Đình Hội Xá (quận Long Biên)
Đình Hội Xá nằm bên bờ phía nam sông Đuống, thuộc thôn Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.
Hội Xá có lịch sử tạo dựng và phát triển từ rất lâu đời. Cùng với thời gian, mảnh đất Hội Xá đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta.
Các nguồn tư liệu như Thần phả, Sắc phong... và hồi ức dân gian ở địa phương cho biết, đình Hội Xá thờ Thánh Gióng, cùng tướng Hoàng Hổ - một lãnh binh trong đạo quân của làng Hội Xá đã theo Phù Đổng đánh giặc Ân và tướng quân Nguyễn Nộn ở cuối thời Lý. Các nhân vật này được truyền thuyết ghi là đã gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư nơi đây và mở đầu cho những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân làng Hội Xá.
Từ xưa, cứ đến ngày 9 tháng 4 âm lịch, nhân dân 5 thôn Phù Đổng, Phù Dực, Hội Xá, Đổng Viên, Đổng Xuyên (Gióng Mốt) lại cùng nhau long trọng tổ chức ngày hội tưởng niệm vị anh hùng làng Gióng.
Lễ hội làng Hội Xá còn bảo lưu được nhiều nghi thức và trò diễn dân gian, đáng kể nhất là lễ kéo tướng, dàn quân phất cờ, diễn lại tích Thánh Gióng dẹp giặc. Đây là lễ hội giàu tính biểu trưng, nhiều ý nghĩa lịch sử văn hoá của Hà Nội và quốc gia.
Ở Đình Hội Xá, ngoài việc thờ cúng ông Hoàng Hổ - tướng cầm quân của Phù Đổng Thiên Vương còn thờ nhân vật Nguyễn Nộn - một tướng của triều đại nhà Lý. Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử lược và các tác phẩm khuyết danh đời nhà Trần, Thần tích đình Đổng Viên, đình Công Đình, tổng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) còn ghi rõ: Vương họ Nguyễn huý Nộn, người xã Phù Ninh, huyện Tiên Du, nay đổi là Phù Dực, lúc đầu trụ trì ở chùa Phù Đổng gọi là Hoài Đạo cư sĩ... Mùa thu tháng 8, Huệ Tông Hoàng đế xuống chiếu bắt cư sĩ ở chùa Phù Đổng là Nguyễn Nộn vì bắt được bạc mà không đem dâng... Nộn xưng là “Hoài Đạo Vương” dâng biểu xưng Thần xin đi dẹp loạn để chuộc tội. Vua sai người mang sắc đến tuyên dụ. Đầu thời Trần (1226), đội quân của ông khá mạnh, hùng cứ cả một vùng. Vì vậy mà nhà Trần lo sợ phải phong tước vương, gả công chúa cho ông. Trải qua một thời binh biến đến năm 1229 thì ông ốm và mất ở Phù Ninh. Nhân dân trong vùng và dân xã Phù Đổng là quê của ông lập đền thờ về sau tôn ông làm Thành hoàng làng. Các triều vua thường phong sắc, tặng mỹ hiệu và cho phép xã Hội Xá thờ phụng.
Đình Hội Xá nằm cạnh chùa, ở đầu làng, được quy hoạch tập trung trên cùng một thửa đất cao rộng, liền sát đê sông Đuống. Các cụ cao tuổi trong làng cho biết, đình trước kia được xây dựng ở ngoài bãi sông cuối làng, hiện nay vẫn còn nền đình và giếng nước. Năm Bảo Đại thứ 2 dân làng chuyển đình từ bãi sông bên kia vẻ dựng ở phía bên trái chùa. Sau đó năm 2001 - 2002, đình được xây theo kiến trúc hoàn toàn mới chuyển sang phía bên phải của chùa.
Đình Hội Xá có 3 gian Đại đình và 1 gian Hậu cung, xây đơn giản, phía trước không có hiên, đầu hồi xây tường bít đốc, mái lợp ngói ta, các bộ vì kèo gỗ chủ yếu là bào trơn không có hoa văn trang trí, thiết kế kiểu vì kèo quá giang. Phía trước đình là không gian rộng gồm có sân đình, vườn rộng trồng nhiều loại cây lưu niên, cây ăn quả, tiếp đến là ao đình rộng.
Đình Hội Xá đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01