Đình Lê Dương (huyện Thanh Oai)
Đình Lê Dương ở đầu làng Lê Dương (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) trên thế đất “hoàng xà vọng thuỷ”. Mảnh đất này xưa kia thuộc tổng Đại Định, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng.
Đình có kết cấu kiến trúc chữ “đinh”, gồm Nghi môn, Tả hữu mạc, Tiền tế, Đại bái và Hậu cung.
Nghi môn có một lối đi chính gồm 2 trụ biểu, phía trên đắp tứ phượng chầu, để trụ thắt cổ bồng, xung quanh trang trí các đôi câu đối bằng chữ Hán. Tả hữu mạc là 2 dãy nhà mới được xây dựng.
Tiền tế, Đại bái và Hậu cung mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Các bờ nóc của mái đắp rồng chầu, uốn cong nét đao và bay vút lên nền trời. Để cho tổng thể di tích hài hoà, người nghệ sĩ dân gian đã dùng các đề tài tứ linh, tứ quý, câu đối, hoành phi cùng các bài châm bổ trợ.
Đình làng Lê Dương thờ thần bản thổ, người âm phù giúp Lý Bí (? - 548) đánh quân Lương. Bản thần phả khắc trên gỗ (mộc bản) vào năm Duy Tân thứ ba (1909) của làng còn giữ, do Hàn lâm viện, Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) đã tái hiện được những sự kiện quan trọng. Một lần Lý Bí dẫn đại quân đến ấp Lê Dương và trang Đại Định bên dòng sông Đỗ Động thì hội quân lại nghỉ. Thấy đây là địa hình đẹp có hổ phục long chầu, cảnh trí hữu tình nên ông truyền quân xây dựng đồn luỹ ở nơi này mà ứng chiến với quân Lương. Đêm 10 tháng hai âm lịch, trong giấc mộng, Lý Bí thấy một người con trai có tướng mạo kỳ dị tự xưng là thần bản thổ, hiệu là Đô Tô hiện lên trợ giúp. Hôm sau, quân Lương kéo đến vây hãm mấy ngày liền, Lý Bí cùng tướng sĩ nhất tề xông lên phá giặc. Được sự trợ giúp của thần linh, đại quân toàn thắng. Lý Bí bèn truyền cho phụ lão, nhân dân trong ấp Lê Dương lập đền thờ, rồi phong sắc ban Thượng đẳng thần.
Đình Lê Dương đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01