Danh thắng & Di tích Hà Nội

Di tích khảo cổ ngoại thành Hà Nội

Sơn Dương (t/h) 21/05/2023 08:49

Các dấu tích khảo cổ học trên địa bàn huyện Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thường Tín, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Hà Đông và vùng phụ cận.

di-chi-khao-co-hoc-go-hen-xa-van-thang-huyen-ba-vi-.jpg
Di chỉ khảo cổ học Gò Hện (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì)

Hậu kỳ đá cũ - Sơ kỳ đá mới

Dấu tích khảo cổ học sớm nhất ở nước ta là ở vào giai đoạn Hậu kỳ đá cũ - Sơ kỳ đá mới, với hai văn hóa khảo cổ học tiêu biểu là Văn hóa Sơn Vi và Văn hóa Hòa Bình. Hai nền văn hóa này đều đã được phát hiện trên địa bàn các huyện ở phía tây nam Hà Nội.

Văn hóa Sơn Vi

Sơn Vi là tên một xã của huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ, nơi đầu tiên phát hiện di tích văn hóa Sơn Vi. Văn hóa Sơn Vi cách ngày nay khoảng 30.000 năm đến 11.000 năm, có nghĩa là Văn hóa Sơn Vi ở vào giai đoạn Hậu kỳ đá cũ và Sơ kỳ đá mới. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện người khôn ngoan mà dấu tích sớm nhất ở nước ta là những hóa thạch răng ở hang Ồm (Nghệ An), hang Hùm (Yên Bái), nhất là ở hang Kéo Léng (Lạng Sơn) phát hiện 2 chiếc răng người hóa thạch có niên đại khoảng 30.000 năm cách ngày nay (Trương Hữu Quýnh chủ biên: Đại cương Lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2000, trang 15). Tiếp đó các nhà khảo cổ học phát hiện được một số công cụ của người khôn ngoan có niên đại sau Thẩm Ồm, Hang Hùm, như một số công cụ đá ở Đồi Thông (thị xã Hà Giang), mái đá Ngườm (Võ Nhai, Bắc Cạn). Vào cuối thời đại đá cũ, trên một vùng rộng lớn của nước ta, có nhiều bộ lạc săn bắt, hái lượm để sinh sống. Họ cư trú trong các hang động, mái đá ngoài trời, ven bờ các con sông, suối trên một địa bàn khá rộng từ Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Hà Tây đến Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị. Các di tích của các bộ lạc thời kỳ này được các nhà khảo cổ học gọi là Văn hóa Sơn Vi. Căn cứ vào sự phân bố của các di tích, cư dân Văn hóa Sơn Vi, thời Hậu kỳ đá cũ ở Việt Nam sống tập trung trên các đồi, gò trung du, dạng hình chuyển tiếp từ miền núi xuống đồng bằng, cụm lại thành những khu vực lớn là trung lưu sông Hồng, thượng lưu sông Lục Nam và thượng lưu sông Hiếu.

Trên địa bàn huyện Ba Vì đã phát hiện di tích Văn hóa Sơn Vi, đó là hai địa điểm tại xã Vạn Thắng.

Di tích Vạn Thắng được phát hiện năm 1972 và liên tiếp được thu thập nghiên cứu vào những năm sau đó. Di tích Vạn Thắng ở xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì cách Hà Nội 65km về phía tây - tây bắc, cách sông Hồng khoảng 1km về phía nam. Di vật tìm thấy trên đồi gò vốn là thềm cổ sông Hồng. Đồi gò ở đây cao 12 - 30m, dốc 5 - 100, bề mặt bị laterit hóa khá mạnh. Về địa hình và địa mạo, những đồi gò này khá giống những đồi gò vùng Lâm Thao (Phú Thọ) nằm đối diện với nó ở bên kia sông Hồng.

