Đình An Hoà, thuộc thôn An Hoà, phường Yên Hoà. An Hoà thời Nguyễn thuộc xã Yên Hoà, tổng Dịch Vọng, phủ Quốc Oai, là một địa danh có nhiều di tích lịch sử văn hoá. Thời Lý thế kỷ XI khu vực này nằm trong trung tâm Phật giáo lớn ở phía tây kinh thành Thăng Long. Nhiều quý tộc của triều Lý đã xây dựng dinh thự ở đây như: Diên Thành Hầu, Sùng Hiền Hậu (phụ thân của vua Lý Thần Tông). Những thế kỷ sau, An Hoà giữ vị trí quan trọng - nơi địa đầu cửa ngõ phía tây của Thủ đô - nơi tiếp giáp nội thành và ngoại thành từ rất lâu đời.
Thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chiếm thành Hà Nội, dân làng An Hoà đã cùng quân sĩ kháng chiến tham gia hai trận chiến lớn ở Cầu Giấy, dưới sự chỉ huy của Hoàng Kế Viêm, tiêu diệt hai cánh quân chủ lực của giặc Pháp và giết chết hai tên tổng chỉ huy quân Pháp ở Bắc kỳ là Fơrăng Xigácniê (21/12/1873) và HenRierơ (19/5/1883). Yên Hoà là vùng đất địa linh nhân kiệt, người dân nơi đây có truyền thống yêu nước, cần cù lao động sáng tạo. Từ xa xưa miền quê Yên Hoà đã nổi danh kinh thành Thăng Long với truyền thống hiếu học, khoa bảng. Vì thế mà khắp mọi làng quê ở kinh thành Thăng Long người dân đều nhớ câu ca:
Mỗ, La, Canh, Cót tử danh hương.
Đình An Hoà phụng thờ các vị phúc thần có công với đất nước và với người dân làng An Hoà đó là thần Bạch Hạc Tam Giang và vua Lý Thần Tông. Hai nhân vật này gắn bó mật thiết với dân cư và làng xóm. Vua Lý Thần Tông có tên huý là Dương Hoán cháu gọi Thánh Tông bằng ông, cháu gọi Nhân Tông bằng bác, là con Sùng Hiền hầu và phu nhân Đỗ Thị vốn chào đời ở đất An Hoà này. Do có nhiều công đức với nước với dân, Lý Thần Tông được dân làng An Hoà phụng thờ làm Thành hoàng làng, các vương triều quân chủ ban tặng sắc phong làm “Bảo hộ phương độ hiển tôn Thành hoàng chỉ thần”.
Đặc biệt, đạo sắc phong niên hiệu Khải Định còn lưu tại đình đã ghi rõ niên hiệu của thần “Dự bảo Trung hưng Lý Thần Tông hoàng đế”. Các vị này đã trở thành Thành hoàng làng và sống mãi trong lòng người dân An Hoà.
Trong lễ hội đình An Hoà có nghỉ lễ rước kiệu thánh và tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: cờ người, trọi gà, hát thờ cửa đình và các hoạt động văn hoá, thể thao khác.
Giá trị của đình An Hoà còn được thể hiện ở những di vật. Trước hết phải kể đến cuốn thần tích chữ Hán, 14 đạo sắc phong thần, trong đó sắc sớm nhất có niên hiệu Cảnh Hưng 29 (1767), muộn nhất niên hiệu Khải Định 9 (1924); một cỗ kiệu long đình sơn son thếp vàng nghệ thuật thế kỷ XIX; hai cỗ kiệu bát cống thời Nguyễn; hai cỗ long ngại bài vị chạm rồng nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX. Đây là những tác phẩm nghệ thuật được trang trí bằng nghệ thuật chạm thủng rất công phu, tinh xảo. Nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là những giá trị phi vật thể ẩn tàng trong nội dung các sắc phong, đại tự, hoành phi, câu đối. Nội dung của những chữ được thể hiện trên các di vật này đều tập trung ca ngợi cảnh đẹp, đất thiêng, nơi ngôi đình toạ lạc, công trạng, đức độ của các vị thần được thờ.
Đình An Hoà đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử. kiến trúc nghệ thuật năm 1994.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01