Đình Cát Bi
Thôn Cát Bi, xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên hiện tồn cụm di tích đình và chùa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Theo thần tích và truyền thuyết dân gian thì đình Cát Bi thờ hai vị Lạc tướng thời Hùng Vương thứ 18, có tên là Trưởng Công và Khanh Công. Hai vị lúc thiếu thời đã theo Tản Viên Sơn Thánh giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc giữ gìn bờ cõi nước Văn Lang, trấn giữ các đầu sông và cửa bể. Đồng thời, hai vị cùng với nhân dân phòng chống lụt bão, bảo vệ mùa màng, có công khai hoá mảnh đất Cát Bi ngay từ những ngày đầu.
Theo “Đại Nam nhất thống chỉ", dòng sông Nhuệ có nhánh chảy về Duy Tiên, gọi là Ngã Ba Vàng, nhánh nữa chảy qua Thái Đường (thuộc xã Vạn Thái, huyện Ứng Hoà) rồi qua kênh Phương Đình đến ngã ba Ba Sa (thuộc xã Minh Đức, huyện Ứng Hoà), chuyển sang ngã ba sông Lương. Bên bờ của ngã ba sông Lương, xưa ngài Trưởng Công đã lập hành cung tại đây. Khi ngài hoá, nhân dân đã lập đền thờ ngài, có tên gọi là đền Ba Lương. Đình Cát Bi là nơi thờ vọng ngài cùng với Khanh Công đại vương.
Về kiến trúc của ngôi đình, nhìn tổng thể đình kết cấu kiểu chữ “đinh” với hai toà Đại bái và Hậu cung. Điểm chú ý tại toà Đại bái là các bộ vi được làm thống nhất theo kiểu “Thượng giá chiêng rường nách, hạ côn mề”, gần với kiến trúc dân gian thờ các vị khoa bảng trong vùng. Nối hai đầu cột cái là thượng lương to, khoẻ theo kỹ thuật xẻ họng đầu cột, trên thượng lương là hai trụ trốn đỡ giá chiêng, thân trụ trốn có các con rường ăn mộng, đầu kia các con rường vươn ra đỡ hoành mái thượng. Nối cột cái với cột quân là một xà nách, trên xà là các bức cốn được chạm khắc công phu, tỉ mỉ các tích long cuốn thuỷ, các tứ linh (long, ly, quy, phượng). Các mảng chạm này phản ánh ước vọng của người dân, cầu mong cho mưa thuận, gió hoà để mùa màng được tươi tốt; đồng thời đây cũng là các tác phẩm nghệ thuật phản ánh trình độ kỹ thuật, thẩm mỹ và óc sáng tạo của nghệ nhân xưa.
Tại thượng lương của toà Đại bái hiện còn dòng chữ Hán cho biết thời gian ngôi đình được tu sửa là năm Minh Mệnh thứ 18 (1837). Điều đó chứng tỏ ngôi đình luôn nhận được sự quan tâm, hằng sản của người dân trong việc duy tu và bảo vệ ngôi đình chung của làng. Ngoài ra đình còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị như: cuốn thần phả, 11 đạo sắc phong, các câu đối và các đồ tế khí khác.
Đình Cát Bi đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01