Đến nay, tại Vạn Thắng có hai sưu tập chính: Một là sưu tập năm 1972 do Trình Năng Chung giới thiệu và hai là sưu tập năm 1982 do Nguyễn Chiều, Trình Năng Chung, Nguyễn Thị Dơn giới thiệu. Tổng số di vật của hai sưu tập này là 76 tiêu bản, được phân chia thành một số loại hình. Tất cả các di vật này đều được thu thập trên mặt đồi gò đã bị laterit hóa ở các độ cao khác nhau, không có vết tích than tro và cổ sinh. Công cụ đá đều được làm từ cuội sông, phần lớn có chất liệu quazitte. Quanh khu vực di tích rất hiếm cuội. Nơi gần nhất có cuội sông có thể dùng để chế tác được công cụ là khu vực chợ Nhông ở trung tâm huyện lỵ Ba Vì với lớp cuội dày gần 1m.
Trong sưu tập Vạn Thắng, mảnh tước ít so với các sưu tập Sơn Vi đã biết. Tổ hợp công cụ cuội ở đây phản ánh những đặc trưng cơ bản của Văn hóa Sơn Vi. Tuy nhiên, cũng cần chỉ ra những nét khác với sưu tập Sơn Vi ở Phú Thọ. Nếu như ở Phú Thọ, công cụ rìa dọc chiếm đa số, thì ở Vạn Thắng công cụ rìa ngang chiếm đa số với 34 tiêu bản, chiếm 44,73%. Trong khi đó công cụ rìa dọc chỉ chiếm 7,89%, công cụ phần tư cuội 2,63%. Loại công cụ cuội ghè thô, không định hình ở Vạn Thắng thường chiếm tỷ lệ cao với 24 tiêu bản (31,57%).

Các công cụ cuội ở Vạn Thắng đều ghè một mặt, không gặp công cụ ghè hai mặt. Kỹ thuật chủ đạo là ghè một lớp men theo rìa hòn cuội, giữ lại phần lớn vỏ cuội tự nhiên. Công cụ ghè hết một mặt lớn có một tiêu bản duy nhất.

Công cụ đặc thù, tiêu biểu cho sưu tập Vạn Thắng là công cụ rìa ngang, có kích thước lớn và ghè đẽo tạo lưỡi đơn giản với vài ba nhát ghè, gợi lại những công cụ chặt thô ở sơ kỳ đá cũ. Những công cụ này có góc lưỡi lớn, đa số từ 70 đến 900, và rất hiếm công cụ được gia công.

Từ phạm vi phân bố, chất liệu, kỹ thuật chế tác và loại hình di vật, có thể xác nhận rằng sưu tập Vạn Thắng thuộc Văn hóa Sơn Vi. Song đi sâu vào các loại hình di vật có thể nhận thấy đặc điểm riêng của sưu tập này. Đó là sự tồn tại với tỷ lệ cao của công cụ rìa ngang và công cụ không định hình, sự có mặt với tỷ lệ thấp mảnh tước, công cụ rìa dọc, phần tư cuội và sự hiện diện của công cụ có kích thước lớn, vết ghè thô. Từ những đặc điểm đó, có thể xếp sưu tập Vạn Thắng vào giai đoạn sớm của Văn hóa Sơn Vi (Hà Văn Tấn, Nguyễn Khắc Sử, Trình Năng Chung: Văn hóa Sơn Vi, Nxb KHXH, Hà Nội 1999, trang 57 - 59).

Văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn

Văn hóa Hòa Bình là một văn hóa khảo cổ học thời đại đá, được nữ khảo cổ học người Pháp bà Madeleine Colani phát hiện và đặt tên trên cơ sở một số di tích khảo cổ học hang động tìm thấy trong tỉnh Hòa Bình từ năm 1926 đến 1929. Vết tích Văn hóa Hòa Bình phân bố khá rộng mà trung tâm là các địa điểm thuộc tỉnh Hòa Bình và các vùng phụ cận, không những thế còn có phạm vi cả vùng Đông Nam Á. Niên đại của Văn hóa Hòa Bình nằm trong khung chuyển tiếp từ cuối Pleistocene sang đầu Holocene, từ thời đại đá cũ sang thời đại đá mới. Tùy theo từng di tích, từng khu vực mà niên đại của Văn hóa Hòa Bình chiếm một khoảng nào đó trong khung niên đại này.

