Tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá
Giá trị VHNT Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh là một bộ phận nền tảng quan trọng, mang ý nghĩa văn hóa, xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét trên các lĩnh lực: văn học, văn nghệ dân gian, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, múa. Nhìn lại chặng đường gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước của VHNT 3 thành phố, có thể thấy rõ những thành tựu và cả những mặt hạn chế tồn tại cần phải thay đổi để tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá.
Dòng chủ lưu trong văn học nghệ thuật Việt
Đề cập tới giá trị VHNT của 3 thành phố Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh, NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội nhận định: “Có thể nói, trong dòng chảy của VHNT Việt Nam nói chung thì VHNT 3 thành phố luôn giữ và phát huy vai trò của mình là dòng chủ lưu trong tồn tại và phát triển. Mỗi thành phố đều xây dựng và tạo nên gương mặt VHNT riêng, bản sắc riêng, đa dạng, muôn vẻ trên nền tảng văn hóa dân tộc, văn hóa Việt Nam. Trong đó, nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong nước và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần hình thành nguồn lực và động lực nội sinh để phát triển đất nước”.
Theo nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế, kể từ sau ngày thống nhất đất nước VHNT Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh có sự giao thoa, hội nhập và phát triển đầy ấn tượng.
“Những năm 1975 - 1985, nền VHNT bước ra khỏi chiến tranh tiếp tục âm hưởng sử thi của 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Từ sau năm 1986, không khí đổi mới thổi vào đời sống văn nghệ, nhiều tác giả tiêu biểu là hội viên của các hội VHNT thuộc 3 tỉnh, thành phố xuất hiện, đủ khả năng vươn tầm thế giới. Và đặc biệt những năm gần đây, với nhiều vận hội mới đang mở ra, VHNT nước nhà nói chung và của 3 địa phương nói riêng có những cơ hội mới để phát triển hơn, hội nhập với thế giới sâu rộng hơn qua nền tảng công nghệ số…", nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc nhận định.
Trong lĩnh vực văn học, các nhà văn cũng đã hăng hái bung mình ra tìm tòi chủ đề mới và cách thể hiện mới để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của công chúng. Sự phát triển rầm rộ và vượt bậc của đời sống văn học đã đem đến những chuyển động mới của VHNT nước nhà. Bên cạnh những tác phẩm về chiến tranh hay hậu chiến là những tác phẩm viết về công cuộc đổi mới với lối tư duy mới, cách nhìn mới, phương thức biểu đạt mới; phản ánh rõ nét hơn hiện thực cuộc sống.
Trong lĩnh vực văn hóa dân gian, sự khởi sắc này thể hiện rõ nét cả trong công tác sưu tầm, nghiên cứu cũng như sự phát triển của đội ngũ sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian. Các công trình nghiên cứu ở lĩnh vực này cho thấy văn hóa dân gian thực sự là một nguồn tài nguyên dồi dào, là những nền tảng của văn hóa truyền thống góp phần kiến tạo văn hóa vùng, miền, quốc gia.
Với lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, múa, văn nghệ sĩ của 3 thành phố đã bắt kịp với hơi thở của thời đại, sáng tạo nhiều tác phẩm đa dạng và phong phú về đề tài, chủ đề và phong cách; có giá trị Chân, Thiện, Mỹ đáp ứng yêu cầu thưởng thức của công chúng, đóng góp vào kho tàng văn hóa, VHNT của dân tộc.
Theo nhà thơ Cao Ngọc Thắng (Hội Điện ảnh Hà Nội), nhìn một cách tổng quát, trong hoàn cảnh hòa bình và toàn dân tộc dồn tâm lực cho công cuộc kiến tạo đất nước, giới văn nghệ sĩ có cơ hội chủ động chọn điểm nhìn mới về quá khứ, đặc biệt đối với hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước kéo dài suốt 30 năm liên tục, xa hơn là có cách nhìn thấu đáo và khách quan những vấn đề lịch sử. Không chỉ riêng văn học, các sáng tác ở các lĩnh vực nghệ thuật khác, như sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh... cũng tập trung vào các chủ đề, đề tài về quá khứ như một cách hoàn thành những gì còn dang dở mang tính tự thân với trách nhiệm và tình cảm công dân, nhằm tri ân những người đã ngã xuống trên các chiến trường và sự âm thầm hi sinh của những người ở hậu phương, một mặt thỏa mãn nhu cầu sáng tạo cá nhân, mặt khác đáp ứng yêu cầu của người thưởng thức nghệ thuật.
