Check in Hà Nội

Làng khoa bảng Đông Ngạc

Sơn Dương (t/h) 10:30 09/04/2023

Làng Đông Ngạc (xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm) có 26 tiến sĩ thời phong kiến, 5 tiến sĩ thời Pháp thuộc...

Đông Ngạc là quê hương của Phan Phu Tiên, người làm hợp tuyển văn học đầu tiên; quê hương của luật sư Phan Văn Trường, người trí thức có tinh thần yêu nước, đã giúp đỡ Bác Hồ những năm ở Pháp, khi Bác mới bước vào con đường tranh đấu cho dân tộc.

Làng Đông Ngạc có tên nôm là làng Vẽ. Hiện nay, làng Đông Ngạc cùng với hai làng Liên Ngạc và Nhật Tảo hợp thành xã Đông Ngạc, thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đông Ngạc là một làng quê ở phía tây bắc Thăng Long. Từ xưa có nhiều tên gọi khác nhau: nguyên là phường Đống Gạch, lại có tên là Đông Nghếch (hay Đống Ếch) và cuối cùng là Đông Ngạc. Hiện có ngõ Đông và ngõ Ngạc. Làng Đông Ngạc ở cạnh sông Hồng, có bến có chợ, nên kinh tế phát triển. Ngoài việc buôn bán thông thường coi như một điểm trung chuyển giữa mạn ngược và kinh thành, làng có nhiều nghề thủ công cũng là phục vụ nhu cầu của dân chúng cả nông thôn lẫn thành thị. Tính ra có tới tám nghề thủ công: nhuộm vải nâu, làm gạch ngói, sơn mài, làm quang bằng mây song, làm nồi, làm ghế cói, làm quạt lá vả đan bằng giang nan tre; do giỏi đan mây tre nên chuyển sang đan mũ, kiểu mũ “phớt” cho nam và mũ “đầm vếch” cho nữ, được các nhà buôn Hà Nội xuất sang Pháp. Ngoài ra các món “giò Chèm, nem Vẽ” thì xa xưa đã nổi tiếng ở kinh thành Thăng Long.

Làng Đông Ngạc xa xưa đã nổi tiếng kinh tế, buôn bán phát triển - một vùng quê ven sông Hồng làm giỏi, ăn sành... Nhưng, đây lại là làng học giỏi, sản sinh ra nhiều đại khoa và quan chức ở các triều đại phong kiến và các giai đoạn lịch sử.

Về thi cử Hán học, tính từ thời Trần đến cuối thời Nguyễn, làng có tất cả 401 người đỗ từ đệ nhị giáp đến tú tài. Trong đó có 25 vị đỗ tiến sĩ, 6 vị đỗ Sĩ Vọng (tức thi hội chỉ vào đến tam trường song nổi tiếng là hiền tài nên cũng được sử dụng như tiến sĩ). Ngoài ra có tới hàng trăm cử nhân, vài trăm tú tài. Thời Pháp thuộc, tính đến năm 1945 có nhiều tỉnh không có lấy một người đỗ tiến sĩ, cử nhân chỉ có dăm ba người là cùng. Vậy mà riêng làng Vẽ có tới bốn tiến sĩ, hai luật khoa, hai toán học. Còn cử nhân, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư cũng vài chục người.

Về dân cư, từ xưa làng Vẽ có bốn họ lớn: Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn. Tới thế kỷ XVIII họ Hoàng ở làng Đông Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh di cư sang và cũng trở thành một họ danh vọng. Cả năm họ đều có những người đỗ đạt, có công với làng xóm và cả đất nước.

Về dòng họ Phan: Người khai khoa tiến sĩ cho cả họ và cả làng là Phan Phu Tiên. Năm 1396 ông đỗ Thái học sinh (tức tiến sĩ) đời Trần. Sang đời Lê, mở khoa thi đầu tiên 1428, ông lại ra ứng thi và lại đỗ tiến sĩ lần nữa.