Một điều nổi bật của ngành Khảo cổ học Việt Nam là phát hiện ra Văn hóa Sơn Vi và chứng minh Văn hóa Hòa Bình có nguồn gốc từ Văn hóa Sơn Vi. Bước chuyển biến từ Văn hóa Sơn Vi sang Văn hóa Hòa Bình thường được xem như là sự chuyển biến từ thời đá cũ sang thời đại đá mới, từ Pleistocene sang Holocene.

Đặc điểm cơ bản của Văn hóa Hòa Bình là di tích hang động, tồn tại chủ yếu tổ hợp công cụ: Hình hạnh nhân, rìu ngắn và nạo hình đĩa, với việc sử dụng nguyên liệu cuội sông để chế tác công cụ lao động. Cả hai đều vắng mặt kỹ thuật tách mảnh tước từ hạch cuội được chuẩn bị kỹ diện ghè và thuật gia công tu chỉnh mảnh tước nhỏ làm công cụ sản xuất. Kỹ thuật ghè đẽo ngự trị cả hai nền văn hóa, nhưng trong Văn hóa Hòa Bình đã xuất hiện kỹ thuật mới - kỹ thuật mài đá trong việc chế tác rìu. Công cụ mài lưỡi nảy sinh khá sớm trong lòng Văn hóa Hòa Bình và chắc chắn sớm hơn nhiều so với Văn hóa Bắc Sơn.

Địa điểm khảo cổ học Sũng Sàm (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức):

Địa điểm khảo cổ học hang Sũng Sàm, còn gọi là hang Giặc hay hang Ông Bẩy ở trong khu vực Thung Vương xã Hương Sơn huyện Mỹ Đức, cách hang Chùa Mới vài trăm mét về phía tây, trên núi Sũng Sàm, độ cao hơn 100m so với lòng thung lũng đường lên dốc đứng. Dưới mái đá cao ráo có một hang động ăn sâu vào lòng núi. Cửa hang hướng ra phía tây nam chếch nam 240m, nhìn ra Thung Vương, rộng 15m, cao 16m. Chỉ ở cửa hang có chút đất, vào sâu trong động, toàn là vỏ ốc. Di chỉ hang Sũng Sàm được khai quật năm 1975. Rất khó phân tầng, phân lớp khảo cổ học vì lớp vỏ ốc dầy từ 1m đến 1,4m. Trên mặt hang có nhiều tảng đá đè lên tầng vỏ ốc từ lâu. Trên nóc hang hở ra một hang nhỏ nữa thông với hang dưới, chứa được 6 đến 7 người và cũng có di tích văn hóa khảo cổ.

Nét dị biệt của hiện vật phát hiện ở hang Sũng Sàm so với nhiều di chỉ thuộc Văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn là:

- Có nhiều mảnh tước.

- Số lượng ốc núi chiếm tuyệt đại đa số trong khối lượng vỏ nhuyễn thể. - Có thể nguyên liệu cuội đã được vận chuyển từ xa về đây và được gia công tại chỗ làm công cụ.

Di tích thức ăn phát hiện tại hang Sũng Sàm phản ánh một phương thức sống chủ yếu ở miền giáp đá vôi chứ không phải ở bờ suối. Suối Rồng chảy qua Sũng Sàm là một con suối nhỏ, ít ốc và ít cá; trong khi đó nơi đây lại có nhiều ốc núi. Niên đại của hang Sũng Sàm thuộc vào giai đoạn Văn hóa Hòa Bình (Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây: Di tích Hà Tây, Hà Tây 1999, tr. 98).

Cũng ở khu vực Hương Sơn huyện Mỹ Đức còn có một số hang động khác có dấu tích Văn hóa Hòa Bình. Đó là mái đá Sập Bon (thôn Đục Khê, xã Hương Sơn), được phát hiện năm 1975. Hang rộng 10, dài 18m, 1/3 di chỉ bị phủ lên một tảng đá lớn. Tầng văn hóa dầy từ 1m đến 1,4m. Hiện vật chủ yếu bằng đá, gồm: 4 công cụ rìu, 2 rìu dọc, 2 công cụ có cán, 16 mảnh tước và 37 hòn cuội nguyên. Hang Luồn thôn Hội Xá và Hương Sơn có chiều rộng 9m, chiều cao 70m. Tầng văn hóa bị xáo trộn, dầy 2m. Hiện vật thu được cũng hoàn toàn bằng đá, gồm: 1 công cụ chặt, 4 mảnh tước, 3 phế liệu và 6 phế vật (Hoàng Xuân Chinh chủ biên: Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội 1989, tr. 117).

Văn hóa Bắc Sơn là giai đoạn muộn của Văn hóa Hòa Bình với các dấu tích ở các di tích khảo cổ học Trường Phiêu và Ngô Sơn thuộc xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, cùng một số rìu đá phát hiện rải rác ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, xã Thắng lợi, huyện Thường Tín...

Hậu kỳ đá mới - Sơ kỳ kim khí

Đây là giai đoạn có niên đại cách ngày nay khoảng trên 4000 năm đến 2000 năm. Thực chất đây là hai giai đoạn khảo cổ học riêng biệt, song ở Việt Nam chưa tách bạch được đặc trưng 2 giai đoạn này, hơn nữa sự xâm nhập lẫn nhau của hai giai đoạn khiến việc phân chia càng khó khăn. Tuy nhiên, có thể phân chia theo các văn hóa khảo cổ học là Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun. Sau đây là một số di chỉ khảo cổ học được phát hiện:

Giai đoạn Phùng Nguyên

Di chỉ khảo cổ học Đồng Chỗ (xã Phú Phương, huyện Ba Vì):

Đồng Chỗ là một khu đất cao ở thôn Phương Châu xã Phú Phương, huyện Ba Vì, cách huyện lỵ 7km và cách sông Hồng 3km.

Di chỉ được đoàn khảo cổ thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đào thám sát năm 1973. Tầng văn hóa di chỉ này mỏng, chừng 50 đến 60cm.

Hiện vật thu được chủ yếu là đồ đá và đồ gốm:

Đồ đá có 186 hiện vật, trong đó có 17 rìu đá, 52 mảnh rìu, 1 rìu có vai, 4 đục, 54 bàn mái, 2 mảnh dao, 1 mũi nhọn, 3 bàn dập hoa văn, 2 mảnh vòng, 16 phác vật, 34 mảnh tước và mảnh đá có dấu cưa. Ngoài ra, trong tầng văn hóa còn phát hiện một số hòn cuội lớn, không có vết chế tác. Công cụ đá ở đây ít hơn so với các di chỉ khảo cổ học cùng loại và xấu hơn vì khu vực này hiếm đá tốt.

Đồ gốm đều vỡ nát, thu được 2.397 mảnh, phần nhiều bị bóc hết lớp ngoài giống như ở địa điểm Phùng Nguyên. Rõ ràng di chỉ này thuộc văn hóa Phùng Nguyên.

Tầng văn hóa hiện vật của di chỉ Đồng Chỗ có những đặc điểm của cả di chỉ Gò Bông và di chỉ Phùng Nguyên. Ở Đồng Chỗ có một số yếu tố gần với Phùng Nguyên hơn như một số hoa văn in chấm thưa, một số kiểu miệng gốm. Vì vậy, di chỉ khảo cổ học Đồng Chỗ có vị trí trung gian giữa di chỉ Gò Bông và di chỉ Phùng Nguyên, nằm ở giai đoạn cuối của thời kỳ đá mới.

Di chỉ khảo cổ học Gò Hện (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì):

Di chỉ khảo cổ học Gò Hện nằm trên một gò cao ở cánh đồng thuộc thôn Nhuận Tuấn xã Vạn Thắng huyện Ba Vì. Gò nằm ở kinh độ 48,5" Đông, vĩ độ 61,15" Bắc. Diện tích gò rộng xấp xỉ 43.200m?. Địa điểm này gần sông nước, thuận lợi cho điều kiện sinh sống của người dân thời nguyên thủy.

Di chỉ được phát hiện năm 1972 và tiến hành khai quật cùng năm lần đầu với diện tích 112m”. Di chỉ có một tầng văn hóa, trong hố khai quật có lớp đất canh tác, tầng văn hóa và lớp đất cái.

Lớp đất canh tác dầy 10 - 15cm; lớp đất tầng văn hóa màu xám đen, dầy trung bình 50 - 60cm. Trong lớp này, độ dầy không đều nhau, chạy xiên theo độ nghiêng của gò về phía gần đỉnh gò, tầng văn hóa mỏng, khoảng 30 - 40cm, ở phía chân gò có chỗ dầy đến 100cm. Trong tầng văn hóa phát hiện nhiều hiện vật bằng đá và gốm. Lớp đất cái là lớp sinh thổ màu vàng, có chỗ màu vàng sẫm, có chỗ màu vàng nhạt.

Hiện vật phát hiện được trong hố khai quật gồm đồ đá và đồ gốm. Đồ đá gồm: rìu, bôn, bàn, mài, dao, bàn dập hoa văn, hòn cuội ghè, chì lưới phác vật, mảnh tước, thoi đá, đồ trang sức, mảnh vỡ của rìu, bôn.

Đồ gốm gồm ba loại: loại gốm tương đối mịn, loại gốm thô và loại gốm rất thô có màu đỏ và đen, trong đó gốm màu đỏ là chính. Đồ gốm ở đây được chế tạo bằng bàn xoay, bằng tay và kỹ thuật đồ khuôn gồm các loại: dọi xe sợi, chạc gốm, bi, đồ đựng... Hoa văn trang trí trên đồ gốm rất phong phú: khắc vạch làn sóng, chữ S, chấm lỗ, chấm tròn, văn thừng tròn, khắc vạch, miết nhẵn trên thừng. Đồ án hoa văn đặc trưng của gốm Gò Hện là in chấm kiểu (Gò Bông và mai rùa). Gốm Gò Hện phần nhiều màu đỏ có chỗ miết bóng nhiều, da nâu. Ở những mảnh gồm mịn trang trí hoa văn thừng có những nạm trắng nổi lên trên nền đỏ, nâu của gốm.

Căn cứ vào những di vật tìm được, khi nghiên cứu di chỉ Gò Hện, có thể xếp vào giai đoạn sơ kỳ thời đại Đồng Thau.

Địa điểm khảo cổ học Chùa Gio (xã An Thượng, huyện Hoài Đức):

Di chỉ Chùa Gio nằm trên cánh đồng Chùa Gio thuộc thôn Thanh Quang, xã An Thượng, huyện Hoài Đức. Di chỉ nằm trên cánh đồng màu, cao hơn mặt ruộng xung quanh chừng 1m, cao hơn mực nước biển 6m, ở kinh độ 105"41’30” Đông, vĩ độ 20°59’15” Bắc. Di chỉ nằm cách sông Đáy chừng 1,50km. Di chỉ này đã được Viện Khảo cổ học khai quật năm 1968.

