Đình Kiều Đông (huyện Phú Xuyên)
Từ thành phố Hà Nội đi theo đường Hà Đông - Văn Điển đến Quốc lộ 1A cũ, đến thị trấn Phú Xuyên, rẽ đi xã Quang Lãng, Minh Tân chừng 300m rẽ phải vào đến làng Kiều Đông, di tích nằm ở đầu làng.
Công trình đầu tiên là Nghi môn được làm theo kiểu Nghi môn trụ biểu với chất liệu vôi vữa, trang trí đơn giản. Trước Nghi môn đình là một hồ nước lớn mà theo thuyết phong thuỷ đây là nơi tụ linh, tụ khí, tụ phúc của làng. Từ Nghi môn qua một sân gạch tới tam cấp Đại bái đình. Tam cấp đình là một hệ thống cấp bậc bằng đá xanh có tiết diện vuông bó vỉa phần rìa, trong lát gạch. Tòa Đại bái nhìn từ bên ngoài mang dáng vẻ của một công trình kiến trúc cổ với bốn mái đao cong ở bốn góc. Bờ nóc trang trí hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt. Đầu bờ nóc là hình ảnh của kìm ngậm bờ nóc. Tại khúc khuỷu, đắp nghe bằng chất liệu vôi vữa trong tư thế quay ra ngoài. Các bộ vì kết cấu theo kiểu thức, hai bộ vì gian giữa được làm theo kiểu “thượng vì chữ “đinh”, trung chồng rường, hạ bẩy hiện”. Các đầu dư chạm đầu rồng bằng kỹ thuật chạm bong kênh, các đạo mác song song bay thẳng về phía sau mang nghệ thuật rồng thời Lê; hai bộ vì gian chái kết cấu theo kiểu “chồng rường trụ trốn”, chỉ có phần cuối các con rường đỡ hoành được chạm khắc lá lật.
Đình Tư Can thờ phụng Thành hoàng làng là Trung Thành phả tế đại vương. Các ngài sống vào thời vua Hùng Duệ Vương, thông minh, văn võ toàn tài, lại có sức vóc phi thường, anh hùng cái thế. Lúc này thiên hạ xảy ra hạn hán, dân tình trong nước lâm vào cảnh đói khát, nhà vua cho mở khoa thi tuyển chọn nhân tài, năm anh em cùng về kinh ứng thí. Vua Hùng Duệ Vương nhận thấy 5 anh em là những nhân tài xuất chúng nên ban tước, lập ấp, cấp ruộng theo thứ tự cao thấp khác nhau. Người thứ nhất được phong là Đông Long thái sư, người thứ hai là Tây Long thái phó, riêng người thứ ba được phong là Nam Long trưởng lệnh, quyền trưởng Trung Hoa tế quốc làm Thổ lệnh, thống lĩnh thủy binh. Người thứ tư là Bắc Long Thái bảo, người thứ năm là Thiếu Long và gia phong người cha Bột công là đại vương. Nhà vua cho năm anh em đem theo năm đạo quân đi kinh lý ở 5 phương để cầu mưa và trị thuỷ. Từ đó nhân dân có đời sống no ấm, mùa màng tốt tươi dân chúng khoẻ mạnh không xảy ra ốm đau, bệnh tật. Các ngài hóa thân về trời vào ngày 10 tháng 6. Nhà vua ra chiếu chỉ lệnh cho nhân dân lập đền thờ và phong mỹ tự Phổ tế Trung Thành đại vương thượng đẳng phúc thần.
Lễ hội của làng được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 10 đến 12 tháng tám âm lịch hằng năm. Đình đã được ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01