Ông là người biên soạn bộ hợp tuyển văn học đầu tiên của nước ta: “Việt Âm thi tập”, ông là người viết bộ sử thứ hai của nước ta: “Đại Việt sử ký tục biển" (nội bộ “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu). Ông còn là tác giả bộ sách nghiên cứu về các dược liệu Việt Nam: “Bản thảo thực vật giản yếu”, khảo sát và nêu tính chất, công dụng của 392 vị thuốc nam.

Hậu duệ ông có Phan Vinh Phúc đỗ tiến sĩ năm 1686, Phan Lê Phiên đỗ tiến sĩ năm 1757, từng là một trong bảy vị phụ chính thời chúa Trịnh Cán, và là tác giả hai cuốn biên khảo lịch sử: “Cao Bằng thực lục” và "Lịch triều dăng khoa lục ...”.

Cho tới thời Pháp thuộc, họ Phan lại có ba anh em đều một lòng vì nước vì dân: Phan Tuấn Phong, Phan Trọng Kiên và Phan Văn Trường (cháu đời thứ ba của Phan Lê Phiên). Hai ông em là những người hoạt động tích cực trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội. Các ông đã về làng mở trường ở ngõ Trung, dạy học theo chương trình của trường Đông Kinh nghĩa thục. Phong trào Đông Kinh nghĩa thục bị thực dân Pháp đàn áp, cả ba anh em họ Phan đều bị bắt. Pháp giao cho Chánh án toà thượng thẩm Hà Nội là Phan Cao Luỹ (em ruột của các ông Phong, Kiên, Trường) xét xử. Theo lệnh của Pháp, Phan Cao Luỹ đã xử đầy cả ba anh em ra Côn Đảo trong 3 năm. Phan Văn Trường chống án, phải đưa sang Pháp xử rồi được tha bổng. Phan Văn Trường ở lại Pháp, học đỗ cử nhân luật... Ông cùng Phan Châu Trinh lập Hội Đồng bào thân ái (tổ chức đầu tiên của Việt kiều yêu nước ). Do hoạt động trong phong trào yêu nước Việt kiều, ông bị bắt bỏ tù cùng lúc với Phan Châu Trinh (năm 1914). Ba năm sau, ra tù, ông nghiên cứu tiếp về luật, năm 1919 thi đỗ Tiến sĩ luật, mở Văn phòng Luật sư ở Paris, chuyên biện hộ cho các nhà cách mạng và người nghèo. Ông hoạt động trong nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp cùng Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc. Phan Văn Trường có khuynh hướng Mácxít, ông có cảm tình với Chủ nghĩa Cộng sản và Cách mạng tháng Mười Nga. Ông đã giúp đỡ cho Nguyễn Ái Quốc khi Người mới bước vào đời tranh đấu. Cuối năm 1923, ông về nước, cùng với Nguyễn An Ninh xuất bản báo “Chuông rè” (La Cloche Félée) và “Nước Nam” (L’Annam) bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn để làm cơ quan đấu tranh chống các chính sách phản động của thực dân Pháp, đòi dân chủ, bác bỏ chủ nghĩa “Pháp - Việt đề huề” của Đảng lập Hiến; đã cho đăng một số bài của các báo “Người cùng khổ” (của Hội Liên hiệp thuộc địa), “Nhân đạo” (của Đảng Cộng sản Pháp), “Diễn đàn thông tin quốc tế” (của Quốc tế Cộng sản), “Tuyên ngôn Cộng sản” của Mác và Ăngghen trên báo. Ông bị kết án tù, khi ra tù lại tiếp tục đấu tranh đòi dân chủ. Trong dịp ra thăm họ hàng ở Hà Nội, ông đã qua đời ngày 23/4/1933 tại nhà ông em út ở 25 Gāmbetta (nay là phố Trần Hưng Đạo).

Theo tấm bia ở làng Đông Ngạc thì năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), bảy chi họ Phan ở Đông Ngạc đã tôn Phan Phu Tiên là tổ của dòng họ, các chi họ đều thờ cụ ở nhà thờ.

Họ Phan sau này cũng có nhiều đỗ đạt cao. Giáo sư - tiến sĩ toán học Phan Đức Chính, nguyên là cán bộ giảng dạy trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng dạy và chỉ đạo các đoàn học sinh Việt Nam dự các kỳ thi toán quốc tế đạt giải cao.

Dòng họ Đỗ: Theo gia phả, đến đời thứ bảy có Đỗ Thế Giai đỗ Hương cống khoa 1732, song có công giúp Trịnh Doanh trong các cuộc chinh phạt nên được trọng dụng, làm quan tới Trung quân Đô đốc Thự phủ sự. Đỗ được Trịnh Doanh về thăm nhà ở Đông Ngạc tới ba lần. Lần thứ ba vào tháng 7 năm 1766, khi đó Đỗ đang bị ốm nặng nên Doanh phong ngày tại chỗ tước Vương. Tuy vậy, Đỗ cũng đã từng kiến nghị với Trịnh Doanh chỉnh đốn triều chính mà bộ sử Cương mục nhà Nguyễn, kẻ thù của họ Trịnh sau này cũng phải ghi lại: “Thế Giai xin: lấp hẳn con đường xin xỏ cầu may để chính trị được trong sạch; việc thưởng phạt phải nghiêm minh để kỷ cương trong triều được chỉnh đốn; nghiêm sức cho trăm quan để mọi người làm hết chức trách; cẩn thận lựa chọn trăm quan để phép tắc được ngay thẳng; cân nhắc việc ban phát để tài dụng trong nước được đầy đủ...”. Đỗ Thế Giai còn có tới hàng trăm bài thơ Nôm chép trong gia phả.

Con trai cả Đỗ Thế Giai là Đỗ Thế Dận đỗ Hương cống khoa 1756, sau chuyển sang ngành võ thi đỗ Tạo sĩ khoa 1763, coi như ngang Tiến sĩ ngành văn. Dận làm Đô tổng bình thời Lê Chiêu Thống, từng chỉ huy đạo quân cản Quang Trung năm 1786 ở nam Thăng Long nhưng bị đánh tan. Sau trận này ông về Đông Ngạc. Đến khi Chiêu Thống đưa quân Thanh vào xâm lược, cho mời Đỗ Thế Dận ra làm quan nhưng Dận không ra.

Họ Nguyễn: ở Đông Ngạc, họ Nguyễn có mấy dòng khác nhau.

Một họ có ông tổ là Nguyễn Thời Ngoan, đỗ Thư toán đời Lê Thái Tổ, nhà thờ ở ngõ Ngác. Một họ lại có Nguyễn Đình Thạc đỗ tiến sĩ năm 1779. Rồi một họ Nguyễn khác lại có Nguyễn Văn Tùng đỗ tiến sĩ khoa 1838, sau khi đã đỗ đầu khoa thi Hương năm 1837. Một họ Nguyễn khác nữa có Nguyễn Hữu Tạo đỗ tiến sĩ khoa 1844, có sáng tác nhiều văn thơ, cháu nội ông là Nguyễn Hữu Tiến (1875 - 1941) cây bút chủ lực của tạp chí Nam Phong. Tạp chí này ra được 210 số, thì bài của ông có trên 160 số thuộc nhiều thể loại: khảo cứu xã hội, phong tục, pháp luật, lịch sử, di tích, kinh tế, văn học Á Đông và Việt Nam, rồi du ký, kịch bản tuồng, dịch cổ văn, tiểu thuyết v.v... Ông là nhạc phụ của họa sĩ tài danh Nguyễn Đỗ Cung.

Cũng phải kể đến họ Nguyễn gốc ở xã Mai Dịch lên ở quê vợ thời Tự Đức. Đó là Nguyễn Thế Doãn đỗ cử nhân khoa 1850. Con trai trưởng ông là Nguyễn Dự đỗ tiến sĩ khoa 1879. Cháu ông là Nguyễn Châu Đỉnh đỗ đầu cử nhân khoa 1909.

