Đình Đông Bình (huyện Mỹ Đức)
Đình Đông Bình thuộc thôn Đông Bình. Đầu thế kỷ XIX, Đông Bình có tên là trang Đống Mạt thuộc huyện Hoài An, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Sau đó đổi thành xã Đông Bình, tổng Trinh Tiết, phủ Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc thành phố Hà Nội.
Đình Đông Bình ở trên đất cao đẹp ở đầu làng, trông về hướng tây bắc. Nghi môn được làm theo kiểu trụ biểu với ba lối đi. Hai bên lối đi chính là hai trụ biểu. Trên đỉnh trụ biểu là hình tứ phượng dưới dạng lá lật. Dưới bốn phượng là hệ thống mui luyện đắp 4 mặt hố phù ở cạnh góc. Tiếp đến là ô lồng đèn đắp nổi tứ linh. Thân trụ có đắp các câu đối bằng chữ Hán. Cuối cùng của trụ là phần đế dạng hình trái găng. Vào bên trong, qua một khoảng sân rộng là tới toà Đại bái, hai bên là toà nhà Tả - Hữu mạc được làm theo kiểu tường hồi bít đốc. Kết cấu kiến trúc đơn giản, mái lợp ngói ri bản mỏng, bờ nóc đắp bờ đinh. Đại bái làm theo kiểu tường hồi bít đốc với hai tầng ba mái lợp ngói ri. Chính giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu bờ nóc là hai đấu xây bằng với vữa. Đình Đông Bình không có Hậu cung, nên việc thờ phụng được thực hiện ngay tại Đại bái. Mặt tiền Đại bái được mở ra một bán mái (mái hạ) tạo thành gian tiền sảnh để lấy không gian rộng lớn cho đình.
Đình thờ vị Thành hoàng làng là Quảng Trình đại vương, vị thần có công với dân, với nước, thời Trần Nghệ Tông (1370 - 1372), có gia đình họ Cao tên Bảng, vợ là Nguyễn Thị Chiêu. Gia cảnh nghèo khổ, chỉ chuyên lấy nghề kiếm củi qua ngày. Vào một đêm nọ, bà Nguyễn mộng thấy một bà lão ban cho đứa trẻ. Đến ngày 12 tháng hai năm Quý Mùi, bà sinh hạ được một người con trai, mặt mũi khôi ngô, đặt tên là Trình. Đến khi trưởng thành lại giỏi võ nghệ. Năm 21 tuổi thì cha mẹ qua đời. Bấy giờ có giặc Cao Man nổi loạn, nhà vua hạ chiếu mời ông và phong cho ông làm Thống chế Thượng tướng quân. Đất nước trở lại thanh bình, nhà vua phong cho ông là Thượng thư Bộ Hình. Một hôm, ông đến trang Đồng Mạt thấy nơi đây sơn thuỷ hữu tình, phong tục thuần hậu, ông ở lại dạy bảo, khuyến khích nhân dân làm ruộng, nuôi tằm. Năm 60 tuổi, ngày 12 tháng sáu, ông hoá.
Đình Đông Bình hiện còn lưu giữ được khá nhiều di vật, gồm: 1 bài vị thời Nguyễn có kích thước cao 104cm, rộng 35cm; 1 hương án thời Nguyễn, cao 54cm, rộng 36cm (hương án được chia thành ô, trang trí hoa dây, vân xoắn); 1 choé sứ thời Nguyễn, 1 cuốn thần phả, 3 đạo sắc.
Hội truyền thống ở Đông Bình được tổ chức vào các kỳ trong năm: ngày 12 tháng sáu (ngày Thánh hoá); ngày 12 tháng mười một (ngày Thánh hiện); ngày 12 tháng hai (ngày sinh Thánh). Ngoài ra còn tế lễ vào các ngày tết Nguyên đán, mùng 7 tết.
Đình Đông Bình đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá năm 2003./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01