Nhiếp ảnh

Nhớ chuyến chụp ảnh ở Điện Biên năm ấy

NSNA Hoàng Kim Đáng 08/05/2024 11:21

Thấm thoắt Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã qua 70 năm. Ngày ấy tôi còn nhỏ, chưa đủ tuổi tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hằng ngày, tôi chỉ thấy người lớn mua và đọc báo Tia sáng đưa tin về các máy bay của hãng “Đa-cô-ta”, máy bay “Bê-vanh-xít” (B.26) tại các sân bay Bạch Mai, Gia Lâm (Hà Nội) và phi trường Cát Bi (Hải Phòng - tên gọi sân bay Cát Bi ngày ấy), máy bay liên tục cất và hạ cánh chở lính nhảy dù, xe tăng, trọng pháo đổ xuống Mường Thanh - Điện Biên Phủ.

anh-chien-si-phat-co-quyet-chien-quyet-thang-.jpg
Tác phẩm “Phất cờ trên nóc hầm Đờ Cát” của NSNA Triệu Đại

Tôi chỉ còn nhớ trên bầu trời suốt ngày đêm không ngớt tiếng ì ầm của máy bay. Sau này, lớn lên làm báo tôi đã đôi ba lần đến Điện Biên, nhưng nhớ nhất vẫn là chuyến lên chụp ảnh Điện Biên Phủ sau 30 năm chiến thắng do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức.

Chuyến xe du lịch cỡ lớn đưa đoàn chúng tôi lên Điện Biên hồi đầu tháng 3/1984, trong lúc cả nước đang rầm rộ chuẩn bị cho kỷ niệm lần thứ 30 ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - 7/5/1984.
Đây là một cuộc huy động lớn của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, từ nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh khi ấy đã gần 80 tuổi đến các nghệ sĩ Đỗ Huân, Đinh Đăng Định, Trần Cừ… Những người có tuổi nghề trên dưới bốn chục năm. Số còn lại là lực lượng cầm máy đang sung sức. Từ cảm giác bịn rịn lúc chia tay ban đầu, không khí sôi nổi trong xe cứ tăng dần lên. Các tay máy trẻ tranh thủ giương máy ảnh lên trong tư thế sẵn sàng “trực chiến”. Gần hai chục ô cửa kính được hạ xuống và khung cửa xe biến thành những khuôn hình cắt cúp di động. Nhà nhiếp ảnh Đỗ Báu của thành phố cảng Hải Phòng thường quen phóng tầm mắt nhìn ra biển rộng trời cao, lần đầu tiên lên rừng thấy cái gì cũng lạ, cũng đẹp. Ngắm cảnh vật và con người vùng cao, đôi mắt anh say sưa và chiếc máy ảnh trong tay gần như súng tự động đang nhả đạn! “Mấy khi có được chuyến đi hấp dẫn như vậy!”- Anh giải thích, hình như để thanh minh cho việc chụp hơi nhiều của mình.

Đã bước sang tháng Ba mà thời tiết vẫn còn như ở cuối đông. Trời rét, mây mù, sắp tối rồi mà vẫn thấy còn tiếng bấm máy tí tách. Nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh liền quay bộ tóc trắng phau, đưa mắt nhắc nhở các nghệ sĩ trẻ:

- Say mê là đáng quý nhưng chặng đường “chiến dịch” còn dài, phải biết kiềm chế cảm xúc và để dành “đạn” cho địa bàn hoạt động chính. Tất cả đều nghe theo đóng máy ảnh lại! “Bố già” nói dứt khoát như một vị tướng ra lệnh. Mấy anh bạn trẻ liền tranh thủ quay sang làm quen với cô gái y sĩ người Thái ở Mường Thanh đi nhờ xe để khi đến Điện Biên là có thể nhanh chóng thu “nhân vật” này vào tác phẩm ngay được!

Ngược lại, Trưởng tiểu ban sáng tác Đỗ Huân tuổi đã ngoài sáu mươi mà tính tình vẫn sôi nổi. Ông không muốn có thời gian chết, dù bất kỳ trường hợp nào. Nhà nhiếp ảnh Đỗ Huân lên tiếng:
- Chuyến đi này thật là duyên kỳ ngộ. Những người cầm máy chúng tôi thường chú ý chắt chiu hình tượng và cảm xúc, nhưng phải trên cơ sở hiểu biết rộng. Vậy nếu ai có hiểu biết có liên quan tới công việc sáng tác ảnh ở Điện Biên Phủ thì chia sẻ để mọi người cùng rõ.
Trong đầu tôi, những câu chuyện về Điện Biên lại ùa về. Điện Biên, theo truyền thuyết và sử sách ghi chép được tới nay đã có chiều dày thời gian và lịch sử hàng nghìn năm. Do vị trí quan trọng, lại nằm trên vùng lòng chảo phì nhiêu màu mỡ nhất miền Tây Bắc nên đời này qua đời khác, hết lớp cư dân này đến lớp cư dân khác, Điện Biên vẫn còn giữ được cái tên “Mường Then” (Mường Trời). Theo truyền thuyết, đó là nơi cư trú của các thần linh (các Then) và tổ tiên các dân tộc miền Tây Bắc. Sinh thời nhà bác học Lê Quý Đôn đã có lần đi kinh lý qua Điện Biên và có viết những nhận xét khá rõ trong cuốn “Kiến văn tiểu lục” của ông.

