Đình Đồng Táng (huyện Thạch Thất)
Đình Đồng Táng (xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất) tọa lạc trên gò đất cao, sát đường cao tốc Láng – Hoà Lạc, cách trung tâm thành phố Hà Nội 25km về phía tây.
Đình bố cục theo kiểu chữ “tam” với 3 tòa là Tiền tế, Đại bái và Hậu cung. Phía trước Tiền tế là sân hẹp lát gạch và được bao bọc bởi hệ thống cột trụ và tường lửng tạo sự bề thế kiểu tay ngai phía trước đình. Liên kết giữa các cột trụ với tường hồi tòa Tiền tế là các bức tường lửng cao ngang diềm mái trước, có trang trí cửa sổ hoa và đường hồi văn. Tòa Tiền tế bốn mái đao cong. Bờ nóc, bờ dải đắp bờ đỉnh, hai đầu bờ nóc đắp hai con kìm (Thủy quái Makara hoặc còn gọi là rồng lá), bằng vôi vữa ốp sành sứ. Giữa bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Tiền tế có hai mặt trước, sau để thông thoáng, hai đầu hồi xây tường bao. Bên trong nhà Tiền tế, các bộ vì được làm theo kiểu “thượng giá chiêng hạ kẻ bẩy” đặt trên quá giang. Điêu khắc trên bộ khung ít, chủ yếu chạm rồng cách điệu hình lá lật kẻ chuyền, xã, quá giang chạm lá lật còn đấu soi bào vỏ măng. Phía trên giá chiêng là cái đấu hình hoa sen đội thượng lương. Tiếp theo tòa Tiền tế là tòa Đại bái làm theo kiểu tường hồi bít đốc, hai mái chảy có tay ngai trên đỉnh đắp con giống. Trên bờ nóc giữa đắp hình mặt trời, hai bộ vì giữa tương tự hai bộ vì giữa của gian Tiền tế. Hai bộ vì hồi “thượng chồng rường con nhị, hạ rường nách giá chiêng”. Trang trí trên bộ khung nhà đơn giản chủ yếu là bào soi vỏ măng. Hậu cung là ngôi nhà chạy dọc, gồm hai gian một dĩ theo kiểu tiền đạo hậu đốc. Hai đầu bờ nóc có hai con kìm. Đạo thì đắp rồng, chỗ gấp khúc của bờ dải là các con xô (con sấu). Bộ vì bên trong của Hậu cung “thượng chồng rường cốn mê”. Phía trước Hậu cung có 3 lối đi; lối chính mở cửa giả bức bàn 6 cánh, lối đi phụ là hai cửa quay một cánh. Bên trong bài trí một hương án, một bàn ở gian ngoài, gian trong xây bệ thờ bằng gạch. Trên bệ đặt sập thờ bằng gỗ. Phía trên là ba cỗ long ngai bài vị. Nhìn từ ngoài vào cỗ ngai giữa làm thời Nguyễn còn bài vị từ thời Lê thờ Tản Viên Sơn Thánh, cổ ngai bên tả thờ Giám sát đại vương. Hương án gỗ, được làm ba tầng, tầng trên phía trước chạm lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh chạm cánh sen đối xứng.
Đình Đồng Táng là nơi thờ Giám sát đại vương, Cao Sơn và Quý Minh đại vương thời Hùng Vương thứ 18. Bấy giờ có hai anh em là Nguyễn Danh Thuận, Nguyễn Cao Sơn quê ở động Lãng Sơn. Hai anh em lập gia đình nhưng mãi đến già vẫn hiếm muộn con cái. Về sau, vợ chồng người anh sinh một con trai đặt tên là Nguyễn Tuấn. Vợ chồng người em sinh được 2 người con trai đặt tên là Sùng và Hiển. Đến năm 17 tuổi thì cha mẹ qua đời, anh em cùng lên núi và làm con nuôi bà thần Nữ họ Ma. Ba anh em được bà truyền cho nhiều phép lạ, sau này phù giúp vua Hùng đánh tan quân Thục. Sau đó hai ông trở về thăm động Lăng Xương và hóa ở đó. Để nhớ đến công ơn nên vua đã ban sắc phong là Thượng đẳng thần. Ngoài ra, đình Đồng Táng thờ vị Giám sát đại vương, ngài vốn là một thiên thần đã có công âm phù Hai Bà Trưng đánh giặc.
Đình Đồng Táng còn lưu giữ được: 1 bộ kiệu bát cống sơn son thếp vàng, 1 bộ kiệu song hành, 3 cỗ long ngại bài vị, 3 bát hương gốm Thổ Hà thế kỷ XVIII, 1 hương án gỗ 3 tầng chạm nổi i chạm lộng nghệ thuật thời Nguyễn, 1 cây quán tẩy chạm tứ linh và tứ quý, 2 bộ bát bửu thời Nguyễn, 3 cuốn phả lục ghi sự tích các thần bằng chữ Hán, 13 đạo sắc. Ngoài ra đình còn nhiều đồ thờ tự khác như cờ, quạt, tán lọng, đài nước, quả mũ áo Thần.
Đình Đồng Táng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01