Dòng họ im: Theo gia phả thì cụ tổ đầu tiên đến ở làng Đông Ngạc tên là Phạm Húng, vào năm 1388 đời Trần Nhuận Tông, đến nay đã trên hai mươi đời. Làng Vẽ có 25 tiến sĩ, thì họ này có tới 9 vị. Nếu kể cả Sĩ vọng thì có 4 trong số 6 Sĩ vọng là họ Phạm. Mà Sĩ vọng cũng coi như đỗ Đại khoa.

Theo gia phả thì đời thứ ba người mở đầu đỗ đạt là Phạm Tân, sinh năm 1449. Ông này chỉ đỗ Thư toán, làm chức huyện thừa ở Yên Lập.

Người con trai thứ hai của Tân là Phạm Lân Định đỗ tiến sĩ năm 1515. Định làm Tham chính xứ Thuận Hoá. Con trai cả của ông Định là Phạm Thọ Chỉ đỗ tiến sĩ năm 1577, làm quan tới Giám sát Ngự sử xứ Kinh Bắc. Cháu nội ông Phạm Thọ Chỉ là Phạm Hiển Danh đỗ tiến sĩ năm 1646, làm quan tới Giám sát Ngự sử xứ Sơn Nam. Con trai cả Danh là Phạm Quang Trạch đỗ đầu khoa thi Hội, khi vào thi Đình đỗ Bảng nhãn năm 1683, làm quan tới Hộ bộ Thượng thư, là tác giả sách “Nam chưởng kỷ lược”, có nội dung ghi chép khái quát lịch sử và nước Nam Chưởng là một nước thuộc vùng trung nước Lào ngày nay. Ông Trạch cũng là thầy dạy của Cống Quỳnh, nguyên mẫu của Trạng Quỳnh.
Tiếp theo Phạm Quang Trạch có Phạm Quang Hoán đỗ tiến sĩ năm 1694, ông này rất giỏi về văn sách, lúc bấy giờ có câu tục ngữ “Thơ Mỗ, phú Cách, sách Vẽ” (tức là về thơ thì làng Mỗ có người giỏi, phú làng Cách (Thượng Tri) còn văn sách làng Vẽ). Dòng họ của Phạm còn có 3 tiến sĩ nữa là Phạm Gia Ninh đỗ năm 1731, là con trai Phạm Quang Trạch, giỏi cả văn lẫn võ, ông đã từng làm Giám khảo trường thi Hương Phụng Thiên và Giám khảo trường võ bị. Phạm Gia Chuyên đỗ tiến sĩ năm 1832 và Phạm Quang Man đỗ tiến sĩ khoa 1849. Về việc đóng góp cho văn học phải kể tới Phạm Quang Sán (1874 - 1932) , cử nhân năm 1900. Ông viết nhiều sách chữ Hán: “Phổ thông thuyết ước”, “Văn sách, Đạo đức luận”...; sách chữ Quốc ngữ: “Phú cờ bạc”, “Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn”... Song, kiệt tác của ông là bài phú “Phương ngôn”, một bài phú 100 vần ghép trên 1.000 câu phương ngôn, tục ngữ, ca dao lại mà thành, đều tập trung vào chủ đề khuyến thiện.

Thời Pháp thuộc, họ Phạm còn có Phạm Quang Bách du học Pháp đỗ tiến sĩ luật, có Phạm Tịnh Quát cũng du học Pháp đỗ tiến sĩ toán, có Phạm Gia Huynh, tiến sĩ dược. Ngày nay, Tiến sĩ dược khoa Phạm Gia Huệ, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Dược học Pháp, và Tiến sĩ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng là người làng Vẽ.

Dòng họ Hoàng: Từ làng Đông Bình (tỉnh Bắc Ninh) đến ở làng Đông Ngạc, người đầu tiên là Hoàng Nguyên Thự (rể làng) đỗ tiến sĩ năm 1787. Con trai thứ ba ông Thự là Hoàng Tế Mỹ đỗ đầu khoa thi Hương, sau đó lại đỗ đầu khoa thi Hội năm 1826, làm quan tới Lễ bộ Thượng thư. Con của ông Mỹ là Hoàng Tường Hiệp đỗ tiến sĩ khoa 1865, làm đến Tuần phủ Tuyên Quang, Tán lý quân vụ đại thần cầm quân chống Pháp. Người đỗ đại khoa Hán học cuối cùng của họ Hoàng là Hoàng Tăng Bí, cháu nội ông Hiệp, đỗ Phó bảng khoa 1916. Ông là một người yêu nước, chống Pháp. Ông đã sáng tác mấy vở tuồng có nội dung chống ngoại xâm như: “Thù chồng nợ nước", “Nghĩa nặng tình sâu...”. Con ông Bí là giáo sư Hoàng Minh Giám, thời Pháp thuộc là Hiệu trưởng trường Thăng Long nổi tiếng và sau Cách mạng tháng Tám lần lượt làm Bộ trưởng Ngoại giao, rồi Bộ trưởng Bộ Văn hoá.

Về họ Hoàng còn có chỉ Hoàng Huân Trung đỗ cử nhân năm 1903, gọi ông Hiệp là chú (hoặc bác), làm đến Tuần phủ Phú Thọ. Ông tham gia biên soạn bộ “Việt Nam tự điển” của Hội Khai trí Tiến Đức. Các con ông đều thành đạt: bà Hoàng Thị Nga là người phụ nữ Việt đầu tiên đỗ tiến sĩ khoa học ở Pháp. Các ông Hoàng Cơ Nghị, Hoàng Cơ Thuy đều là cử nhân khoa học. Cũng họ Hoàng còn có chỉ Hoàng Tích Trí (1903 - 1958) bác sĩ, là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chủ tịch đứng đầu.

Nói về làng Đông Ngạc, về đỗ đạt khoa bảng mà không nói đến dòng họ Lê là thiếu. Họ Lê ở đây có Lê Đức Mao đỗ tiến sĩ khoa 1505. Ông là người sáng tác bài ca trù đầu tiên của văn học Việt Nam: “Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào” để hát trong những ngày hội làng. Nhưng sau vì bất đồng với cường hào ở làng, ông dời sang xã Dưỡng Hối, huyện Yên Lãng (tỉnh Vĩnh Phúc, nay thuộc Hà Nội).

Làng Đông Ngạc - làng Vẽ, một làng khoa bảng đặc sắc trong lịch sử Việt Nam. Phát huy truyền thống vẻ vang đó, trong thời đại Hồ Chí Minh, Đông Ngạc có hơn 50 tiến sĩ và nhiều kỹ sư, cử nhân có mặt ở hầu hết các vùng và tỉnh của đất nước. Các dòng họ Phan, Đỗ, Nguyễn, Phạm, Hoàng, Lê... của làng Vẽ có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng Vẽ đã có trên một trăm hai mươi người con đã hy sinh cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc.

