Đình Hương Tảo (huyện Phúc Thọ)
Cách trung tâm Thủ đô khoảng 35km về phía tây, di tích đình Hương Tảo thuộc làng Hương Tảo, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội. Từ trung tâm Thủ đô, theo Quốc lộ 32 đi Sơn Tây, qua đập Phùng khoảng 4km, rẽ trái khoảng 1km nữa là tới di tích.
Đình Hương Tảo thờ các vị thần thời Hùng Vương là Chử Đồng Tử, Tiên Dung, đã có công dạy nghề và chữa bệnh cho dân lành, và Triệu Quang Phục có công đánh đuổi giặc Lương thời vua Lý Bí.
Đình được xây dựng trên một thửa đất cao của làng. Đình quay hướng nam, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII. Tổng thể mặt bằng kiến trúc của đình Hương Tảo hình chữ “vương” gồm 3 hạng mục chính: Tiền bái, Đại bái và Hậu cung.
Tiền bái là nơi hành lễ của dân làng mỗi khi vào hội, được làm theo kiểu 1 gian 2 chái lớn, mặt bằng 4 hàng chân. Bộ mái có 4 góc đao cong, bờ nóc, bờ dải đắp bờ đinh, lợp ngói ri cổ. Bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền xà nách, bẩy hiên, hậu.
Đại bái có kết cấu 3 gian, 2 chái lớn, mặt bằng 4 hàng chân cột. Phía trước mở một cửa lớn thông ra Tiền bái qua Ống muống làm nơi hành lễ, hai bên mở hai cửa nhỏ làm lối đi, xung quanh xây gạch đá ong được trổ những ô thoáng nhỏ. Hai con kìm đầu bờ nóc hình con thuỷ quái Makara - linh vật chủ trị nguồn nước của người Việt cổ. Khúc nguỷnh trang trí lân trong tư thế vận động nhìn ra sân đình, 4 góc mái với đầu guột vươn lên kiểu cụm mây tạo hình đầu đao cong. Tương ứng với các gian là 4 bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu thượng giá chiêng kẻ chuyền, hạ bẩy hiên, hậu. Các đồ án trang trí trên đầu dư, kẻ, bẩy với các đề tài: rồng, tứ linh, tứ quý, mây cụm và vân xoắn.
Nối Đại bái và Hậu cung là Ống muống, có kết cấu kiến trúc 2 tầng 4 mái. Bộ vì bên trong áp sát với Hậu cung được làm theo kiểu thượng chồng rường, hạ ván mê.
Hậu cung được làm 2 tầng 8 mái đao cong, 1 gian 2 chái lớn. Bộ mái của tòa Hậu cung được trang trí tương tự như bộ mái của tòa Đại bái. Bên trong, các bộ vì đỡ mái cũng được làm tương tự như Tiền đường và Đại bái. Đặc biệt, tại gian giữa Hậu cung, người xưa làm gác lửng bên trên được cuốn vòm bằng ván bưng, tạo vẻ thâm nghiêm cho không gian thờ Thành hoàng làng.
Đình Hương Tảo hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý: kiệu bát cống, kiệu rước văn chạm rồng, kiệu long đình chạm rồng, bộ đài nước, giá văn chạm rồng... có niên đại từ các thời Hậu Lê, Nguyễn.
Ngoài những ngày lễ tết theo tín ngưỡng dân gian của người Việt, lễ hội đình Hương Tảo được tổ chức 3 ngày, từ ngày mồng 6 đến ngày 9 tháng 2 âm lịch hằng năm, trong đó chính hội vào ngày 7 tháng 2 âm lịch với nhiều trò chơi (đi thuyền bắt vịt, bịt mắt kéo co, thổi cơm thi...) và nghệ thuật diễn xướng dân gian (hát chèo, hát chầu văn, hát ả đào).
Đình Hương Tảo đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây cũ xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2005./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01