Ngay trong lớp trồng trọt có màu nâu xám, đã chứa nhiều di vật thuộc các thời khác nhau, trong đó có di vật thuộc giai đoạn Hậu kỳ đá mới. Sở dĩ có hiện tượng này là vì một phần tâm của tầng văn hóa Hậu kỳ đá mới bị xáo trộn do người đời sau trồng trọt, cày xéo lên. Tầng văn hóa dày khoảng 80cm, sâu từ 10 đến 90cm, màu đất này đổi từ nâu xám, nâu sẫm đến nâu sáng, trong chứa nhiều than tro và hiện vật khảo cổ. Các lớp vô sinh nằm ở độ sâu 90cm trở xuống có cấu tạo như sau: Dưới tầng văn hóa là đến lớp đất sét có màu vàng sáng, dầy khoảng 30cm; tiếp đó là vết đất chứa hàm lượng ô xít sắt cao, sau đó là lớp cát xám. Đợt khai quật khảo cổ học lớn ở đây đã phát hiện được 11.435 mảnh gốm và 32 hiện vật gốm nguyên vẹn, 584 hiện vật đá và một ngôi mộ thời Bắc thuộc.

Đồ đá chủ yếu làm từ các loại Spilit, Amphibolit, Quartz, sa thạch... Mỗi công cụ tùy thuộc vào công dụng mà được dùng các loại đá khác nhau, phổ biến nhất là loại đá Spilit. Các loại đá này ở đây thường có vân khá đẹp và phủ một lớp Patin mỏng làm cho công cụ có màu sắc đá tự nhiên. Đồ đá thường có màu xanh sẫm, xanh nhạt, tím, trắng ngà...

Đồ đá khu di chỉ này khá phong phú về loại hình gồm: rìu, đục bàn mài, mũi khoan, hòn kẻ, hòn nghè, chì lưới, mũi tên, mũi nhọn, lưỡi đã, công cụ đánh bóng, vòng tay, vòng lớn, vòng tại, hạt chuỗi, mảnh tước, đã có vết cưa, sỏi có dấu mài mòn, lõi vòng.

Đồ gốm có nhiều loại hoa văn như: văn thừng mịn, văn thừng thô, văn chải, văn khắc vạch và chấm dài, văn sóng nước và không hoa văn.

Gốm ở đây thuộc loại gồm thỏ, đất sét pha thêm cát mịn. Mặt ngoài và mặt trong thoa thêm một lớp áo mịn làm cho mặt gồm thêm mịn. Gồm làm bằng bàn xoay, độ nung khoảng 800°C.

Về niên đại, di chỉ Chùa Gio được hình thành cách nay khoảng 4000 năm, đến thời Bắc thuộc thì trở thành mộ địa của quan lại phương Bắc hoặc tộc người Việt.

Di chỉ khảo cổ học Phượng Hoàng (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai):

Di chỉ khảo cổ học Phượng Hoàng thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, nằm ở vị trí 25"10230" vĩ độ Bắc, 68'7230" kinh độ Đông, cao hơn mặt nước biển 76,2m.

Di chỉ được phát hiện và khảo sát năm 1993, ước tính diện tích của di chỉ khoảng 1.800m’, chia làm hai khu: Khu thứ nhất nằm trên sườn núi Phượng Hoàng và Cánh Diều, diện tích khoảng 900m’; khu thứ hai nằm ở vòng cung của hai ngọn núi Phượng Hoàng và Cảnh Diều, cách khu thứ nhất 40m, diện tích cũng khoảng 900m. Đầu năm 1994, bộ mòn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây tiến hành khai quật với diện tích 43,6m2. Địa tầng hố khai quật có ba lớp:

- Lớp đất canh tác và đất trôi có độ dầy 25cm, đất có màu vàng nhạt khá tơi xốp. Hiện vật thu được gồm xương động vật, gồm và những mảnh đá công cụ, bàn mài, rìu đá....

- Lớp văn hóa, độ dầy trung bình 70cm, chỗ dầy nhất 100cm, đất có màu đen sẫm và độ kết dính cao. Dấu vết than tro phân bố rải rác khắp trong tầng văn hóa. Ở độ sâu 60cm phát hiện một lớp đất cháy màu đỏ gạch dài 163cm, rộng 8cm. Lớp đất này lẫn nhiều đá dăm, đá cục và đá tảng. Hiện vật thu được gồm các công cụ bằng đá bàn mài, vòng trang sức, rìu, xương, gốm vụn, bi gốm, chạc gốm và mảnh xương động vật, đoạn dây đồng.

- Lớp sinh thổ có màu vàng nghệ, chưa phát hiện được hiện vật.

Gốm di chỉ Phượng Hoàng có ba loại chính là gốm mịn, tương đối mịn và gốm xốp, trang trí văn thừng đập, văn khắc vạch: trổ lỗ xoáy ốc, nền thừng, chữ S, văn chải, văn in chấm lăn, văn in cuống rạ, văn hình vỏ na, văn trổ thủng, miết láng.

Từ đặc điểm các loại hiện vật ở di chỉ Phượng Hoàng này cho phép xác định di chỉ có niên đại sơ kỳ thời đại Đồng Thau, thuộc giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng 4000 đến 3500 năm.

Giai đoạn Đồng Đậu

Di chỉ khảo cổ học Đồng Dền, thế kỷ II trước Công nguyên (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ)

Di chỉ khảo cổ học Đồng Dền thuộc thôn Yên Khê, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, cách sông Tích nơi gần nhất là 2,5km.

Di chỉ được phát hiện năm 1965 và được khai quật ngay 155m, sau đó đến năm 1970, Viện Khảo cổ học tổ chức khai quật lần hai gồm 234m. Di chỉ ở trên gò đất cao hơn mặt ruộng từ 2 đến 3m.

Cấu tạo địa tầng di chỉ gồm ba lớp, trên cùng là lớp đất canh tác, tiếp đến là tầng văn hóa, dưới cùng đến lớp đất cái, đất sét vàng thẫm. Lớp đất văn hóa màu đen dày từ 30 đến 40cm.

Hiện vật thu được gồm rìu đá hình thang mài vát một mặt, rìu đá hình chữ nhật, mảnh vòng đeo tai, khuôn đúc đồng, đục đá, chì lưới, hạt chuỗi, hòn kê, hòn ghè, bàn mài, qua đá. Đồ gốm có màu nâu xám, có loại miệng gãy, miệng có hình khum vào, có loại miệng loe, miệng thẳng, hoa văn hình học trang trí trong miệng, văn khuông nhạc tạo thành hình sóng nước, chữ S nối đuôi nhau, văn xoắn ốc. Dưới đáy hố thăm dò gần đất cái phát hiện loại gốm có màu gạch non, độ nung khoảng 8.000 độ C văn thừng nhuyễn, miệng không có hoa văn trang trí. Đồ đồng gồm: rìu, đục, mũi mác, mũi nhọn, mũi tên, lưỡi câu, mảnh thạp.

Xét tổng thể những hiện vật tìm thấy ở Đồng Dền, có thể xếp địa điểm khảo cổ học Đồng Dền ở vào trung kỳ thời đại Đồng thau, thuộc giai đoạn Đồng Đậu, ở vào thời kỳ phát triển văn hóa độc lập ở nước ta - thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên - thời các vua Hùng.

Giai đoạn Gò Mun

Di chỉ khảo cổ học Đường Cổ (xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên)

Di chỉ khảo cổ học Đường Cổ thuộc thôn Lập Phương, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, nằm trên một gò cao, so với mực nước biển là 3,5m, cách sông Hồng nơi gần nhất khoảng trên 1km, diện tích di chỉ khoảng 1.600m2.

