Quán Lưu Xá (huyện Hoài Đức)
Quán Lưu Xá thuộc xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Quán Lưu Xá, dựng cuối làng nhìn ra cánh đồng. Tam quan chỉ có mái sau, làm theo kiểu tường hồi bít đốc, mặt ngoài xây tường cao lên tận nóc để trổ ra ba cửa. Đầu tường đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt, dưới đắp cuốn thư, hai bên có hình phượng, rùa và lân để hợp thành bộ tứ linh. Sau Tam quan là hai nhà gác chuông và gác khánh làm theo kiểu Phương đình chồng diêm 2 tầng 8 mái. Tuy hạng mục công trình này mới được trùng tu lại năm 1989 nhưng bên trong treo hai hiện vật quý là quả chuông “Lão Quân quán chung” cao 156cm, đường kính 58cm đúc năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1794) và chiếc khánh cao 70cm, rộng 123cm đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).
Từ Tam quan có lối đi giữa hai khoảng vườn cây cảnh dẫn đến toà Tiền tế, toà nhà này 5 gian tường xây hồi bít đốc, các bộ vì có kết cấu đơn giản theo kiểu thức “quá giang” đặt trên cột gạch, trên có trụ trốn. Hạng mục này dựng lại năm 1984.
Qua một khoảng sân hẹp là tới toà Đại bái, có 5 gian, tường hồi tay ngai, chính giữa bờ nóc đắp 3 chữ Hán “Lão Quân quán”. Trước tường hồi, ngay sát Tiền tế xây 2 trụ biểu, trên đỉnh đắp tứ phượng chầu.
Toà Thượng điện được làm 3 gian, tận cùng là hồi bít đốc, các bộ vì được làm đơn giản, chủ yếu là bào trơn, soi gờ kẻ chỉ. Dọc gian giữa là hệ thống tượng thờ gồm thần điện kết hợp với Phật điện. Trên cùng là bộ Tam thanh gồm pho Thái thanh, Thượng thanh và Ngọc thanh. Hàng dưới là pho Quan Âm chuẩn đề tĩnh toạ trên toà sen, tiếp đến là pho A Di Đà, xuống dưới là vua cha Ngọc hoàng ngồi trên ngai, ngoài cùng là pho Thái Thượng Lão Quân. Hai bên sườn thượng điện là bộ Thập điện diêm vương.
Toà Hậu đường ở phía sau gồm 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì được làm theo kiểu “chồng rường” kết hợp với kẻ, trang trí rồng mây cách điệu. Trong 5 gian này, có 3 gian được ngăn làm nhà Tổ và điện Mẫu, còn 2 gian hồi là nơi sinh hoạt của người coi giữ quán.
Nhìn chung, kiến trúc quán Lưu Xá mang phong cách thời Nguyễn, song còn có một số bia khá sớm. Ngoài 3 tấm bia hậu thời Nguyễn còn tấm bia Lão Quân quán đặt trên lưng rùa có niên đại Hoằng Định thứ 15 (1614) và tấm trụ Hậu thần bi ký dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706). Qua những tấm bia này được biết: Xưa, Lữ Gia qua đây gặp tiên đánh cờ bèn cho xây quán để cho Pháp sư tu luyện. Trong đó, có một vị pháp sư họ Lý đã đắc đạo thành tiên và bay về trời. Thời Trần có một vị công chúa đến cầu tự, sinh hoàng tử do đó triều đình cho tu sửa và mở rộng ngôi quán. Đến đầu thế kỷ XVIII, cung tần Nguyễn Thị Ngọc Tích thấy ngôi quán đã bị hư hỏng nên đã xuất tiền của làm nhà hậu phong cho sư ở, và sửa sang các công trình khác và cho đúc quả chuông lớn, khu vườn cây để dân làng đèn hương. Cũng từ đấy, ngôi quán ngày càng mang dấu ấn của một ngôi chùa.
Quán Lưu Xá đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01