Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phủ Chủ tịch, Nhà sàn, Lăng...)
Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phủ Chủ tịch, Nhà sàn, Lăng...) thuộc đường Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội.
Phủ Chủ tịch
Đó là toà nhà 4 tầng nhìn ra đường Hùng Vương được xây dựng từ năm 1901 đến 1906. Thời Pháp thuộc đây là nơi ở và làm việc của Toàn quyền Pháp ở Đông Dương, vì vậy từng có tên là Phủ Toàn quyền.
Hiện nay, toà nhà là nơi các vị đứng đầu nhà nước ta tiếp đón các đoàn khách quan trọng nước ngoài, cũng là nơi đại sứ các nước trình quốc thư.
Kỳ họp thứ 4 của quốc hội khoá I (3/1955) đã họp tại đây. Cũng tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều cuộc họp của Hội đồng Chính phủ.
Ngày 16/10/1954, sau chín năm trường kỳ gian khổ từ chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức về Ba Đình. Người từ chối không ở ngôi nhà Phủ Toàn quyền sang đẹp và đầy đủ tiện nghi và coi đó là một phần thành quả cách mạng của toàn dân chỉ để dành tiếp khách Nhà nước, nơi họp Chính phủ, nơi gặp gỡ đồng bào, đại biểu các tầng lớp nhân dân, chỗ vui chơi cho các cháu thiếu nhi. Tự xem xét, Bác đã chọn ngôi nhà một tầng, 3 phòng với tổng diện tích khoảng 100m’, vốn là nơi trực diện của những người phục vụ Phủ Toàn quyền trước đây để làm nơi ở và làm việc hàng ngày của mình.
Ngày 19/5/1975, Phủ Chủ tịch đã được Bộ Văn hoá công nhận là một trong những di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà sàn Bác Hồ
Tháng 5 năm 1958, ngôi nhà sàn bằng gỗ được thiết kế và xây dựng theo ý tưởng của Bác trên nền phần đất vốn đầy cỏ lau xưa. Nhà có 2 tầng kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc ở chiến khu xưa với diện tích gần 40m mỗi tầng. Tầng dưới chỉ là một không gian mở có bàn để Bác tiếp khách hoặc hội họp với các đồng chí trong Bộ Chính trị. Một số cán bộ, chiến sĩ trong đó có đoàn cán bộ anh hùng các lực lượng vũ trang miền Nam đã được Bác Hồ tiếp thân mật tại đây. Tầng trên chia làm hai phòng nhỏ, mỗi phòng chỉ hơn 10m, một là phòng làm việc, một là phòng ngủ. Bác đã chuyển nơi ở của mình sang nhà sàn trong dịp tròn 68 tuổi.
Nhà sàn cùng với vườn cây, ao cá và lăng Bác Hồ là những địa chỉ thân quen đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nhà sàn nằm ở phía cuối con “Đường Xoài” trong một vườn cây xanh mát có hàng râm bụt hoa đỏ thắm xung quanh; phía trước là ao cá, phía sau có cây vú sữa do đoàn cán bộ miền Nam tập kết biếu Bác từ năm 1955.
Các đồ vật trong phòng ở và làm việc của Bác đều rất đơn sơ giản dị. “Tài sản” Bác có nhiều nhất trong ngôi nhà này là sách. Trên giá sách được làm liền với vách ngăn phòng làm việc và buồng ngủ của Bác, bên cạnh những tập sách báo, tư liệu về lý luận và thực tiễn cách mạng là những tập sách “Người tốt việc tốt” của các ngành. Bác thường đọc và kịp thời biểu dương những gương tốt, khuyến khích mọi người cùng học tập. Trên bàn làm việc hiện còn những tập sách “Người tốt việc tốt” Bác đang xem dở. Trong nhà sàn còn có những hiện vật đã gắn bó mật thiết với cuộc đời hoạt động của Bác: Một chiếc máy điện thoại màu xanh Bác làm việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị; hai chiếc máy màu đen Bác làm việc với Cục tác chiến và Binh chủng Phòng không Không quân; một chiếc máy chữ nhỏ là phương tiện để Bác tự tay đánh máy các bài đăng báo và thư khen cho các địa phương; một chiếc ghế mây dài Bác thường nghỉ trưa trên đó và một chiếc mũ Bác vẫn đội khi đi thăm đồng bào và chiến sĩ các nơi.
Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (bao gồm nơi ở, làm việc, nhà sàn...) đã được cấp Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt ngày 12/8/2009.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Công trình xây dựng lăng chính thức khởi công ngày 2/9/1973, trên vị trí của toà lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình, nơi mà mấy chục năm qua Bác Hồ đã từng chủ toạ các cuộc mít tinh lớn, và ngày 21/8/1978 làm lễ khánh thành lăng.
Lăng gồm ba lớp với chiều cao 21,6m. Lớp dưới tạo dáng bậc thêm tam cấp, cấp dưới bậc thềm là lễ đài dành cho Đoàn Chủ tịch các mít tinh tổ chức ở Quảng trường. Lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng Thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, nhìn từ bề mặt nào cũng thấy năm khoảng đều nhau gợi nhớ ngôi nhà năm gian quen thuộc của mọi miền quê ta. Lớp trên cùng là mái lăng cũng hình tam cấp.
Ở mặt chính có dòng chữ: Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá hồng ngọc màu mận chín.
Khi bước vào phòng ngoài, ta thấy óng ánh trên đường đá hoa cương màu đỏ sẫm hàng chữ vàng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, ở dưới là dòng chữ ký quen thuộc của Bác. Lên cầu thang là tới nơi Bác an nghỉ. Trên nền tường ốp đá trắng gắn nối hình cờ Quốc kỳ búa liềm. Đài hoa - trên đó đặt hòm kính thi hài Bác - được ghép bằng đá đen huyền lấp lánh muôn ngàn hạt sáng. Cách bố trí lối đi từ ba phía cho phép nhiều người được vào viếng Bác cùng lúc. Qua lớp kính trong suốt, Bác như vừa ngả lưng chợp mắt trong chốc lát. Vẫn bộ quần áo ka ki bạc màu, dưới chân Bác vẫn là đôi dép cao su giản dị.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi an nghỉ vĩnh hằng của người, là biểu tượng đời đời lòng tôn kính và biết ơn vô hạn của dân tộc Việt Nam đối với vị lãnh tụ của mình.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01