Đình làng Đình (huyện Mỹ Đức)
Đình làng Đình (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) ở trung tâm thôn Đình Lê trên một đồi cao gọi là đồi Đình. Trước đây thôn Đình Lê thuộc về hai thôn khác nhau đó là thôn Đình và thôn Nhượng Lê. Đến năm 1962 sát nhập hai thôn thành thôn Đình Lê.
Đình quay hướng nam, được bố cục theo hình chữ “đinh” gồm Đại bái và Hậu cung. Từ sân lên qua 5 bậc là vào đến Đại bái. Toà này được làm 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong lợp ngói ri cổ, bờ nóc ở giữa đắp lưỡng long chầu nguyệt còn hai bên đầu bờ nóc là hai con kìm. Đại bái được đứng trên 6 hàng chân cột. Cột hiên và cột hậu được xây bằng gạch, hai bộ vì gian giữa được làm theo kiểu “thượng giá chiêng rường cụt, hạ cốn mê, kẻ”. Đầu cột trốn đội một con rường, trên con rường là một đấu hình thuyền đỡ thượng lương, các con rường ở đây đều được chạm khắc hình đầu rồng cách điệu và được kê qua các đấu kê vuông thót đáy. Các bức cốn chạm khắc hoạ tiết trang trí tứ linh và tứ quý. Hai bộ vì gian bên được làm theo “kiểu thượng cốn đặc hạ chồng rường kẻ”. Bức cốn phần thượng chạm khắc hổ phù đang gồng mình chân sải sang hai bên đỡ hoành thượng còn đầu đội thượng lương qua một đấu kê hình thuyền. Phần hạ được làm theo kiểu rường cụt, kẻ. Toàn bộ các con rường và xà nách đều được chạm khắc công phu tỉ mỉ hình tượng rồng cách điệu và hình hoa lá, các kẻ được bào soi vỏ măng. Hậu cung là ba gian nhà dọc được làm liền với gian giữa của Đại bái theo kiểu hai mái chảy đầu hồi bít đốc. Kết cấu các bộ vì được làm theo thể thức “chồng rường”. Gian trong cùng của Hậu cung được làm sàn lửng có bưng ván ở xung quanh để làm khám thờ. Phía trước khám là một bộ cửa võng chạm lưỡng long chầu nguyệt và tứ linh, xung quanh riềm được chạm lộng hình cánh sen. Bên trong khám đặt cỗ long ngai bài vị trên một sập gỗ. Đây là bộ long ngai bài vị đẹp được chạm khắc công phu và tỉ mỉ có niên đại vào thế kỷ XVIII.
Đình làng Đình thờ Thành hoàng làng là Nguyễn Nga. Ông chuyên nghề đánh cá, nổi tiếng là người bơi lặn giỏi và hiểu được thuỷ văn. Bấy giờ, Hai Bà Trưng truyền hịch chiêu mộ hiền tài. Ông tìm đến nơi hội quân. Trưng Trắc cho ông cầm quân đánh giặc và được thần núi Cao Sơn âm phù.
Trong một cuộc chiến đấu ở khu Đồng Rền đánh quân Mã Viện, ông đã anh dũng hy sinh.
Đình làng Đình còn bảo lưu được: 1 long ngai chạm rồng thế kỷ VIII, 1 bài vị thế kỷ XVIII, 1 hòm sắc chạm rồng thế kỷ XIX, 1 bộ kiệu bát cống thời Nguyễn, 2 đế bát hương bằng gỗ chạm cánh sen và 10 đạo sắc phong…
Lễ hội làng Đình diễn ra vào ngày 7 tháng giêng âm lịch hằng năm. Đình làng Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây cũ xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2003./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01