Lý luận - phê bình

Giao hưởng Điện Biên - thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh

PGS.TS Vũ Nho 11:30 09/05/2024

Chiến thắng Điện Biên là chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu), làm rạng danh nước Việt trên thế giới “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castriest, ngày 12/5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó, Tố Hữu có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Bên cạnh những tác phẩm thơ, Điện Biên còn được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, các cuốn sách hồi ký, biên khảo…

2f9a2383-min.jpg

Năm nay, đúng vào dịp kỉ niệm 70 năm ngày quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã ở tuổi 82 cho ra mắt tập trường ca “Giao hưởng Điện Biên”. Đây là một cố gắng rất lớn, một thành tựu mới đáng ghi nhận của nhà thơ.

Trước “Giao hưởng Điện Biên”, Hữu Thỉnh đã có một số lượng sáng tác trường ca hết sức ấn tượng: “Đường tới thành phố” (1979), “Trường ca biển” (1994), “Sức bền của đất” (2004), “Trăng Tân Trào” (2016). Bởi thế, nhà thơ có nhiều thuận lợi và kinh nghiệm trong tổ chức tác phẩm, xử lý đề tài. Tuy nhiên, một khó khăn cực lớn đặt ra đó là cảm xúc có thể sẽ không còn dồi dào, năng lực sáng tạo có thể không còn sung mãn. Đó là chưa kể tới “chiến thắng Điện Biên Phủ đã được các nhà quân sự, các sử gia, các nhà văn, nhà báo và nhất là những người trong cuộc nói tới rất nhiều rồi, khai thác dưới mọi khía cạnh rồi, đến lượt mình, liệu tôi còn có thể đem đến một cái gì mới?” (Lời tác giả).

Vượt qua tất cả những thách thức đó, nhà thơ khởi viết bản trường ca này ngày 7/5/2023 và hoàn thành ngày 20/3/2024, chỉ trong thời gian chưa đầy một năm, kịp chào đón kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Một cường độ làm việc rất cao với người viết đã vào tuổi ngoại 80.

Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” gồm 21 chương và 5 bình luận xen kẽ viết bằng thơ về các sự kiện quan trọng. Theo tác giả, cảm hứng lớn đến với ông chính là từ cuốn sách “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện. Cùng với đó, là những lần trở lại Điện Biên và gặp gỡ một số nhân chứng. Với tinh thần muốn tái hiện trung thực những chi tiết lịch sử, “các câu thơ ảo” vốn là điểm mạnh của tác giả đã nhường chỗ cho các câu thơ thực. Nhà thơ đã đem đến những câu thơ mới mẻ được viết với nhiệt huyết, cảm hứng tri ân “Kính dâng hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thế hệ cha anh đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”. Đáng chú ý, bạn đọc có thể thấy chi tiết Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc bí mật ra nước ngoài trong chương I “Người ra trận đầu tiên”. Tư liệu này mới được công bố năm 1995.

Qua những câu thơ ảo quen thuộc gợi cảm của ngòi bút tài hoa Hữu Thỉnh, hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật sống động:

“Bác lẫn vào mây, mây lẫn núi
dốc dài dép mỏng bước du xuân
Việt Bắc tiễn người chim náo nức
biên giới ngày qua lại xích gần”

Người đọc sẽ gặp lại hình ảnh sinh động của nhà thơ Chính Hữu (chương VIII) cùng với các văn nghệ sĩ khác trong kháng chiến mà chính ông đã từng gặp gỡ như Nguyễn Tuân, Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng, Thâm Tâm… Cũng có thể thấy cảnh chiến sĩ đọc thơ Bác trước khi nổ súng (chương X), gặp “Người đóng cối xay bên đường 41”, người tham gia “đánh Điện Biên theo cách của mình” (chương XIII). Và thấy “Làng phản chiến bên bờ sông Nậm Rốm” (chương XVI). Mặc dù có những chi tiết nhà thơ căn cứ vào cuốn sách dịch “Tướng Nava với trận Điện Biên Phủ”, nhưng số phận của những người lính Pháp nhiều quốc tịch khác nhau cùng với người phụ nữ Việt có tên Lò Thị Trinh được diễn tả bằng những câu thơ cảm động. Trong chương XVII “Những bí mật trên đồi A1”, nhà thơ viết về người chiến sĩ thầm lặng phá bom lấy thuốc nổ và điểm hỏa tấn bộc phá dưới hầm sâu Nguyễn Văn Bạch.

