Đồng chí Nguyễn Phong Sắc và di tích cách mạng 152 phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng)
Di tích cách mạng 152 phố Bạch Mai hiện nay tọa lạc tại phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Nguyễn Phong Sắc - một chiến sĩ cộng sản kiên cường
Nguyễn Phong Sắc sinh ngày 1 tháng 2 năm 1902 tại làng Bạch Mai, nay là phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tên khai sinh là Nguyễn Văn Sắc, còn gọi là Nguyễn Đình Sắc; khi đi hoạt động cách mạng đổi thành Nguyễn Phong Sắc với các bí danh Thịnh, Thanh. Làng Bạch Mai xưa có tên là phường Hồng Mai, một phường của Thăng Long vào các thời Lê - Nguyễn. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng.
Nguyễn Phong Sắc là một trí thức giàu lòng yêu nước, sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí, với cương vị là Ủy viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ kiêm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội. Năm 1929, Nguyễn Phong Sắc tham gia thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên và thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, giữ cương vị Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời, sau đó là Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương.
Năm 1930, đồng chí trực tiếp chỉ đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Sau đó, đồng chí trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
Tháng 3/1931 tại Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tham dự Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Sau khi hội nghị kết thúc, đồng chí Nguyễn Phong Sắc ra Hà Nội rồi xuống Hải Phòng để phổ biến nghị quyết. Lúc trở lại Hà Nội, bị tên Nghiêm Thượng Biền (tức Thắng) phản bội bắt đồng chí ở khách sạn Nam Lai, 95 Hàng Lọng (nay là phố Lê Duẩn) ngày 3/5/1931. Sự tàn bạo của Sở Mật thám Pháp ở Hà Nội không khuất phục được ý chí kiên cường của người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Phong Sắc. Do vậy, sáng sớm ngày 25/5/1931, đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị thực dân Pháp giết tại đồn Song Lộc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Di tích cách mạng 152 phố Bạch Mai
Nhà 152 phố Bạch Mai là di tích cách mạng nằm trong địa bàn phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng - ngôi nhà gắn liền với ông bà thân sinh ra Nguyễn Phong Sắc, là Nguyễn Đình Phúc và Thành Thị Tửu; nơi chào đời, trưởng thành và hoạt động cách mạng đầu tiên của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Phong Sắc.
Đây là một căn nhà ở làng Bạch Mai xưa, nơi ông Nguyễn Đình Phúc (tức trưởng Nhàn mà dân làng thường gọi) bị thực dân Pháp bắt năm 1908 và đầy đi giam cầm ở Côn Đảo, do tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Sau năm năm mãn hạn tù, ông Phúc trở về làng Bạch Mai. Chính tại ngôi nhà này, ông Nguyễn Đình Phúc đã dạy dỗ, giáo dục người con trai Nguyễn Phong Sắc ngay từ tấm bé ý chí kiên cường của một chiến sĩ cách mạng.
Ngôi nhà của ông Phúc lúc đầu là nhà lá. Do lương của Nguyễn Phong Sắc làm ở Sở Tài chính Đông Dương cao, nên ông Phúc có tiền xây 5 gian nhà gạch khang trang. Trong nhà có hoành phi, câu đối, ghi: “Thuy khanh lưu thiện” (ý nói: làm điều lành sẽ được truyền lại). Cuối năm 1925, ông bà Phúc tổ chức cho Nguyễn Phong Sắc đẹp duyên cùng Trịnh Thị Cán. Đến cuối năm 1924, Trịnh Thị Cán sinh con trai đầu lòng là Nguyễn Văn Dung, sau đó đến năm 1928, chị lại sinh con thứ hai là Nguyễn Văn Vinh. Kế tục truyền thống của ông nội và cha, hai người con của Nguyễn Phong Sắc đều là chiến sĩ cách mạng của Đảng: Nguyễn Văn Dung là công nhân, năm 1945 tham gia Vệ quốc đoàn, chiến đấu trong Trung đoàn Thủ đô, hy sinh trong trận chiến đấu tại khu chợ Đồng Xuân ngày 14/2/1947. Nguyễn Văn Vinh, sau đổi là Nguyễn Phong Vinh, hoạt động cách mạng từ năm 1944, đã trải qua nhiều năm chiến đấu trong quân đội, sau làm công tác báo chí cho Thành uỷ Hà Nội và công tác ở Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Tại ngôi nhà 152 Bạch Mai, Nguyễn Phong Sắc đã được các anh hội viên của Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí là Nguyễn Danh Đới, Vương Văn Mùi và Trần Quang Huyến đến tuyên truyền cách mạng, cho Sắc đọc những tài liệu, báo chí có bài của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, bài của cụ Phan Bội Châu...
Tại ngôi nhà 152 Bạch Mai, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã thành lập tổ Thanh niên cách mạng. Tổ thường họp tại nhà Sắc hoặc nhà Huyến (Huyến là hội viên Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí, từ cuối năm 1926).
Từ năm 1928, nhà 152 Bạch Mai là một trong những nơi in ấn tài liệu, truyền đơn, để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng.
Như vậy, nhà số 152 Bạch Mai trong những năm 1926 - 1930 là một trong những nơi hội họp và in ấn tài liệu thời đầu thành lập Đảng.
Di tích cách mạng 152 phố Bạch Mai hiện nay được gia đình người con thứ hai của đồng chí Nguyễn Phong Sắc là Nguyễn Phong Vinh, cùng vợ là Nguyễn Thị Hiền trông nom hương khói. Mặt trước ngôi nhà còn dấu tích tường xây theo kiểu kiến trúc nhà cũ thời Pháp ở Hà Nội. Bên trong ngôi nhà, tầng 1 đặt bàn thờ có ảnh đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Bức hoành phi gắn ở tường phía trên bàn thờ. Phía sau là khu đất trồng rau, xưa là ao Mô (ao rau muống này những năm hoạt động cách mạng ở Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng các đồng chí của mình họp hội, in ấn tài liệu, khi có tin báo mật thám rình mò là tản ra trong ao Mô để tránh kẻ thù).
Các ngày tết, ngày thương binh liệt sĩ... các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, quận, phường đến thắp hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Phong Sắc ở nhà 152 phố Bạch Mai.
Nhà số 152 phố Bạch Mai đã được UBND Thành phố Hà Nội gắn biển DTCMKC./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02