Tiếp nối mạch nguồn, tạo sự bứt phá
Bên cạnh sự sôi động và chuyển biến tích cực, đời sống VHNT 3 thành phố 50 năm sau ngày đất nước thống nhất cũng đã bộc lộ rõ những hạn chế. Điều này thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực, từ việc sưu tầm nghiên cứu, phát triển văn nghệ dân gian, định hướng phát triển âm nhạc, nâng cao chất lượng văn chương, đặc biệt là văn học trẻ, rồi hoạt động mỹ thuật, sáng tạo nghệ thuật trong cơ chế thị trường…
Theo PGS.TS Trần Thị An - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, chính sự chưa tương đồng trong mô hình hoạt động tổ chức về sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian ở 3 Hội VHNT của 3 thành phố dẫn tới thực tế: chưa có nhiều công trình mang tính tập thể của các Hội, chi hội văn nghệ dân gian; giảm sự kết nối trong hoạt động của các chi hội…
Đề cập tới bức tranh âm nhạc của 3 thành phố Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS, nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến cũng chỉ rõ một số những hiện tượng lệch chuẩn trong sáng tác biểu diễn. Đó là thực trang sao chép ý tưởng, vay mượn nhạc nước ngoài vào sáng tác (bằng giai điệu, chuyển dịch lời ca, phối khí) đang áp dụng với mức độ tinh vi, dưới nhiều dạng khác nhau; vai trò của âm nhạc chuyên nghiệp bị lu mờ, các ca sĩ hát nhạc nhẹ đắt sô, còn ca sĩ hát thính phòng thì phải loay hoay tự tìm hướng hòa nhập xã hội…
Tại hội thảo “Văn học nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển” được tổ chức tại Hà Nội mới đây, nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu cũng đã đề cập tới những giải pháp trong việc phát triển VHNT của 3 thành phố trong giai đoạn mới.
Theo đó, các ý kiến đều nhấn mạnh tới các giải pháp như: Tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong đẩy mạnh phát triển VHNT; tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ các địa phương giao lưu, cùng sáng tạo; cần thực hiện tích cực hơn tinh thần của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, tinh thần “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021…
Về phía Liên hiệp các Hội VHNT cũng cần chủ động tham mưu chính quyền về các vấn đề liên quan đến việc phát triển VHNT trên địa bàn; tổ chức tốt các hoạt động liên quan đến việc sáng tác, nghiên cứu - lí luận phê bình VHNT, quảng bá tác phẩm của văn nghệ sĩ; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động VHNT, đẩy mạnh mối quan hệ giao lưu hợp tác VHNT với các tỉnh thành, các nước trong khu vực, quốc tế.
Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh các chương trình giao lưu, hội thảo, văn nghệ sĩ của 3 thành phố cần đẩy mạnh sáng tác, chung sức phối hợp, thực hiện những công trình VHNT chung, có chất lượng đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng…
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội - NSND Trần Quốc Chiêm, trước những biến đổi mạnh mẽ trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị... VHNT 3 thành phố càng phải phát huy vai trò hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao hiệu quả lao động sáng tạo nghệ thuật.
Nhìn nhận VHNT của 3 thành phố như là trụ cột, là điểm sáng của VHNT nước nhà, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, bên cạnh việc lưu giữ, bảo tồn, quảng bá giá trị tinh hoa văn hóa của VHNT, các văn nghệ sĩ 3 thành phố cần nỗ lực hơn để tạo nên tam giác trụ cột của nền VHNT nước nhà; có nhiều hơn nữa những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng tư tưởng, nghệ thuật cao, có giá trị để đời…