Chương XX, tác giả viết về những nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà lãnh đạo: Lương Ngọc Trác, Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Thái Duy, Thép Mới, Vũ Cao, Văn Phác, Phác Văn, Mạc Ninh, Trần Độ, Nguyễn Bích, Mai Văn Hiến, Nguyễn Sáng, Tố Hữu, Hữu Mai, Trần Dần. Chương này như một bảng vàng ghi danh những đóng góp của văn nghệ sĩ với tên chung “Binh chủng tinh thần”.
Trong 5 bình luận bằng thơ xen kẽ các chương, chúng tôi muốn lưu ý bạn đọc bình luận thứ nhất về tướng Nava:

“Ông đích thân kiểm tra từng cứ điểm
Ngó nghiêng từng lỗ châu mai
ông hài lòng vỗ vai binh lính
chụp ảnh chung bên khẩu pháo nòng dài
Đêm sập xuống. Sâm panh sủi bọt
cây No en nhấp nhánh đèn màu
xung quanh ông những sĩ quan cấp dưới
chạm li rồi tâng bốc lẫn nhau”.

Nhà thơ bình luận khá khách quan, hiền lành và đúng mực. Chúng ta hãy xem Bác Hồ bình luận 1954:

“Chúng khoe rằng: “Kế hoạch Na-va
Thật là mạnh dạn và tài hoa.
Phen này Việt Minh phải biết tay,
Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay!”
Các báo phản động khắp thế giới
Inh ỏi tâng bốc Na-va tới. [...]
“Mình có thầy Mỹ lo cung cấp;
Máy bay cao cao, xe tăng thấp,
Lại có Na-va cùng Cô-nhi,
Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy.
Chúng mình chuyến này nhất định thắng,
Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng”.[...]
Quân giặc chống cự tuy rất hăng,
Quân ta anh dũng ít ai bằng.
Na-va, Cô-nhi đều méo mặt,
Quân giặc tan hoang, ta vây chặt”
(Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ)

Dẫn ra điều này chúng tôi muốn chứng minh rằng nhà thơ Hữu Thỉnh đã tìm cách thể hiện mới và khác, mang bản sắc riêng của mình đối với một sự kiện đã được bàn sâu.

Đánh giá khái quát về tập trường ca này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Tất cả chương hồi, câu chuyện, sự kiện cơ bản ở vùng miền núi Tây Bắc đến các nhân vật đã được nhà thơ Hữu Thỉnh tái hiện sinh động, sâu sắc và kỳ vĩ”. Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa thì nhận định: “Nhà thơ Hữu Thỉnh đã một mình mở một trận Điện Biên Phủ bằng văn chương, thơ Hữu Thỉnh luôn luôn có một giọng điệu riêng không lẫn với ai”.

Là người cũng từng viết trường ca, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đánh giá: “Với độ lùi 70 năm, được chiêm nghiệm sâu sắc, tác phẩm “Giao hưởng Điện Biên” là ngọn lửa nhiệt huyết, bền bỉ lan tỏa sức mạnh yêu nước của người Việt. 21 chương là 21 con dốc gian nan với chính tác giả, thử thách sức bền của cây bút”. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm chưa trọn vẹn từ tập trường ca này đó là chuyện dẫn sai một từ trong bản dịch thơ Bác (trang 17); trích dẫn thiếu chính xác một từ trong câu thơ của Nguyễn Đình Thi (trang 68); hay như ở trang 84 có dòng thơ “Thiếu thuốc lục phân rơi” (phải viết là phân dơi mới đúng). Và tất nhiên, ưu tiên cho thơ viết về người thật, việc thật nên một đôi chỗ thơ có tính chất “diễn ca”, kể chuyện “nôm na”. May mà những câu như thế không nhiều, nếu được gia công, trau chuốt hơn, hoàn hảo hơn, thì tốt biết bao.

Bảy mươi năm Điện Biên Phủ chiến thắng giặc Pháp cũng là 51 năm Điện Biên Phủ trên không chiến thắng máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Điện Biên là một mốc son chói lọi trong chiến công của dân tộc cùng với chiến công Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... mãi mãi âm vang.