Cuối thế kỷ XIII, Mác-cô Pô-lô, một nhà du lịch và thám hiểm người Ý sinh ở Vơ-ni-dơ đã đi qua châu Á bằng con đường Mông Cổ và trở về châu Âu qua Xu-ma-tơ-ra (In-đô-nê-xi-a). Đến vùng Điện Biên, ông đã viết đại đề như sau: “… Con người ở đây quen với những chuyến buôn bán đi xa và ngược lại cũng thường gặp những đoàn buôn bán đủ loại từ nhiều nơi đến, đi bằng thuyền bè, ngựa thồ, xe bò bánh to của người Kinh, người Lào, người Thái, người Miến, người Trung Hoa, người Mèo…”.

anh-mot-to-mui-nhon-vac-co-quyet-chien-quyet-thang-men-theo-giao-thong-hao-tien-ve-phia-ham-tuong-do-cat.jpg
Bức ảnh vác cờ xung phong men theo giao thông hào tiến về phía hầm Đờ Cát của NSNA Triệu Đại.

Lại cũng có người gọi Điện Biên là Mường Kheng (có nghĩa là Mường của những người bất khuất). Cái tên Mường Kheng có thể có vào thế kỷ XI, khi anh em Tạo Cầm, Tạo Can trấn giữ đất Mường Thanh. Hai anh em Tạo Cầm và Tạo Can định bỏ chạy về Mường Húa, nhưng được nhân dân can ngăn: “Cây có gãy, còn có cành có nhánh. Nhiều nhánh, nhiều cành chụm lại, cây lại vững mạnh!”. Nghe lời khuyên bảo chí tình của dân, hai anh em lại cùng nhau đứng lên lãnh đạo nghĩa quân đánh lui quân xâm lược. Hoặc có thể có tên Mường Kheng vào thế kỷ XVIII, khi lãnh tụ nông dân Hoàng Công Chất lên cố thủ đất Điện Biên để cùng nhân dân Mường Thanh chống lại giặc Phẻ ở Trung Quốc tràn sang.

Mường Thanh trong khoảng thời gian từ 1754-1769, được họ Hoàng ra sức củng cố thành lũy, vận động nhân dân sản xuất, xây dựng đời sống. Mặt khác mở rộng thế lực ra vùng sông Mã, sông Đà và sông Hồng. Từ Mường Thanh, Hoàng Công Chất đã đánh chiếm thu lại được 6 châu, trong số 10 châu bị bọn xâm lược phương Bắc thôn tính.

Mường Thanh theo “Điện Biên trong lịch sử” của nhà nghiên cứu văn hóa lão thành Đặng Nghiêm Vạn và Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm thì đến đời Thiệu Trị (1841), để bảo vệ vùng Tây Bắc, nhà vua đặt ra Phủ Điện Biên và đóng phủ lỵ ở Chiêng Lè (bên cạnh thành Bản Phủ). Đúng 113 năm sau (1841-1954), ba chữ “Điện Biên Phủ” đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam và thế giới qua cụm từ ghép “VIỆT NAM - ĐIỆN BIÊN PHỦ - HỒ CHÍ MINH - VÕ NGUYÊN GIÁP”.
Tôi cất giọng hỏi mọi người: “Chắc các bạn đều biết ai là người chụp ảnh Điện Biên Phủ 30 năm trước?”
- Đó là ông Triệu Đại!
- Vâng, đúng đấy!

Đầu xuân năm ấy, ông Triệu Đại có đến thăm tôi tại nhà riêng. Ông là một trong hàng vạn chiến sĩ Điện Biên đã “56 ngày đêm, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”… Cách mạng đã tạo ra những sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại và cách mạng cũng đã trao cho ông nhiệm vụ cầm máy ảnh ghi lại một phần sự thật lịch sử vĩ đại ấy!
Công bằng mà nói, ông Triệu Đại đã chụp được những hình ảnh diễn tả khí thế quân ta chuẩn bị chiến dịch như cảnh bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong đi phục vụ chiến dịch, nườm nượp như đi trẩy hội, trùng trùng điệp điệp nào người, nào vũ khí, ô tô, xe thồ, kẻ gồng người gánh, áo nâu xen lẫn áo chàm… tất cả rùng rùng chuyển động, nói cười tíu tít…

Nhưng ông Triệu Đại còn ghi được những tấm ảnh có giá trị lịch sử lớn mà trên thế giới đã nhiều người biết đến, như cảnh bộ đội ta băng qua lửa đạn địch ào ạt vượt qua cầu Mường Thanh. Ông bấm máy để cố định hình ảnh chiếc cầu và đoàn quân chiến thắng thành tư liệu lịch sử. Tấm thứ hai, một tổ mũi nhọn vác cờ “Quyết chiến quyết thắng” men theo giao thông hào tiến về phía hầm tướng Đờ Cát. Họ đã nhảy lên nóc hầm, phất cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lá cờ đã trở thành biểu tượng của Chiến thắng Điện Biên Phủ, của khí phách Việt Nam. Tấm thứ ba, cảnh tù binh Pháp lốc nhốc giơ tay, giương cờ trắng xin hàng! Còn tấm ảnh thứ tư là toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ sau khi quân Pháp đã thất bại, để lại trên vùng lòng chảo một nghĩa địa khổng lồ xe ô tô, máy bay, xe tăng, pháo binh các cỡ và dù trắng phủ kín cả cánh đồng Mường Thanh. Và tấm ảnh thứ năm: chân dung tướng Đờ Cát!

