Đình, chùa Giáp Nhất (quận Thanh Xuân)
Đình và chùa Giáp Nhất hiện nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Từ trung tâm Hà Nội đến Ngã Tư Sở, rẽ phải theo đường Láng, đi khoảng 800m, tới cầu Mọc, qua cầu, rẽ trái khoảng 300m là tới cụm di tích đình, chùa Giáp Nhất.
Nhân chính là vùng đất có tiếng từ xa xưa gọi là Nhân Mục - ngõ tây nam kinh thành Thăng Long.
Đình Giáp Nhất có tên cũ là đình Lý Thôn. Đình thờ Phùng Luông, một vị tướng tài có công giúp Phùng Hưng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược ở thế kỷ VIII. Đình được xây dựng từ lâu, trải qua năm tháng đã biến đổi nhiều. Hiện đình còn một tấm bia “hậu thần” khắc năm 1812 và một tấm bia khắc năm 1892.
Năm 1954, đình dựng lại Hậu cung. Năm 1986, 1990 sửa Hậu cung, Đại bái. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Giáp Nhất là nơi hội họp, nuôi dưỡng cán bộ, và chuyển tiếp thương binh. Đình đã trở thành một di tích cách mạng - kháng chiến của Thủ đô và đã bị giặc Pháp đốt cháy. Ngôi đình hiện nay được dựng trên nền móng cũ, xây theo kiểu chữ “nhị”, phía trước có Nghi môn, trụ biểu, có sân vườn, Đại bái (5 gian) và 3 gian Hậu cung. Toàn bộ khuôn viên được xây tường bao, cùng với cảnh quan ao hồ đã tạo cho ngôi đình vẻ thâm nghiêm cổ kính.
Giáp Nhất cùng với Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc và Phùng Khoang đều là các thành viên của lễ hội cổ truyền 5 làng Mọc. Cứ 5 năm mở hội một lần, mỗi hội Mọc do một làng đăng cai. Từ năm 1992, lễ hội được mở lại, lần đầu do Giáp Nhất đăng cai. Lễ hội thể hiện tính cộng đồng giữa các làng, tôn vinh các tài năng văn hoá, thể dục thể thao. Ngày khai hội, các làng rước Thánh lễ tại đình làng mình rồi rước tới đình làng đăng cai, đặc sắc nhất là tiết mục “kiệu bay” với lối múa tạt ngang, tạt dọc, thoắt tới thoắt lui, chạy ào ào như bão tố, quay vòng như cơn lốc, hết sức thú vị.
Câu ca xưa đã ăn sâu vào tiềm thức nhân dân Kẻ Mọc:
“Làng Mọc mở hội tháng hai
Rước hôm 11, 12 rõ ràng
Nhất vui mở hội 5 làng
Để cho thiên hạ, phố phường vào xem”
Chùa Giáp Nhất có kiến trúc chùa gồm Tiền đường và Thượng điện, nhà Tổ, khuôn viên rộng rãi nhiều cây xanh. Tương truyền chùa Giáp Nhất được xây dựng từ khá sớm, nhưng đã bị huỷ hoại do thời gian và chiến tranh. Hệ thống tượng Phật mới được tạo tác lại năm Tân Tỵ (1941). Chùa còn giữ được tấm bia khắc năm Nhâm Thìn 1892 đời vua Thành Thái thứ tư, ghi việc trùng tu chùa. Những năm đầu thế kỷ XXI, bằng nguồn kinh phí xã hội hoá, chùa Giáp Nhất là được dựng lại nhà Tổ, nhà Mẫu. Năm 2006 - 2007, chùa đã được Nhà nước đầu tư tu bổ tôn tạo lại Tam bảo theo nền móng cũ.
Đình và chùa Giáp Nhất đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01