Đình Thanh Thần (huyện Thanh Oai)
Đình nằm ở trung tâm của làng Thanh Thần, thuộc xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Đình có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” gồm 2 hạng mục chính là Đại bái và Hậu cung. Đại bái là nhà ngang 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong bằng đất nung đã phần nào cho biết niên đại khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVIII, XIX. Toà nhà này có chiều cao 5,5m, dài 15m, rộng 8m. Vào bên trong, các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Các cột cái, cột quân đều có tiết diện tròn, bên dưới có lỗ mộng như một chứng tích về một ngôi đình sàn trong ngày đầu khởi dựng. Tại các câu đầu, cốn, đầu dư, đầu bẩy, đấu đỡ đều được chạm khắc công phu các đề tài theo tích tứ linh hay hoa lá cách điệu trong dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển. Hệ thống cửa bức bàn đóng đố lụa ván bưng. Đình được trùng tu lớn vào triều Nguyễn, niên hiệu Bảo Đại (1925 - 1945). Các bức cốn góc mái của hai vì kèo giữa chạm khắc tứ linh, long cuốn thuỷ, long mã, kim quy, phượng vũ tượng trưng cho quyền uy và sức mạnh của thành hoàng. Các vì kèo gian bên trang trí tỉ mỉ với các bức cốn chạm hổ phù, trán dô, mũi to, môi dầy, đôi sừng có gạc, miệng ngậm chữ hỷ, hai chân duỗi dài gân guốc tựa lên đỉnh đôi lần vô cùng sinh động.
Hậu cung có chiều dài 8m, rộng 4,5m nối từ gian giữa Đại bái về phía sau tạo hình chuôi vồ. Nơi đây còn lưu giữ gần như nguyên vẹn một vì kèo thời Lê. Vì kèo này làm theo kiểu “chồng rường con nhị”. Đình thờ vị đại vương là Hoằng Trị và Thiên Đá. Đây là hai vị khai quốc công thần thời nhà Thục An Dương Vương. Trải qua thời gian, đình vẫn còn lưu giữ được một số di vật quý như 21 đạo sắc phong, trong đó, đạo cổ nhất có niên hiệu Dương Đức 3 (1674) và nhiều đôi câu đối, hoành phi ca ngợi công đức của hai vị thành hoàng.
Đình Thanh Thần đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02