Đờ Cát là con nhà dòng dõi quý tộc Pháp. Sau khi tốt nghiệp trường sĩ quan pháo binh, năm 1933, Đờ Cát đã đoạt giải vô địch thế giới về môn phi ngựa, môn nhảy cao, nhảy xa… Sau thế chiến thứ hai, ông ta là Trung tá phụ cận cho Đại tướng Đờ Lát Đờ Tát-si-nhi, một danh tướng đứng hàng số một của nước Pháp.

Bức ảnh Đờ Cát được nhà nhiếp ảnh Triệu Đại chụp vào lúc 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954 trong tư thế của một ông tướng quy hàng.
- Chân dung Đờ Cát chính là bức chân dung nhân vật số một, phía kẻ thù bại trận, trên cái tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà nhà nhiếp ảnh Triệu Đại đã chụp được.

- Còn chân dung nhân vật số hai?
- Hắn đã chết cách đây 30 năm. Đó là Trung tá Pi-ốt, Tư lệnh pháo binh tập đoàn cứ điểm.

- Nhiệm vụ của chúng ta vẫn phải chụp cho bằng được chân dung viên tư lệnh pháo binh tự sát đó.
Có tiếng cười rộ lên “Nó đã chết rồi còn chụp làm sao được?”. Lại có ý kiến tán thưởng…

Sực nhớ ra, nghệ sĩ Trần Cừ liền móc túi lấy ra một chiếc chứng minh thư chụp lại của viên tư lệnh pháo binh Pi-ốt được cấp vào tháng 2 năm 1950. Chữ ký của hắn bằng mực đen, loằng ngoằng kiểu “rồng bay phượng múa”.
Chiếc chứng minh thư cuối cùng ấy của Pi-ốt lúc này thật hấp dẫn. Nó đã được truyền đến tận tay từng nhà nhiếp ảnh. Nhưng đó không phải là “chân dung nghệ thuật của Pi-ốt” ở Điện Biên Phủ năm 1954!
Đoàn chúng tôi đến Điện Biên đã được mấy ngày. Từ hôm còn trên đường, nhà nhiếp ảnh Nguyên Chính vẫn im lặng. Anh tập trung tư tưởng, suy nghĩ đến day dứt, mặc cho bộ ria mép bạc trắng đâm tua tủa như lông nhím mà vẫn không chịu cạo. Thời gian này 30 năm trước, cũng vào một đêm như đêm nay, Pi-ốt đã không chịu đựng nổi nỗi thất bại nhục nhã trong cuộc đấu pháo đầu tiên với pháo binh Việt Nam trẻ tuổi. Y quyết định tự sát. Cái chết của y chính là “cái chết” tất yếu của lực lượng pháo binh của quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ.

Tôi sẽ chụp được chân dung viên tư lệnh tự sát đó cho mà xem! Nguyên Chinh đã có lần nói khẽ với tôi như vậy.
Đêm đã khuya, anh gọi cửa, đặt trước mặt tôi một tấm ảnh.

- Ông xem bức chân dung của Pi-ốt đấy!
- Hay, hay thật! - Tôi thốt lên, khuôn hình cắt cúp thật là chặt chẽ!
Trên ảnh, sau 30 năm những trận địa pháo binh của Pi-ốt vẫn còn nằm gục rải rác trên cánh đồng Mường Thanh… Vẫn còn hàng loạt những cỗ pháo hoen gỉ nằm phủ phục trong đám ruộng lúa cao sản hoặc trong bãi cỏ hoang đầy lau lách… Hai chiếc máy cày của nông trường Điện Biên vừa đi qua, tung bụi lên trắng xóa. Mấy chú trâu đang ung dung gặm cỏ. Vắt vẻo trên lưng là những chú bé đang mải mê đọc sách hoặc đang thổi sáo. Cũng có chú đưa mắt dõi theo những cụm mây trắng xốp đang mặc sức bồng bềnh trên bầu trời thung lũng!... Sao lại không thể coi đó là “chân dung Pi-ốt chiến bại” của pháo binh Pháp trên chiến trường Điện Biên! Tôi chìa tay ra bắt tay nhà nhiếp ảnh Nguyên Chính thật chặt. Xin chúc mừng!
Kết quả chuyến đi năm ấy được tổ chức một cuộc triển lãm ảnh “Điện Biên hôm nay” rất hoành tráng vào sáng ngày 7/5/1984 tại Hà Nội./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nhớ chuyến chụp ảnh ở Điện Biên năm ấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO