Khoảnh khắc chính là yếu tố tạo nên giá trị cho mỗi bức ảnh nghệ thuật
Trong kỷ nguyên bùng nổ của công nghệ số, mọi bức ảnh đều có thể dễ dàng chỉnh sửa và dàn dựng như ý muốn. Điều này tạo ra một thách thức lớn trong việc gìn giữ chân thực trong ống kính đối với nền nhiếp ảnh Việt Nam, đặc biệt là đối với ảnh báo chí.
Ống kính báo chí không chỉ ghi lại khoảnh khắc…
Dù ở thời đại nào đi chăng nữa, báo chí vẫn luôn theo đuổi sự thật. Trên mặt trận thông tin đầy cam go, nhiếp ảnh báo chí chính là vũ khí sắc bén của công lý, nơi những trang sử sống động được ghi chép lại bằng ngôn ngữ hình tả thực, làm lay động trái tim hàng triệu con người. Bởi lẽ đó, bất kể gam màu hiện thực trước mắt có tối tăm hay tươi sáng, phóng viên cầm máy không chỉ có nhiệm vụ phản ánh chân thực về những vấn đề bất công, hé lộ góc khuất của xã hội thông qua những tấm ảnh mà còn khơi dậy lòng trắc ẩn, thôi thúc dư luận hành động và là chứng nhân lịch sự của thời đại thông qua lăng kính nhạy bén của mình.
Mỗi bức ảnh không chỉ đơn thuần là hình ảnh, mà còn là câu chuyện tiếng lòng của người thợ chụp thay cho lời kêu gọi. Chúng ta có thể cảm nhận được nỗi đau, sự phẫn nộ, hay lòng trắc ẩn qua từng khung ảnh, khơi gợi sự đồng cảm, lòng nhân ái trong trái tim con người, thậm chí là thôi thúc người ta hành động vì lẽ phải. Từ đó, những tấm ảnh được chụp từ nghệ sĩ, nhà báo có sức mạnh lan tỏa và làm thay đổi đời sống con người. Điều này làm nên tính chất đặc biệt của ảnh báo chí
Hiện thực trong nhiếp ảnh báo chí như tấm phong bao chứa đựng ký ức. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Nhiếp ảnh là sự chắt lọc và cô đọng hiện thực, chỉ bản chất hiện thực được sáng rõ. Chẳng ai còn bận tâm về kỹ thuật máy móc mà chỉ đặt niềm tin tuyệt đối vào chính cái nó chớp được.”
Ảnh báo chí có thể xoay chuyển nhận thức, tác động đến tiến trình lịch sử. Có những bức ảnh phản ánh chủ đề tội ác chiến tranh, về nạn đói khổ, về bất công trong xã hội đã từng lay động dư luận, tạo nên sức ép lên chính quyền, góp phần chấm dứt chiến tranh, lật đổ chế độ độc tài, và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Như bức ảnh “Em bé Napalm” được nhiếp ảnh Nick Út (thuộc hãng thông tấn Associated Press) chụp năm 1972 đã nổi tiếng khắp trên các trang báo Mỹ thời ấy, làm rúng động dư luận vì một sự thật trần trụi về chiến tranh tàn bạo của Mỹ tại Việt Nam.
Chiếc máy ảnh của Nick Út chụp bức ảnh “Em bé Napalm” (1972) hiện đang được trưng bày tại Gallery Ký ức Nhiếp ảnh tại Hà Nội. (Ảnh: Phương Hiền)
“Khoảnh khắc” làm nên hồn cốt bức ảnh
Trên hành trình sáng tạo nghệ thuật đầy gian nan và thử thách, đối với một nhiếp ảnh gia, điều quan trọng nhất không nằm ở kỹ thuật điêu luyện, trang thiết bị hiện đại hay những bí quyết chụp ảnh độc đáo, mà chính là khả năng "bắt trọn" khoảnh khắc. Bởi lẽ, khoảnh khắc chính là yếu tố tạo nên giá trị nghệ thuật cho mỗi bức ảnh.
Tay chân luôn xử lý chậm hơn não bộ. Để nắm bắt khoảnh khắc độc đáo, người nghệ sĩ phải sở hữu một trực giác nhạy bén và tinh tế, cùng khả năng quan sát tỉ mỉ. Đồng thời, họ cũng cần có đủ sự quyết đoán và nhanh nhạy để "chộp" lấy khoảnh khắc ấy, lưu giữ nó vào trong ống kính một cách trọn vẹn nhất.
Có những khoảnh khắc đến một cách tự nhiên, như một “món quà may mắn” dành cho người nghệ sĩ. Họ chỉ cần “một sự tình cờ”, khi có mặt đúng lúc, đúng chỗ, với tâm thế sẵn sàng sáng tạo, để ghi lại khoảnh khắc ấy một cách chân thực và sống động nhất. Đổi lại, cũng có những khoảnh khắc đòi hỏi sự đầu tư, kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ của người cầm máy. Họ phải dày công tìm kiếm, sắp xếp, thậm chí là tạo ra những điều kiện lý tưởng để có được khoảnh khắc mong muốn.
“Nhiếp ảnh bây giờ không như ngày xưa”
Không thể phủ nhận rằng nhiếp ảnh tại Việt Nam đã tạo được những dấu ấn quan trọng trong lịch sử, hơn nữa còn ngày một thích nghi với thời đại công nghệ số. Nhưng nhiếp ảnh Việt vẫn có thể bị mai một, đặc biệt là trong vấn đề đạo đức của người cầm máy.
Bàn về nền nhiếp ảnh tại Việt Nam hiện nay, theo nhận định của nhà báo, NSNA Phạm Công Thắng: “Khi thời đại máy móc, phương tiện ra đời và phát triển, phóng viên nhiếp ảnh dần dà bị phụ thuộc vào những phần mềm chỉnh sửa ảnh sẵn có… Hơn nữa, còn có những bức ảnh bị trùng lặp ý tưởng với những tác phẩm ngày xưa đã từng đạt giải thưởng. Và còn chụp hàng loạt những bức ảnh tương tự nhau rồi về chọn lựa dần. Tôi cho rằng đây không phải là tư duy đúng đắn trong sáng tác và làm nghệ thuật.”
Thay vì khai thác những góc nhìn mới mẻ, độc đáo, nhiều tác phẩm hiện nay thiếu đi sự đột phá và khả năng đổi mới, dẫn đến những tác phẩm trông “na ná” nhau, thiếu đi bản sắc riêng của người nghệ sĩ, điều này rất đáng lưu tâm.
Do đó, người nghệ sĩ phải có kiến thức, phải học, phải hiểu về những phong tục tập quán, lịch sử của đất nước, bởi nghệ thuật là hành trình khám phá và sáng tạo không ngừng. Chỉ khi dám dấn thân vào những điều mới mẻ, dám đối mặt với thử thách, nhiếp ảnh gia mới có thể gặt hái được những thành công vang dội và tạo nên dấu ấn riêng biệt trong lĩnh vực nghệ thuật đầy cám dỗ và mê hoặc này./.