Đình quay hướng đông bắc, đây là hướng ngược theo nguyên lý phong thuỷ, song người xưa đã dựng ngôi đình này lấy tiêu điểm là dòng sông Nhuệ chảy từ trái qua phải theo thế “hồi long có thuỷ”. Đình Dư Dụ khởi dựng vào triều Lê, khoảng cuối thế kỷ XVIII. Theo dân làng kể lại, đây là một ngôi đình đồ sộ được tu sửa vào thời Cảnh Hưng (1740 - 1786). Đầu thế kỷ XIX, đình lại được tu sửa và bổ sung nhiều hiện vật quý như đôi hạc thế kỷ XVIII. Song, dấu ấn tu sửa lớn còn in đậm vào thế kỷ XX đã chuyển từ dạng thức kiến trúc từ 5 gian 2 chái với 4 mái đao cong thành 5 gian 2 chái tường hồi bít đốc. Hệ thống cột khá lớn, cửa bức bàn bằng gỗ vuông vức, bưng ván. Các bộ vì được làm theo kiểu “giá chiêng, cột trốn”. Đầu cột cái được xẻ ngậm quá giang và xà. Trang trí được tập trung vào các bức cổn mê ở gian giữa và 1/2 giá chống ở gian bên. Tại đây còn có dấu ấn kiến trúc thế kỷ XVII, tại hai cốn ngay sát gian giữa phía trong với rường có đao móc, mũi vát rất mạnh. Nghệ thuật thế kỷ XIX được tập trung ở cửa võng có khắc 4 chữ Hán: “Thánh cung vạn tuế”.
Những bức cốn đầu thế kỷ XX là các tích long cuốn thuỷ, tam sư hý cầu. Đáng quan tâm là các hình lá, vân xoắn cách điệu trang trí trên thần bên cửa quá giang và xà nách. Trong những hiện vật còn lại chuyển tải nhiều giá trị như bộ bát bửu tạc hình Bát quá hải, trên hương án mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX mang yếu tố dịch học của Nho giáo. Ngoài ra, những hương án khác cũng chạm vòng tròn tượng trưng cho trời, hiện thân của thánh, cặp rùa phía dưới là cặp phạm trù thiếu dương và thiếu âm, hai góc có phượng hàm thư và long mã, đó là thái công và thiếu dương. Như vậy, mặt hương án biểu hiện cho Thái cực với Lưỡng nghỉ mang đậm nét tâm linh ít gặp ở những ngôi đình khác.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01