Đình, chùa Đại Áng
Đình và chùa Đại Áng thuộc xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đình Đại Áng có tên chữ là Tiên Phúc từ, còn gọi là đình Đại Đản. Đình Đại Áng thờ Cao Sơn, Quý Minh, Tản Viên và Bố Cái đại vương. Đình Đại Áng là một công trình kiến trúc bề thế, có giá trị nghệ thuật cao. Đình bao gồm Tiền tế 5 gian 2 chái và Hậu cung. Vì kèo nhà Tiền tế được làm theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ và bẩy hiện”. Các đầu ở 2 gian giữa chạm lộng và chạm thủng hình đầu rồng. Đại đình (phương đình) làm theo kiểu chồng diễm, trên các bờ mái đắp nổi hình rồng. Hậu cung có kết cấu khá đặc sắc, gian ngoài cùng là vì kèo quá giang “vỏ cua”, tạo nên không gian sâu kín, linh thiêng để đặt long ngai, bài vị của các vị thần. Đình Đại Áng có bố cục khác với những ngôi đình ở miền Bắc, đồng thời có nhiều nét ảnh hưởng kiến trúc đình chùa ở cố đô Huế (như vì “vỏ của”).
Đình có 3 đôi câu đối khảm trai, cuốn thư sơn son thếp vàng, hai bộ bát bửu, hai long sàng, hai cửa võng, 4 bộ kiệu và một long đình. Đình Đại Áng cũng là nơi đô đốc Bảo (quân Tây Sơn) đã cho trú quân ở đây trước khi cùng Quang Trung Nguyễn Huệ vào giải phóng Thăng Long năm 1789.
Chùa Đại Áng tên chữ là “Thiên Phúc tự”.
Chùa Đại Áng có Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện. Chùa còn giữ được hệ thống tượng pháp tương đối phong phú: Tuyết Sơn, Di Lặc, Quan Âm chuẩn đề, Cửu Long, tiêu biểu nhất là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay và tượng Cửu Long.
Ở toà Cửu Long, ngoài 9 con rồng phun nước và tắm cho đức Phật, ta còn thấy cả một thế giới thần tiên tụ hội lại đây. Ở chính giữa là đức Phật sơ sinh, xung quanh là một lớp tượng to nhỏ khác nhau tìm đến với Phật với ý nguyện từ bi hỉ xả cho chúng sinh được ấm no hạnh phúc. Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay cao 4m, tuy sao chép theo mẫu tượng Quan Âm ở chùa Bát Tháp vào cuối thế kỷ XIX nhưng khá đẹp, trình độ kỹ thuật cao ít thấy ở Hà Nội. Sáu mươi pho tượng ở chùa Đại Áng được tạo tác rất tỉ mỉ, có giá trị thẩm mỹ cao, có thể coi Phật điện của chùa như một phòng trưng bầy về nghệ thuật điêu khắc Phật giáo.
Chùa Đại Áng là một công trình kiến trúc gắn với đời sống văn hoá và tinh thần của nhân dân nông nghiệp ngoại thành Hà Nội.
Đình và chùa Đại Áng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01