Di tích Tân Yên (huyện Sóc Sơn)
Bia lưu niệm chi bộ Tân Yên ghi dấu việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đa Phúc (nay là huyện Sóc Sơn), hiện nay thuộc khu hành chính số 6, thôn Tân Yên, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam. Ngay sau đó Thành uỷ Hà Nội được thành lập, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã trực tiếp chỉ đạo, Thành uỷ tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền, phát triển cơ sở cách mạng ở các vùng xung quanh Hà Nội. Cuối năm 1932, chi bộ Đảng nhà tù Hoả Lò chủ trương bố trí cho một số đồng chí vượt ngục, bắt mối với đảng viên và quần chúng cách mạng chưa bị lộ đang sống công khai hợp pháp để gây dựng lại cơ sở và khôi phục phong trào. Đêm Noel 24/12/1932, cuộc vượt ngục thành công, 7 đảng viên thoát khỏi nhà tù Hoả Lò trong đó có đồng chí Nguyễn Tạo, cán bộ Ban Tài chính Trung ương và đồng chí Lê Đình Tuyển - Uỷ viên Thành uỷ Hà Nội được giao nhiệm vụ khôi phục cơ sở ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ. Các đồng chí Tạo và Tuyển đã chắp nối được với một số đảng viên ở Hà Nội, nhưng hoạt động ở Hà Nội khó khăn, địch kiểm soát gắt gao, đồng chí Tạo phải tạm lánh ra Ninh Bình, đồng chí Tuyển về Hưng Yên. Đầu năm 1933, ở Ninh Bình bị lộ, đồng chí Tạo lên Phúc Yên, qua chỗ quen biết tìm đến đồn điền của Đỗ Đình Thông ở Đa Phúc để làm ăn sinh sống và tìm cách hoạt động cách mạng. Không lâu sau, đồng chí Lê Đình Tuyển cũng liên lạc với đồng chí Tạo ở Đa Phúc. Từ Đa Phúc hai đồng chí nắm tình hình Hà Nội, đẩy mạnh việc gây dựng cơ sở, xúc tiến việc khôi phục phong trào, tổ chức lại Xứ uỷ.
Tại đồn điền Đa Phúc, đồng chí Tạo đã được gia đình đồng chí Nguyễn Văn Thư bố trí chỗ ở và tìm cho việc làm ở ấp Tân Yên. Nhà đồng chí Thư trở thành nơi ăn ở, đi lại của các đồng chí Tạo, Tuyển. Cùng sống gian khổ với tá điền, các cán bộ Đảng có dịp thâm nhập quần chúng, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con rồi dần dần từng bước tuyên truyền, giác ngộ đưa vào tổ chức. Cơ sở cách mạng lúc đầu được gây dựng ở hai ấp Tân Yên và Đồng Thổ sau được lan rộng ra các làng ấp trong đồn điền. Tổ chức nông hội, tự vệ bí mật được thành lập, một số hội viên tiên tiến, giác ngộ nhất được bồi dưỡng để kết nạp Đảng.
Để xây dựng hạt nhân cộng sản lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, ngày 17/3/1933 chi bộ Tân Yên, huyện Đa Phúc được thành lập. Lúc đầu chi bộ có các đồng chí: Nguyễn Tạo làm Bí thư, Nguyễn Văn Thư, Nguyễn Đăng Đào, Đặng Viết Tèo, Đỗ Viết Thửa, Đặng Viết Ốc; sau đó đồng chí Lê Đình Tuyển cũng về sinh hoạt ở chi bộ này. Chi bộ hoạt động lan rộng đến các vùng lân cận, phát triển được nhiều đảng viên cho đến giữa tháng 4/1934, cuộc họp ở ấp Thái Hà - Hà Nội để lập lại Xứ uỷ Bắc Kỳ bị lộ, địch vây bắt được hầu hết các đảng viên tham dự hội nghị. Những cán bộ lãnh đạo cốt cán của chi bộ Tân Yên cũng sa vào tay địch. Chúng tiếp tục truy lùng đảng viên ở chi bộ này, người thì bị bắt, người bị đuổi khỏi đồn điền, cơ sở đảng bị tan vỡ, các tổ chức cách mạng trung thành với Đảng phải tạm thời náu mình chờ đón cơ hội tốt. Chi bộ Tân Yên, được thành lập tồn tại tuy chỉ trong một thời gian ngắn nhưng là bước đầu rất vẻ vang của phong trào cách mạng Đa Phúc trước đây và Sóc Sơn ngày nay chuyển mình theo con đường cách mạng vô sản.
Nhà bia di tích lưu niệm chi bộ Tân Yên nằm ở trung tâm sinh hoạt văn hoá của thôn Tân Yên. Nhà bia được khởi công xây dựng vào tháng II/1998 và khánh thành đưa vào sử dụng ngày 19/5/1999. Nằm trên quy mô đất không rộng, bên cạnh đó là nhà văn hoá của xóm và khu dân cư, toàn bộ khu vực nhà bia có tường rào sắt bao quanh. Cổng vào của khu di tích xây 2 trụ liền tường bao, phía trong có một lối dẫn vào nhà bia, hai bên trồng hoa và một số cây cảnh, phía bên phải nhà bia có cây duối - đây là địa điểm chi bộ Tân Yên thành lập và cũng là nơi các đảng viên trong chi bộ dùng để chôn giấu những tài liệu cách mạng. Nhà bia được làm quay về hướng tây bắc, đây là một ngôi nhà làm kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, toàn bộ đổ bê tông, phía trên dán ngói mũi hài, phía dưới là hệ thống cột trụ. Phần giữa của nền nhà bia xây bệ cao 0,5m phía ngoài ốp đá vân đen, giữa bệ đặt bia đá màu ghi đen, khắc chữ chìm ở cả hai mặt. Trên cùng mặt bia khắc nổi hình cờ búa liềm và hình bông lúa màu sơn vàng với nền tô đỏ. Nội dung bia ghi: Nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản Tân Yên - Hồng Kỳ ngày 17/3/1933, chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Đa Phúc và Đảng bộ tỉnh Phúc Yên, Giữa có hình ngôi sao vàng 5 cánh, tiếp đến là danh sách các đảng viên của chi bộ. Di tích đã được Thành phố gắn biển.
Nhà bia lưu niệm chi bộ Tân Yên, xã Hồng Kỳ huyện Sóc Sơn đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội gắn biển di tích cách mạng - kháng chiến năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02