Thật tự hào với chiến thắng Điện Biên. Như bốn câu thơ đề từ của tác giả Hữu Thỉnh và được trích trang trọng trên bìa 4:

Điện Biên Phủ từng giờ từng phút
Đang gửi đi thông điệp khắp hành tinh
những lời hịch của tự do, độc lập
những khát khao cháy bỏng hòa bình

“Giao hưởng Điện Biên” đang góp âm thanh hùng tráng vào bản hùng ca Đại hợp xướng - ca ngợi đất nước, ca ngợi khát vọng hòa bình của dân tộc vô cùng kịp thời, chứa đựng ý nghĩa to lớn, giá trị lâu dài./.

Bài liên quan
  • Tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá
    Giá trị VHNT Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận nền tảng quan trọng, mang ý nghĩa văn hóa, xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét trên các lĩnh lực: văn học, văn nghệ dân gian, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, múa. Nhìn lại chặng đường gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước của VHNT 3 thành phố, có thể thấy rõ những thành tựu và cả những mặt hạn chế tồn tại cần phải thay đổi để tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá.
(0) Bình luận
  • Mở cánh cửa trong kỷ nguyên số
    Trong tình hình ảm đạm của sân khấu hiện nay, lý luận phê bình (LLPB) cũng thưa thớt theo. Vẫn còn đó những nhà lý luận sắc sảo và có đầy đủ kiến thức chuyên sâu trong nghề, nhưng họ gần như không còn đất để dụng võ.
  • “Phê” cho hợp tình, “bình” cho thấu đáo
    ghệ thuật biểu diễn gồm các loại hình nghệ thuật phong phú như: kịch hát, kịch nói, trình diễn ca múa nhạc, sân khấu, xiếc, ảo thuật…
  • Vừa tỉnh vừa mê với “Thuốc mê” của Thâm Tâm
    Câu chuyện mỏng mảnh, ngắn gọn, mà nhà thơ Thâm Tâm gợi ra được những sắc thái ly kỳ, hồi hộp. Nhưng vừa ngả theo hướng truyện phiêu lưu, điều tra, lại vừa gài được chất tình của chuyện yêu đương quyến luyến nam nữ, mà không ngả ngớn, “sến sẩm” ướt át. Liên tưởng trong đời sống hiện đại hôm nay, tiểu thuyết “Thuốc mê” vẫn nhắc hỏi ta về việc sống như thế nào cho ra con người, giữa biết bao nhiêu áp lực và ràng buộc.
  • Độc đáo thơ đố của Phạm Đình Ân
    Nhà thơ Phạm Đình Ân là tác giả thơ trữ tình, phê bình văn học, thơ văn dành cho thiếu nhi... lĩnh vực nào ông cũng có đóng góp. Riêng viết cho thiếu nhi, ông là một tác giả nổi trội, bền bỉ sáng tác suốt gần 50 năm qua, đạt nhiều thành tựu. “Vui cùng thơ đố” (NXB Phụ nữ, 2023) là tập thơ thứ hai của Phạm Đình Ân về thơ đố, cũng là đầu sách thứ hai mươi của tác giả này dành cho thiếu nhi - không kể 20 tập sách hợp thành ba đầu sách biên soạn.
  • Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: “Viết cho thiếu nhi thật ra không dễ chút nào”
    Nhà văn Bùi Tiểu Quyên “khởi nghiệp văn chương” từ năm 2008 và những năm gần đây đặc biệt gây tiếng vang với những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Ngòi bút tinh tế, trong trẻo, dí dỏm thấm đượm tình yêu, lòng ham học hỏi đã chinh phục hàng ngàn trái tim độc giả, đặc biệt là độc giả thiếu nhi - thiếu niên. Không chỉ vậy, các tác phẩm của chị cũng được giới chuyên môn đánh giá cao và gặt hái nhiều giải thưởng. Cùng phóng viên Người Hà Nội lắng nghe chia sẻ của chị xung quanh những “đứa con tinh thần” mà chị đã dày công ấp ủ…
  • Làm báo nơi vùng giải phóng
    Tôi học và bắt đầu viết báo từ năm 1974, tại một vùng đất mới giải phóng - đó là Quảng Trị. Nơi ấy lúc bấy giờ là miền đất đói nghèo, đau thương nhưng cũng biết mấy can trường, biết bao thương nhớ… Nói như nhà thơ Chế Lan Viên, ấy là vùng quê: “Những đồi tranh ăn độc gió Lào/ Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người/ Cuộc sống gian lao, ít tiếng nói cười/ Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng…”.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Giao hưởng Điện Biên - thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO