Miếu Cốc, chùa Anh Linh
Miếu Cốc, chùa Anh Linh nằm trên địa phận thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Thời Nguyễn (đời vua Duy Tân 1907-1916) thôn Phú Mỹ đổi thành xã Phú Mỹ, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Sau Cách mạng tháng Tám (1945) xã Phú Mỹ cùng với xã Ngọc Than lập thành xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Ngày nay, thuộc thành phố Hà Nội.
Miếu Cốc và chùa Anh Linh cách trung tâm Hà Nội khoảng 23km về phía tây. Từ Hà Nội theo đường cao tốc Láng - Hoà Lạc qua thị trấn Quốc Oai, rẽ trái theo đường liên xã 2km, qua trụ sở UBND xã Ngọc Mỹ khoảng 200m là tới di tích.
Miếu Cốc toạ lạc ở giữa làng Phú Mỹ, mặt bằng kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” gồm Đại bái và Hậu cung. Đại bái là một toà nhà ba gian hai chái với bốn mái đao cong, phía trên bờ nóc đắp hai long thủ và hổ phù cách điệu. Đại bái có kết cấu bốn hàng chân cột, với sáu bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ. Hậu cung là hai gian nhà dọc với kiến trúc in đậm dấu ấn thời Nguyễn. Sự đặc sắc của Hậu cung, tập trung chủ yếu ở đồ thờ tự, trong đó nổi bật nhất là bộ khám lửng.
Căn cứ theo Ngọc phả và tấm mộc bản lưu giữ tại di tích, thì miếu Cốc thờ Tiên Nga thánh mẫu. Theo truyền thuyết, thánh mẫu vốn là công chúa thứ tám mang danh họ Vũ, huý là Hiền Dung thời Hùng Vương. Trong sâu thẳm ký ức của nhân dân, thánh mẫu Tiên Nga chính là người có công truyền dạy nghề làm nón cho dân làng. Trải qua hàng trăm năm, người dân Phú Mỹ vẫn bảo tồn và phát huy nghề nón trở thành một nghề truyền thống làm rạng danh quê hương, đồng thời cũng là để tri ân công đức bao la của đức Thánh mẫu.
Lễ hội truyền thống ở Miếu Cốc làng Phú Mỹ được diễn ra vào các ngày 10, 11, 12 tháng mười một hằng năm, trong đó ngày 12 là chính hội. Hiện vật còn lưu giữ được tại di tích khá phong phú với 02 tấm mộc bản, 2 bát hương, 3 mâm bồng, 1 đạo sắc phong thời Nguyễn. Ngoài ra, còn 1 tấm bia hậu, 1 mũ thần, 2 hương án... và một số di vật khác.
Chùa Anh Linh (Anh Linh tự) toạ lạc tại xóm Cốc (một trong 6 xóm của làng Phú Mỹ).
Trải qua thời gian, ngôi chùa đã được tu sửa nhiều lần vào thời Lê (1740) và thời Nguyễn. Trong kháng chiến chống Pháp ngôi chùa đã bị tàn phá nặng nề, nhưng với lòng thành kính, người dân nơi đây đang từng bước phục dựng lại các hạng mục công trình.
Chùa Anh Linh có mặt bằng, bố cục kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, bao gồm: Tam quan, nhà chuông, nhà bia, Tiền đường, Thượng điện, nhà khách và nhà Tổ.
Tam quan là hạng mục nhỏ, kết cấu theo kiểu thượng gia hạ môn gồm bốn đầu đao cong và hai đầu kìm trên bờ nóc, phía dưới là tên chữ của chùa. Tiền đường là đơn nguyên kiến trúc có kết cấu ba gian, hai mái tường hồi bít đốc tay ngai, lợp ngói ri. Thượng điện gồm hai gian nhà dọc với hệ thống hoành, xà và các bộ vì chủ yếu là bào trơn đóng bén.
Hệ thống tượng Phật tại di tích khá đầy đủ, với các lớp như: Tam thế, Di Đà Tam Tôn, Quan Âm chuẩn đề, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng và toà Cửu long mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Chùa Anh Linh còn lưu giữ được các di vật như: 2 quả chuông đồng (trong đó, quả chuông Anh Linh tự chung có niên đại 1907), 1 bia hậu, 1 bát hương, 1 đôi lục bình cùng một số di vật khác....
Miếu Cốc và chùa Anh Linh đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ năm 2008./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01