôi hiểu hơn về tổ chức, trật tự của xã hội con người, quan hệ chủ tớ, giao dịch… rất nhiều và làm cho tôi tăng tiến về tư tưởng. Linh Lan Books tự hào đang là đơn vị gần như duy nhất tập trung vào dòng sách văn học Việt Nam cho thanh thiếu niên. Đây là một dòng sách truyện còn rất thiếu ở Việt Nam cho độ tuổi 12 đến 18 tuổi. Chúng tôi đã và đang giới thiệu nhiều tác giả mới, góp sức giúp họ tạo dựng tên tuổi và ngược lại, học được nhiều bài học từ họ về cách truyền thông, tư duy đề tài… Đã có rất nhiều tác giả được tái bản như Hoàng Yến, Thảo Trang, Doo Vandenis, Emma Hạ My, tới đây là Việt Chi, Diệp Lâm Khánh. Có người đã bán được bản quyền ra nước ngoài như tác giả Doo Vandanis. Tôi cũng tự xây dựng các dự án sáng tác chất lượng và sớm được tái bản như Tước gấm giấu đay, Ác duyên.

Cần phải nói một ý là việc xuất bản, xây dựng dự án sáng tác đáp ứng thị trường… tại Linh Lan Books đã tháo cho tôi được áp lực phải viết sách bán chạy. Tôi có thể thoải mái sáng tác, theo đuổi văn chương theo kiểu của mình, “kén độc giả” cũng vui vẻ luôn.

PV: Anh từng chia sẻ mình là người luôn cố gắng “nắm bắt những khoảnh khắc kỳ diệu trong cuộc sống và tiếp tục khám phá con người”. Chắc hẳn anh cũng đã có kế hoạch riêng cho mình ở năm 2024 này?

Nhà văn Đức Anh: Từ cuối năm 2021 sau khi viết xong bản thảo “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” tôi chưa sáng tác gì thêm. Trông thế mà gần 3 năm rồi đấy. Thú thực tôi là tận tụy với công việc nên đâm ra vất vả, đôi khi mất hẳn cân bằng, không được sống với niềm vui riêng của mình. Thà ta cứ lờ đờ như người nhược thị đi trong sương, thà ta cứ lặng yên như mặt hồ, biết đâu lại hạnh phúc hơn. Nhưng trời không cho tôi như vậy: tâm trí tôi là một con khỉ đích thực. Nhưng tôi tin là nếu bây giờ cảm hứng sáng tác đến, tôi sẽ viết ra những tác phẩm lớn hơn và bất ngờ hơn cho bạn đọc. Cũng có thể là kén độc giả hơn. Tôi tin rằng chỉ trong lúc bận rộn nhất, đắm đuối với cơm áo nhất, lại chính là lúc ta gần với bản chất đời sống nhất, để có thể tìm ra văn chương. Tôi xin tiết lộ tôi đang chuẩn bị viết một cuốn tiểu thuyết về nhà băng Đông Dương cuối thế kỷ XIX.

PV: Vậy có khi nào anh nghĩ mình sẽ viết một tiểu thuyết có sự giao thoa giữa 2 bản sắc văn hóa Việt Nam và Nga - nơi anh từng sinh ra?

Nhà văn Đức Anh: Tôi từng định viết về đề tài người Việt ở Liên Xô cũ nhưng dự án đó đành phải gác lại do tư liệu không đủ chất lượng. Nhất định có ngày tôi sẽ quay trở lại. Việc có quê hương thứ hai làm cho tôi có một cái cớ đủ mạnh để lấy những nhân vật phương Tây vào sáng tác của mình.

PV: Là một tác giả trẻ đã có những giải thưởng và sự ghi nhận của công chúng, anh có lời khuyên nào dành cho những bạn viết trẻ, đặc biệt là gen Z khi họ muốn chinh phục thử thách trong lĩnh vực văn chương?

