Chùa Xã Đàn (quận Đống Đa)
Chùa Xã Đàn tên chữ là Kim Yên tự, xưa kia chùa thuộc phường Xã Đàn, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội, nay là số 4/106 ngõ Xã Đàn II, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Gọi là Xã Đàn vì nơi đây có đàn Xã Tắc lập từ thời vua Lý Thái Tông (1028 - 1053) để tế Hậu Thổ và Thần Nông. Đại Việt sử ký toàn thư của sử thần Ngô Sĩ Liên ghi: Năm Mậu Tý (1048) “Lập đàn Xã Tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo mùa màng”. Hậu Thổ và Thần Nông là những vị thần rất quan trọng đối với cư dân sống bằng nghề nông, đối với vương triều, bởi vậy hằng năm phải lập đàn và đích thân vua làm chủ tế. Có thể bên cạnh đàn Xã Tắc, đã dựng chùa thờ Phật. Niên đại chính xác thời gian xây dựng chùa Xã Đàn chưa xác định được. Nhưng qua trùng tu tôn tạo thì khẳng định rằng chùa được xây dựng từ rất sớm và những tấm bia cổ đã ghi rõ điều này như bia dựng năm Quang Thiệu thứ 5 - Canh Thìn (1520) đời vua Lê Chiêu Tông, rồi bia dựng năm Vĩnh Trị thứ nhất - Bính Thìn (1676) đời vua Lê Hy Tông hiện vẫn còn lưu giữ được ở chùa.
Chùa chính hiện nay có bố cục mặt bằng hình chữ “đinh” quay hướng đông nam, gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường 5 gian làm kiểu đầu hồi bít đốc, “chuôi về 4 gian”. Bên cạnh toà Tam bảo có nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách.
Chùa có đầy đủ hệ thống tượng Phật, nhà Tổ có 6 pho tượng thờ các vị sư tổ của chùa.
Chùa thờ Phật, nhưng do đình của làng bị phá huỷ nên thành hoàng của làng được “hợp tự” rước về thờ tại nhà Mẫu trong khuôn viên chùa. Thành hoàng của làng là một phụ nữ rất tài giỏi đã từng cùng danh tướng Lý Thường Kiệt đánh Tống, bình Chiêm, lập nhiều công lớn, được phong là Bảo Hoa công chúa. Khi Bảo Hoa công chúa mất, được dân làng tôn làm Thành hoàng. Tượng Bảo Hoa công chúa ngồi trên ngai rộng. Phía trên có hoành phi đề “Nữ trung hào kiệt”.
Chùa Xã Đàn có nhiều pho tượng được tạo tác từ thế kỷ XVIII, XIX. Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật quý như những bia đá có niên đại thế kỷ XVI, XVII; một cột đá dài hơn 1m có phần đỉnh nhô lên khỏi ao chùa khoảng 40cm; chuông đồng cao 100cm, chu vi 60cm...
Trong kháng chiến chống Pháp (1946 - 1947), chùa Xã Đàn là nơi tập kết của bộ đội, nhân dân tự vệ sau mỗi trận đánh, nhà chùa cũng đã quyên góp được hàng tấn thóc gạo giúp kháng chiến nuôi quân, cũng là nơi chăm sóc thương binh...
Chùa Xã Đàn - Kim Yên tự đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02