Ngày nay, làng Đông Ngạc - làng Vẽ, trong đề 6 ngõ gọi là 4 xóm: ngõ Đông (1), ngõ Ngác (2), ngõ Vẽ (3), ngõ Trung (4), ngõ Ngấn (4b), ngõ Chùa (4c). Ngoài đê 7 khu gọi là 2 xóm: Lò Nồi - Vườn - Vạn (5a), Hàng Quang - Thượng - Hạ - Trung khu (5b). Ấp ông Đông Phố ở trong đê, mới lập ra sau vụ lụt năm 1915 là xóm thứ 6. Địa bàn làng Vẽ trải rộng cả trong đê và ngoài đê. Nghề nông và nghề thủ công tiếp tục phát triển (có nghề không phù hợp bị lùi, nhưng có nghề lại tăng tiến). Trong địa bàn đã hình thành nhiều nhà máy, công ty thuộc ngành cầu đường, bê tông đúc sẵn, cơ điện..., trường Đại học Mỏ - địa chất, trường Đại học Tài chính... tất cả đang làm cho làng Vẽ xưa thay đổi lớn, thu hút nhiều nhân lực và nâng cao dân trí cho quê hương, cùng tiến nhanh trong sự nghiệp đổi mới - công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bài liên quan
  • Đình Cống Xuyên
    Đình Cống Xuyên (xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội) là một công trình kiến trúc cổ bề thế, khang trang có tiếng trong vùng. Đầu thế kỷ XIX, làng Cống Xuyên có tên là Trương Xuyên, thuộc tổng Đông Cứu, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng.
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Bế mạc Liên hoan sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất năm 2024
    Ban Tổ chức đã trao 7 giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc; 25 Huy chương Vàng cá nhân, 37 Huy chương Bạc cá nhân; 4 Huy chương Vàng vở diễn, 3 Huy chương Bạc vở diễn.
  • Chiếc ghế mây của cha
    Những ngày mưa to gió lớn, không đi làm nương được, mẹ rủ đám con gái chúng tôi lấy ghế mây ra đầu hè ngồi khâu vá. Bà nội tôi đeo kính lão xỏ kim, bà cười móm mém theo những câu chuyện kể tếu táo của đám trẻ chúng tôi. Chiếc ghế mây phát ra âm thanh kin kít chịu đựng sức nặng cơ thể con người theo những điệu cười khúc khích.
  • Tính đặc thù trong thu hút nhà đầu tư chiến lược giúp Hà Nội vươn tầm
    Thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là mục tiêu xuyên suốt của Thành phố. Đặc biệt, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có các Điều, Khoản thu hút nhà đầu tư chiến lược nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển Hà Nội.
  • Sôi nổi cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc quận Tây Hồ
    Bác Hồ từng nói “Đọc sách là nguồn tri thức bất diệt của nhân loại và có giá trị trường tồn theo thời gian”. Nhằm thực hiện theo lời Bác để phát triển sâu rộng và nâng cao văn hóa đọc tại Việt Nam. Sáng 20/5, các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn quận Tây Hồ tổ chức cuộc thi đại sứ văn hoá đọc 2024 với chủ đề “Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
  • Việt Nam đứng đầu danh sách lựa chọn du lịch của người Ấn Độ
    Trang livemint.com đã có bài viết khẳng định thị trường du lịch Ấn Độ đang diễn ra sôi động, đặc biệt tỷ lệ người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài đã tăng đột biến thời gian gần đây, trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến quốc tế được ưa chuộng.
  • Quận Thanh Xuân tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính năm 2024
    Nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (CCHC), chỉ số hài lòng (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI), UBND quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, giải pháp CCHC quận Thanh Xuân năm 2024.
  • “Phá băng” quy định "chung chung" để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
    Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ VH-TT&DL chủ trì xây dựng, dự kiến được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sắp tới. Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa được kỳ vọng sẽ “phá băng” các quy định chung chung của Luật hiện hành để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
  • Thăm di tích núi Bân- nơi từng an táng thân mẫu Bác Hồ ở Cố đô Huế
    Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng được an táng ở triền núi Bân (phường An Tây, TP Huế) từ năm 1901-1922 và hiện nay là Di tích lịch sử cấp tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • [Podcast] Truyện ngắn Hố băng
    Huỳnh Trong Khang được biết đến là cây bút tài năng thuộc thế hệ 9x và là một trong những tác giả trẻ đầy triển vọng. Ngay từ khi xuất hiện trên văn đàm 2016 cây bút trẻ quê gốc An Giang Huỳnh Trọng Khang đã gây ấn tượng với chất văn chương già hơn so với tuổi, cái già trong văn chương của Khang được thể hiện rõ nét trong từng tầng nghĩa. Hầu hết các tác phẩm của Khang mang đến cho bạn đọc mênh mang chữ, sâu thẳm nghĩa.
  • Lấp khoảng trống phát sinh, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam
    Sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật được các chuyên gia đánh giá rất cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội. Quá trình xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ VH-TT&DL cũng đã chỉ ra một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Làng khoa bảng Đông Ngạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO