Cổng làng Hoè Thị (quận Nam Từ Liêm)
Cổng làng Hoè Thị thuộc địa phận phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Mô tả khái quát:
Cổng xóm, nhưng thay vì câu đối lại là những đĩa sứ, cảnh vẽ trong lòng đĩa thay cho ý của người muốn viết.
Thị Cầu - Hoè Thị là nơi thờ Phan Tây Nhạc và Hoa Dung công chúa. Ngày hội làng có thi nấu cơm, dệt vải. Còn có thuyết tôn Phan Tây Nhạc là ông tổ nghề rèn.
Hoè Thị - làng Rèn:
Chợ Canh lắm bạc, nhiều tiền
Trai giỏi nghề rèn, gái lại đảm đang.
Câu ca như kể về người trai đất Hoè Thị ở xóm nào cũng biết rèn và đều giỏi giang không kém nơi nào. Câu ca cũng kể về các cô gái đảm đang, từ thuở xưa đã thi tài nấu cơm để được tòng quân giết giặc. Đến khi thái bình, các cô được Hoa Dung công chúa - vợ của tướng Phan Tây Nhạc đời Hùng Duệ Vương dạy nghề dệt vải. Vải của làng Canh (tên cổ của Hoè Thị) đã nổi tiếng, người đời đã truyền “sồi ải vải Canh”, đã tổ chức Hội thi dệt vải hàng năm trong ngày hội làng kỷ niệm hai vị Thành hoàng làng là vợ chồng tướng quân Phan Tây Nhạc.
Nghề rèn ở Hoè Thị có nhiều thuyết kể về nguồn gốc:
Tương truyền khi tướng quân Phan Tây Nhạc đóng quân tại làng. Ngài ra lệnh cho binh lính phải rèn vũ khí, người Hoè Thị có người đã học được nghề truyền lại cho con cháu.
Cũng có thuyết kể rằng họ Nguyễn Đắc là một chi từ Nông Cống (tỉnh Thanh Hoá) mang nghề ra Thăng Long và lập thành làng nghề. Hiện nay ở các xóm tại Hoè Thị và trên phố Nguyễn Khuyến (Sinh Từ cũ) vẫn còn hậu duệ.
Cũng có một thuyết khác kể rằng từ đời Hùng Vương thứ VI, dân nước Văn Lang đã biết rèn, vua Hùng đã trưng tập các thợ giỏi về Phù Đổng để rèn áo giáp, ngựa sắt, gậy sắt cho Phù Đổng thiên vương đánh giặc Ân. Lịch sử nước Việt cũng cho biết vào thời Hồ Quý Ly, dân ta rèn được cả súng thần cơ theo thiết kế của Hồ Nguyên Trừng, khi nhà Minh xâm chiếm Đại Việt đã bắt hết thợ giỏi và cấm dân dùng sắt, nhưng khi Bình Định Vương khởi nghĩa, vẫn có thợ rèn Văn Chàng tham gia nghĩa quân tiến về giải phóng kinh đô. Sơ qua về nghề rèn như vậy để thấy dù ở đâu, ở thời đại nào, người Việt tài hoa vẫn làm chủ được nghề và phục vụ thị trường.
Trở lại làng Hoè Thị (nay là thôn Hoè Thị) với 8 xóm thì trong 8 xóm đều có người làm nghề rèn, tuy nhiên mỗi chi họ, mỗi xóm lại có hàng nghề riêng biệt.
Khi xưa, đường 32 chưa làm, đường thiên lý đi qua vùng Canh, nên thợ rèn làng Canh nhanh chóng hội nhập Thăng Long, làm các hàng đồ sắt phục vụ sinh hoạt phố phường và cung đình. Tại phố Lò Rèn hiện nay còn có đền thờ vọng ông tổ nghề rèn./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01