Đình Giáp Nhị (quận Hoàng Mai)
Đình Giáp Nhị trước thuộc làng Giáp Nhị, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, nay là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Truyền thuyết dân gian ở địa phương kể lại rằng: vùng đất này từng là địa bàn chiêu mộ và luyện tập quân sĩ của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng ở thế kỷ thứ VIII để chống quân đô hộ nhà Đường. Thế kỷ XIV có Trần Khát Chân (1370 - 1399), một nhân vật nổi tiếng của thời Trần. Năm 1390, ông đã chỉ huy quân sĩ đánh thắng quân Chiêm, giết chết Bồng Nga. Dẹp yên giặc Chiêm Thành, ông được phong là Thượng tướng quân và được ban thưởng xã Cổ Mai làm thái ấp. Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi đã nhắc tới Thịnh Liệt với đặc sản cá rô thơm ngon nổi tiếng. “Cá rô đầm Sét, cá chép đầm Đại” đã trở thành một sản vật nổi tiếng của Thịnh Liệt với đất Kinh kỳ.
Đình Giáp Nhị có khởi nguồn từ một đền nhỏ thờ Đức Thổ Thần. Khi tín ngưỡng Thành hoàng làng phát triển thì quy mô ngôi đình được mở rộng thêm như hiện nay. Từ đó, di tích được mang hai chức năng: thờ Thành hoàng làng và là nơi hội họp sinh hoạt của cộng đồng cư dân làng xã.
Chuyện kể rằng: Làng có ông Bùi Huy Bích thi đậu Hoàng giáp khoa Kỷ Sửu (1769), sau được triều đình thăng tiến giữ chức Đốc trấn Nghệ An. Đến thời Cảnh Hưng, ông cho rước bài vị Thái thượng Lão Quân từ Nghệ An về thờ tại đình làng.
Thái thượng Lão Quân được đạo giáp đồng nhất với Lão Tử - người xây dựng nền học thuyết tư tưởng của Đạo giáo. Truyền thuyết, sử sách ghi chép về Thái thượng Lão Quân rất phong phú. Ngay tại đình Giáp Nhị còn cuốn thần tích về Thần hoàng làng chép chuyện Lão Tử và một số nhân vật trong Bát Tiên. Thời Minh, quan nghè nổi tiếng Vương Thế Trinh, người tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã dày công khảo cứu để ghi lại tiểu sử của Lão Tử trong sách “Thần tiên truyện”, theo tác phẩm này: Lão Tử được gọi là “Thái thượng Lão Quân”, trong dân gian cho đến nhiều tiểu thuyết, hí kịch thời ấy cũng gọi ngài như thế.
Đạo giáo lấy tín ngưỡng Đạo làm trung tâm. Đạo, tương truyền là của Lão Tử, người thời Xuân Thu sáng tác. Đạo là một học thuyết cũng đồng thời là một trường phái. Thật ra Đạo giáo hình thành từ thời Đông Hán, trên cơ sở của học thuyết về Đạo của Lão Tử, kết hợp với thuật lên đồng, tín ngưỡng dân gian, truyền thuyết, huyền thoại... Trong Đạo giáo có cả những yếu tố của các trường phái khác như Nho gia, Mặc gia, Âm Dương gia, Ngũ hành gia... Vì thế dưới các góc độ khác nhau, người ta cũng gọi là đạo phù thuỷ, đạo dưỡng sinh công pháp, đạo luyện đan, tu tiên trường sinh bất lão.
Đạo giáo vào Việt Nam có lẽ từ thời Đông Hán. Kiến trúc thờ tự được gọi là: “quán”. Hà Nội có nhiều quán nổi tiếng như Bích Câu đạo quán, Huyền Thiên quán, Đồng Thiên quán, Trấn Vũ quán... Quán thờ Thái thượng Lão Quân ở nước ta hiện còn khá nhiều, song, Lão Tử được thở ở đình Giáp Nhị là trường hợp đặc biệt. Thần được thờ theo nghi thức thờ Thần hoàng làng, trong đó nghi thức quan trọng nhất là hội làng.
Đình Giáp Nhị được xây dựng từ lâu đời, đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Hiện ở đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật.
Trước năm 1945, dân làng thường mở lễ hội vào 4 ngày: Ngày 13 tháng 2 âm lịch, làm lễ tế mộc dục, ngày 14 tế mã, ngày 15 tế rước nước, ngày 16 tế hoàng cung. Nghi thức của đoàn tế được ăn mặc chỉnh tề, rước bộ kiệu bát cống ra miếu, rồi rước về chùa Am (chùa Sét). Có năm mở hội to, đoàn rước đi xa hơn xuống chùa Tự Khoát, lấy nước giếng về tế thần...
Đình Giáp Nhị đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2002./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01