Đình Giáp Bốn (huyện Mỹ Đức)
Đình Giáp Bốn, thuộc thôn Giáp Bốn, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức. Đình ở giữa làng, quay hướng tây nam.
Đình gồm có hai toà nằm song song sát vào nhau đó là Đại bái và Hậu cung. Toà Đại bái đình gồm 5 gian 2 chái bốn mái chảy lợp ngói ri cổ. Từ sân lên qua ba bậc là ta bước vào hành lang đình. Hành lang đình được làm chạy quanh ba mặt phía trước với chiều rộng 1,5m. Vào bên trong kết cấu các bộ vì của đình được làm đơn giản theo kiểu “kèo kẻ” thiên về độ bền chắc. Mọi hoa văn trang trí chủ yếu tập trung vào hệ thống hiện vật rất phong phú còn được lưu giữ trong đình. Hiện vật tiêu biểu nhất đó là bộ long ngai bài vị thời Nguyễn được chạm khắc và hoạ tiết trang trí hết sức tinh tế và cầu kỳ. Cỗ ngai được chia làm 3 tầng trang trí như 3 mặt sập chồng lên nhau. Ở tầng dưới cùng được trang trí đơn giản nhất làm theo kiểu 4 chân quỳ và đường diềm hoa dây chạy xung quanh. Tầng thứ hai ở phía bốn góc có thể hiện hình 4 đầu rồng phô ra trông rất sinh động và quyền uy. Ở tầng ba phần cổ được chia ra làm 3 ô, hai ô hai bên là hai con long mã còn ở giữa là hình hổ phù cách điệu. Trên cùng là hệ thống tay ngai cũng được tạo tác hình đầu 2 con rồng miệng rộng, mũi hếch.
Đình Giáp Bốn thờ vị Thành hoàng Cao Sơn thời Hùng Vương thứ 18. Đây là một trong ba vị Thượng đẳng phúc thần Tản Viên Sơn Thánh.
Đình Giáp Bốn còn lưu giữ được:1 bộ long ngai, bài vị thời Nguyễn, 1 hòm sắc; 2 bát hương sứ thời Nguyễn; 1 chân bát hương bằng đồng, có niên đại thời Nguyễn; 1 chân bát hương làm bằng gỗ theo kiểu chân quỳ có 4 tai vút cao chạm khắc hình rồng, có niên đại thời Nguyễn;1 đĩa men sứ trắng rạn có niên đại vào thế kỷ XIX; 9 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến.
Lễ hội làng Giáp Bốn tổ chức vào ngày 9, 10 và ngày 11 tháng 2 âm lịch. Đình Giáp Bốn đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 2003./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01