Đình Giang Xá (huyện Hoài Đức)
Trước đây, Giang Xá là một xã thuộc tổng Kim Thìa, huyện Hoài Đức, trấn Sơn Tây.
Đình có kết cấu kiến trúc kiểu chữ “đinh”. Phía ngoài là một khoảng sân hẹp với cây si cổ thụ, tiếp đến là giếng vuông. Chính giữa giếng được xây một nhà bia nổi, có cây cầu nhỏ từ gốc cây si bắc sang. Phía sau giếng là 2 trụ biểu mang ý nghĩa như cổng đình. Vào trong sân là dãy Tả, Hữu vu rồi qua khoảng sân khá rộng đến Đại bái. Đại bái đình Giang Xá là ngôi nhà 5 gian thêm 2 chái nhỏ, bộ mái xoè rộng như xà xuống thấp toả về 4 phía, các đầu đao uốn cong mềm mại. Hệ thống cửa được làm theo kiểu “thượng song hạ bản” bên trên là chấn song và bên dưới là ván bưng kín. Vào trong đình, ngoài gian giữa lát gạch để tiện cho việc tế lễ, các gian bên được lắp sàn gỗ ba cấp. Bộ vì bên phải được làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường” trên 6 hàng chân cột. Ngay khi tiếp cận với Đại bái, bộ vì bên trái làm theo kiểu “kẻ chuyền”. Ngoài hiên, các bộ vì đều là kẻ, nên không có đầu bẩy, đuôi kẻ là nghé chạm đầu rồng ngắn. Các đầu dư tại gian giữa và gian bên phải chạm khắc hình rồng rất cầu kỳ, trên xà đùi cạnh cột trốn các gian bên trang trí ngựa và voi, đáng chú ý là phần cốn gian giữa có các con rường chồng khít lên nhau thành cốn mê chạm khắc rồng hổ, mây lửa và nhiều cảnh sinh hoạt của con người sống động mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII.
Hậu cung 3 gian, có cửa võng mang phong cách thời Nguyễn, bên trong đặt long ngai bài vị Thành hoàng làng Lý Nam Đế (544 - 548). Ngài vốn được thờ ở đền, đến ngày hội mới rước về đình. Ngài có tên là Lý Bí, thuở nhỏ đã thông minh dĩnh ngộ, có chí lập nghiệp. Khi lớn lên, nhà Lương cai trị nước ta rất hà khắc, ông đã chiêu mộ quân sĩ và dấy binh đánh giặc mở ra nền độc lập, đặt tên nước là Vạn Xuân. Các bức đại tự trong đình còn ghi: “Vạn Xuân triệu thống” (đặt nền Vạn Xuân), “Thiên Đức kiến nguyên” (mở hiệu Thiên Đức).
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01