Nghè Châu Phong
Nghè Châu Phong thuộc thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội, là địa danh gắn liền với lịch sử dựng nước thời An Dương Vương Thục Phán. Châu Phong còn có tên nôm là làng Quậy và là một trong ba làng Quậy: Quậy cả (Đại Vĩ), Quậy Rào (Giao Tác), còn Châu Phong là Quậy Sau. Ba làng Quậy có tên chữ là Hà Vĩ, trước Cách mạng tháng Tám, Hà Vĩ thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Lịch sử xây dựng và phát triển của Châu Phong có liên quan mật thiết đến việc xây thành ốc Cổ Loa với truyền thuyết vua Chủ di dân ở Cổ Loa đến vùng đất mới và cứ đến ngày 6 tháng giêng, dân làng Quậy lại về yết kiến tại đền Thượng Cổ Loa và được tôn vinh là “anh cả Quậy” được tế lễ đầu tiên ở lễ hội. Thành hoàng 3 làng Quậy thờ 5 vị: Thuỷ Hải Đăng Giang, Khổng Chúng tướng thời Hai Bà Trưng, Thánh Tam Giang thời Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương của nước Vạn Xuân và Đông Hải đại vương thời Lý - Trần.
Cuốn thần tích bằng chữ Hán còn lưu giữ tại di tích cho biết ba vị Thành hoàng thời Hai Bà Trưng là Thuỷ Hải - Đăng Giang và Khổng Chúng là những tướng tài, anh hùng hào kiệt theo Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Hán thu phục non sông và đã hy sinh anh dũng trong trận chiến không cân sức. Các ông đã để lại tấm gương trung liệt cho con cháu ngày nay. Thành hoàng Tam Giang - Trương Hống đã theo Lý Bí đánh đuổi giặc Lương giành lại độc lập tự chủ cho đất nước. Thành hoàng Đông Hải đại vương là tướng quân có công với triều Lý trong một giai đoạn lịch sử chuyển giao giữa nhà Lý và nhà Trần. Dù ở triều đại nào thì ông cũng là tấm gương trung với nước. Khi mất được nhân dân làng Quậy thờ phụng.
Nghè Châu Phong là di tích tôn giáo tín ngưỡng được xây dựng từ lâu đời. Trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, nghè Châu Phong còn giữ kiến trúc đến ngày nay mang đậm phong cách thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX.
Toạ lạc trên khu đất thoáng rộng ngay đầu làng, với mái đao cong truyền thống nằm ẩn mình dưới tán lá cây cổ thụ, nghè Châu Phong với kiến trúc vừa phải nhưng trau chuối đẹp mắt với bờ nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt, lân chầu bờ dải, đao uốn cong thanh thoát cân xứng. Trang trí trên mái tạo sự bề thế uy nghiêm song vẫn có dáng mềm mại, uyển chuyển cho kiến trúc.
Trên thân xà, kẻ và câu đầu trang trí các hoạ tiết hoa văn lá cúc, trang trí đề tài cúc lão hoá long, vân mây chấm sóng, hình triện ở đấu kê. Đầu dư đặc tả rồng ngậm ngọc. Hai đầu nghé bẩy ở 2 vì trung tâm phía trước được chạm khắc thành 2 đầu rồng trau chuốt cầu kỳ. Đặc biệt ở các bức cốn được chạm khắc cả ở 2 mặt trong và ngoài, trước và sau 2 vì trung tâm cốn có các đề tài miêu tả hệ tứ linh, lân hoá hí cầu, phượng vờn mây, hàm thư, long hoá. Các bức còn bố trí từng cặp cân xứng nhau hình chạm nổi phong phú về đề tài và cách thể hiện được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Các mảng chạm nghệ thuật thể hiện rõ tài khéo léo của các nghệ nhân ở làng nghề Châu Phong và các địa phương khác hội tụ đến.
Trong di tích còn lưu giữ nhiều di vật quý như 2 cuốn thần tích, 42 đạo sắc phong trong đó sớm nhất là sắc Cảnh Hưng thứ 44 (1783) và đạo sắc có niên đại Quang Trung thứ 5 (1793); ngoài ra còn có di vật khác như hệ thống hoành phi, câu đối, kiệu bát cống, gươm thờ, lỗ bộ, hạc, ngựa...
Có thể nói nghè Châu Phong là một công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng nổi bật đặc biệt là về mặt lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Mảnh đất Châu Phong - ba làng Quậy có sự gắn bó mật thiết với khu di tích lịch sử Cổ Loa bởi truyền tích vua Thục di dân lấy đất xây thành và là một trong những cứ liệu góp phần minh chứng cho giai đoạn lịch sử Cổ Loa và nhà nước Âu Lạc. Thành hoàng ở Châu Phong phụng thờ đều là các nhân vật được lịch sử ghi nhận. Đặc biệt 3 vị Thành hoàng là tướng thời Hai Bà Trưng đã sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền non sông đất nước.
Nghè Châu Phong đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật năm 2003.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01