Đình Trong, đình Ngoài (Thị xã Sơn Tây)
Đình Triều Đông là một cụm di tích gồm đình Ngoài và đình Trong thuộc thôn Triều Đông, xã Cổ Đông, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Đình Ngoài tọa lạc trên một thế đất đẹp ở đầu làng nhìn theo hướng tây nam, có kết cấu theo kiểu chữ “nhất”. Kiến trúc phía trong của Đại bái được làm bởi lối kiến trúc truyền thống gồm: Thượng lương, câu đầu, hoành, xà.
Trên hai câu đầu để “Phú, quý, thọ, khang, ninh” và “Càn, nguyên, hành, lợi, trình" thể hiện mong ước muôn đời của người dân, cầu sự bình yên, hành thông và sự trường tồn trong cuộc sống đời thường của họ.
Đại bái được xây dựng theo kiểu 3 gian 2 dĩ, chia làm 3 gian chính không đều với các bộ vì được tạo tác theo kiểu “kèo kẻ quá giang trốn hàng cột cái”. Các hoa văn họa tiết chỉ tập trung ở long ngai và bài vị có niên đại thế kỷ XVIII.
Đình Trong ở giữa làng nhìn theo hướng đông nam, gồm các hạng mục công trình là Nghi môn, tòa Đại bái và Hậu cung. Đại bái là một dãy nhà ngang 3 gian 2 dĩ. Nối từ Đại bái tới tay ngại trụ biểu là một bức tường lửng, bên trong để trơn, tay ngại trên đỉnh đắp tứ phương châu cách điệu hoa dành, xuống dưới là ở lồng đèn bốn mặt đắp các gờ chỉ nổi, thân trụ bên dưới được ghi các câu đổi bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi cảnh đẹp quê hương và công đức của thành hoàng làng. Vào bên trong toà Đại bái gồm có 4 bộ vì chính và 2 bộ vì phụ chịu lực trên 4 hàng chân cột. Hậu cung là một dãy nhà ngang với tường xây, hồi bít đốc. Đây là nơi bài trí long ngai, bài vị thành hoàng làng.
Đình Ngoài và đình Trong thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh và Tây Kỳ vương Nguyễn Kính. Tản Viên Sơn Thánh là người đứng đầu trong Tứ bất tử của người Việt. Và trong tâm thức dân gian, các vị đó là biểu tượng của sự trường tồn bất diệt gắn với dân tộc ta, là sinh khí và sức mạnh vô cùng luôn luôn chảy trong huyết quản của mỗi người con đất Việt, trải từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người được thờ phụng ở hầu khắp các nơi trên đồng bằng Bắc Bộ với tư cách một anh hùng văn hoá. Nhưng có lẽ không ở đâu những truyền thuyết về Sơn Tinh lại kỳ thú như ở vùng sông Đà, núi Tản, nơi Ngài được tôn vinh là sơn thần của ngọn núi Chủ thiêng liêng và được nhân dân địa phương gọi một cách kính cẩn là đức Thánh Tản. Làng Triều Đông là một trong rất nhiều làng trên khắp đất nước thờ đức Thánh Tản Viên với tất cả lòng trân trọng, thành kính.
Tây Kỳ vương Nguyễn Kính vốn người họ Vũ, gốc ở tỉnh Phúc Kiến. Cha ngài đến Việt Nam tìm nơi đất lành và sinh sống ở đây. Tương truyền, Nguyễn Kính lớn lên có sức khoẻ, đã tập hợp quân binh vùng phía tây thành đạo quân lớn, ông được nhà Lê phong là Tây quận công, vào những năm đầu thế kỷ XVI. Khi Mạc Đăng Dung lên ngôi đã phong cho ông chức Tây Kỳ vương - Thượng trụ quốc, ban quốc tính nên gọi là Mạc Ngọc Kính. Sau khi ngài hoá, nhân dân hai làng Phú Đa và Triều Đông đã tôn Nguyễn Kính làm thành hoàng.
Đình Triều Đông còn bảo lưu lại được một di vật lịch sử văn hóa quý như: 4 cỗ long ngai bài vị phong cách tạo tác thế kỷ XVIII, 2 ngọc phả, 2 bát hương gốm Thổ Hà, 3 bia đá, 3 sắc phong.
Lễ hội chính được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Đình Trong, đình Ngoài đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2004./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02