Đình Dược Hạ
Đình Dược Hạ thuộc xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Di tích cách trung tâm thành phố khoảng 40km về phía tây bắc. Từ trung tâm Hà Nội qua cầu Chương Dương theo đường Quốc lộ 3 qua Phù Lỗ khoảng 2km rẽ trái vào làng Dược Hạ.
Dược Hạ xưa có tên là Lạc Long, năm 1965 đổi tên là Tiên Dược.
Đình Dược Hạ có khởi nguồn tạo dựng từ rất sớm để thờ vị phúc thần có công với nước là Xá Lợi đại vương. Hiện nay chưa tìm thấy các tư liệu ghi chép cụ thể về niên đại xây dựng đình, song căn cứ vào khối kiến trúc vật chất và các di vật hiện còn có thể đoán định niên đại xây dựng đình khoảng cuối thời Lê đầu thời Nguyễn. Tại đình còn lưu giữ tấm bia có niên đại Thành Thái thứ 7 (1895) và Thành Thái thứ 17 (1905). Đình Dược Hạ toạ lạc trên một khu đất cao hướng đông nam, phía trước là một hồ nước rộng. Đình kết cấu dạng chữ “đinh” gồm: toà Đại đình 5 gian 2 chái và một gian Hậu cung. Mái lợp ngói mũi hài, bốn góc đao cong hình vận lá hoá rồng, bờ nóc đắp dạng bờ đỉnh. Nội thất sáu hàng chân. Trang trí trên kiến trúc tập trung ở các bức cốn nách, kẻ, bấy hiện chạm nổi, chạm lộng đề tài truyền thống: hình tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), hình thú chầu, vẫn mây, lá cúc, lá đề, rồng ổ, tiên nữ. Các mảng trang trí trên kiến trúc Đại đình vẫn giữ được những nét điêu khắc mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung hưng thế kỷ XVII.
Đình Dược Hạ còn lưu giữ nhiều di vật quý như: bốn tấm bia đá niên hiệu Minh Mệnh thứ 18 (1837), Tự Đức thứ 12 (1859), Tự Đức thứ 34 (1881); kiệu rước, long ngai được chạm khắc tỉ mỉ, trau chuối và sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Hàng năm vào ngày 12 tháng mười âm lịch làng tổ chức lễ hội. Ngày mùng 6 tháng giêng, Dược Hạ cùng các thôn khác thuộc tổng Tiên Dược và các tổng khác theo lễ thờ Tam tổng ở đền Sóc xã Phù Linh.
Đình Dược Hạ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01