Nhà văn Đức Anh: Tác giả gen Z bây giờ bán chạy hơn thế hệ viết văn chúng tôi rất nhiều. Nhưng văn chương rất khắc nghiệt. Ngày nay tác giả không cẩn thận sẽ bị cơn bão truyền thông “đào thải” rất nhanh. Tôi nghĩ họ sẽ phải đứng giữa hai lựa chọn: trở thành tác giả của công chúng hoặc theo đuổi nàng thơ văn chương. Con đường nào cũng hiểm nguy và gai nhọn. Nếu bạn viết thơ, bạn hãy dám từ bỏ danh lợi trong văn chương. Còn nếu bạn viết tiểu thuyết, truyện, bạn buộc phải có tham vọng hơn, đồng thời đừng quên mài sắc các góc nhìn của mình. Nhưng nếu chúng ta không mở được các cánh cửa văn chương, cũng đừng thất vọng. Đôi lúc cái trác tuyệt lại đến trong khi ta lờ đờ đi trong sương./.

Trân trọng cảm ơn nhà văn!

Bài liên quan
  • Chuyện phố - Tiếp nối hành trình trăn trở về thế sự
    Chiều ngày 25/3/2024, NXB Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ môn Lý luận văn học - Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Chuyện phố - Một tự sự về đô thị đương đại” tại sảnh Nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tới dự tọa đàm có đại diện của Ban giám hiệu nhà trường, đại diện Nhà xuất bản, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng đông đảo bạn đọc trẻ.
(0) Bình luận
  • “Bóng của hoa” trên những trang thơ trữ tình đậm chất Hà Nội
    Sau hai tập thơ “Lửa lá” (2009) và “Vườn tôi nở đóa vàng bông” (2013), nhà thơ Đặng Minh Kính - hội viên Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc tập thơ “Bóng của hoa” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Tôi cứ ngỡ rằng, trên những trang thơ trữ tình giàu cảm xúc tinh tế của nữ tính, đậm chất Hà Nội nơi chị đang chập chờn, ẩn hiện những “Bóng của hoa” đầy thi vị với những suy tưởng khá lắng đọng.
  • Một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại
    Quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã được nhà nghiên cứu Đào Thị Diến phản ánh chi tiết trong cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)”. Với nguồn tư liệu quý từ hồ sơ lưu trữ, cuốn sách không chỉ phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại mà còn góp phần giải mã sự thật lịch sử.
  • Một số gợi mở trong thẩm định thơ
    Nhìn chung đánh giá về việc đọc sách văn học của công chúng, có thể theo nhiều khía cạnh, đồng sáng tạo, kích thích người viết sáng tác, bồi bổ thẩm mĩ, tích lũy tri thức, phát triển đời sống văn hóa… với những hiệu quả tích cực. Nhưng còn có những tồn tại theo chiều hướng ngược lại, mang tính nguy cơ hơn là cơ hội tốt, phản ánh sự trì trệ hơn là phát triển. Đó là sự dễ dãi trong việc đọc, thẩm định thơ từ cả người đọc lẫn người sáng tác, truyền tải.
  • Chi tiết trong sáng tạo của nhà văn
    Chúng ta đều từng quen câu nói của văn hào Nga Macxim Gorki: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy! Chi tiết trong văn xuôi chỉ là một thứ nhỏ, rất nhỏ so với cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật,…
  • Vũ Quần Phương với thơ hay
    Quan sát các nhà thơ viết phê bình tôi thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của họ thường giàu cảm xúc, thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề, cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...
  • Văn nghệ sĩ trong Hà Nội tạm chiếm
    Sống trong Hà Nội tạm chiếm những năm 1947-1954, đời sống văn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Nguyễn Minh Lang, Hoài Việt, Minh Tân, Thùy Linh, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Tô Kiều Ngân, Thy Ngọc... đều sống bằng nghề dạy học ở trường tư. Nhà thơ Giang Quân trông nom một hiệu sách mang tên Quốc Việt ở 274 phố Khâm Thiên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • Trường THCS Xuân La: Viết tiếp trang sử vàng truyền thống
    Hòa chung không khí hân hoan của cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20/11, Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy năm học 2024.
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Đức Anh: “Viết văn hay viết phê bình đều cần phải có đầy năng lượng…”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO