Đình Kim Thượng (huyện Sóc Sơn)
Đình Kim Thượng thuộc thôn Kim Lũ Thượng, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Cùng với sự phát triển của văn hoá làng ở Bắc Bộ, giống như nhiều ngôi đình làng ở nước ta, đình Kim Thượng được xây dựng để tôn thờ các vị Thành hoàng làng. Theo thần tích và các văn bản Hán-Nôm để lại ở di tích, cho thấy vị Thành hoàng thứ nhất ở đình Kim Thượng là Quý Minh. Nguồn thư tịch của địa phương lưu lại cho đến ngày nay còn cho biết đình còn thờ vị tướng lĩnh của Hai Bà Trưng là Đống Vĩnh. Vị thành hoàng thứ ba được thờ ở đình Kim Thượng là Đức thánh Tam Giang.
Qua truyền thuyết lưu truyền trong nhân dân, thì ngôi đình Kim Thượng có lịch sử xây dựng từ lâu đời. Đình toạ lạc trên một vùng đất của người Việt cổ, có bề dày đấu tranh dựng nước và giữ nước. Những truyền thống văn hoá tốt đẹp cũng được vun đắp, tích tụ để lại dấu ấn đậm nét trong các di vật cổ như: Bài ký ghi những người hiền tài trên tấm bia hậu 4 mặt tại đình có niên đại Bảo Thái thứ 4 (1723) đời Lê Dụ Tông và hệ thống kiến trúc của đình Kim Thượng có những mảng trạm trổ, trang trí. Điều đặc biệt so với những ngôi làng cổ khác ở đồng bằng Bắc bộ là việc kết nghĩa anh em của hai làng Kim Lũ và Chân Lỗ (Bắc Giang) hơn 400 năm. Đây có lẽ là sự trùng hợp đặc biệt và có giả thuyết ngôi đình được khởi dựng từ thời Lê.
Theo các cụ cao tuổi trong làng thì đình Kim Thượng ban đầu là một tổng thể kiến trúc đồ sộ, hoàn chỉnh. Phía trước là hồ, tiếp đến là hai cột trụ lớn, sau đó là sân rộng dẫn tới kiến trúc bố cục hình chữ “nhị” gồm Tiền đình và Đại đình. Trải qua thời gian và mưa nắng, đình Kim Thượng ngày nay không còn giữ được dáng vẻ cổ xưa, nhưng vẫn là công trình kiến trúc bề thế.
Toàn bộ kiến trúc của ngôi đình được xây dựng trên một mặt bằng rộng (900m). Trước mặt là đường làng và ao lớn với nhiều cây cổ thụ. Khu chính trước là sân đình được lát gạch đỏ Bát Tràng. Mặt bằng kiến trúc được bố cục theo kiểu chữ “đinh”, bao gồm phần Đại đình và Hậu cung.
Toà Đại đình có quy mô kiến trúc lớn bao gồm 7 gian 2 dĩ, mặt bằng chia 10 hàng chân cột khoảng cách giữa cột cái là 3,4m, khoảng cách giữa các cột quân là 2m. Mái dạng 4 mái được lợp ngói mũi hài và ngói ta. Bốn đầu đao cong, trên đạo trang trí 4 con kìm, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh không trang trí, cửa bức bàn ở 3 gian giữa, còn các gian bên là cửa nhỏ làm lối đi ra ngoài.
Từ Đại đình đi vào Hậu cung phía trước là bức cửa vòng sơn son thếp vàng được trang trí lưỡng long chầu nguyệt, vân lá cách điệu, hai bên trang trí một hổ phù và bộ bát bửu.
Toà Hậu cung là một nếp nhà dọc gồm 3 gian được xây dạng đầu hồi, bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói mũi hài, ngói ta, nền lát gạch Bát Tràng. Kết kấu kiến trúc vì kèo quá giang bào trơn đóng bén không trang trí, trước cửa Hậu cung có 4 chữ Hán lớn “Thánh cung vạn tuế”.
Những di vật còn lưu giữ được ở đình Kim Thượng không phong phú về số lượng song đều mang giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật, điển hình là tấm bia trụ 4 mặt niên hiệu Bảo Thái + (1723) đời Lê Dụ Tông và quả chuông đồng niên hiệu Minh Mệnh thứ 20 (1839).
Đình Kim Thượng đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2003./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01