Địa điểm khảo cổ học này được phát hiện năm 1965 và được khai quật lần đầu vào tháng 10 năm 1965 khoảng 100m2, đợt khai quật lần hai vào tháng 2 năm 1979 với diện tích 40m2.

Di chỉ này có một tầng văn hóa, gồm các lớp đất sau: Trên cùng là lớp đất phù sa màu nâu sẫm, dày trung bình 20 đến 30cm; tiếp đến là lớp đất đen của tầng văn hóa dày từ 60 đến 80cm; cuối cùng là lớp đất cái, đất sét màu vàng.

Trong tầng văn hóa của di chỉ có cả dấu tích cư trú và mộ táng. Đã tìm thấy nhiều than tro ở mặt đất cái, trong đó chứa nhiều mảnh đất nung công cụ đá và nhiều than tro. Trong di chỉ cư trú ngoài gốm vỡ còn thấy rìu đá, dọi xe chỉ bằng đất nung, chì lưới bằng đá nung, nồi gốm thô, lao có ngạnh bằng đồng, khuyên tai đồng, dây đồng và cuốc sắt.

Mộ táng được chôn theo hai hướng đông và đông bắc, trong các mộ tìm thấy một số mảnh xương sọ, nồi gốm thô, nồi con có tráng men, bát có tráng men, vò, cuốc đất bằng cao lanh trắng, dọi xe chỉ, khuyên đá, vòng tay đồng, khuyên tai đồng, rìu đồng mũi giáo đồng, đục đồng, mũi lao đồng, đĩa đồng hạt trang sức màu xanh. Đồ gốm bản địa chôn theo trong mộ phần lớn là những nồi hình cầu, đáy tròn miệng loe xiên... số lớn trang trí bằng văn chải, số ít trang trí bằng văn thừng, tất cả đều được làm bằng bàn xoay. Đồ gốm thuộc văn hóa Hán thường thấy ở thời Đông Hán màu trắng mộc hoặc hồng nhạt, phương Bắc. Gốm di chỉ Đường Cổ có xương gốm pha nhiều cát mịn.

Đường Cổ là địa điểm khảo cổ học có một tầng văn hóa gồm di chỉ cư trú và mộ táng. Mộ được chôn muộn sau khi di chỉ bị phá bỏ.

Tên gọi của di chỉ khảo cổ học này là Đường Cổ đồng thời cũng được gọi chung cho một nhóm di chỉ khảo học thuộc giai đoạn sau Văn hóa Gò Mun - văn hóa Đường Cổ có niên đại từ thế kỷ II trước Công nguyên đến thế kỷ III sau Công nguyên thuộc Văn hóa Đông Sơn.

Di chỉ khảo cổ học Chiềng Vây (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức)

Địa điểm khảo cổ học Chiềng Vây thuộc xã Trạch, huyện Hoài Đức, phân bố trên một gò đồi cao hơn mặt ruộng từ 1m đến 2,5m, cao hơn mặt nước biển khoảng 7 - 8m, ở vĩ độ 20"2’ kinh độ 105"43’30”. Diện tích gò ước chừng 60.000m2. Khu gò cách trung tâm Hà Nội 10km. Di chỉ nằm giữa sông Hồng và sông Đáy, nơi gần nhất là 5km. Đây là khu mộ táng của nhiều thời đại. Di chỉ được phát hiện từ năm 1969, qua hai lần khai quật năm 1969 và 1971.

Di chỉ khảo cổ Chiềng Vây qua hai lần khai quật xuất lộ hai tầng văn hóa: Tầng văn hóa sớm thuộc Văn hóa Gò Mun nằm ở dưới, tầng văn hóa muộn thuộc nhóm di tích Đường Cổ nằm ở trên. Kết quả khai quật đợt 1 thu được 10.474 mảnh gốm vỡ, 12 hiện vật bằng đất nung, 27 hiện vật bằng đá, 30 hiện vật bằng đồng và 1 hiện vật bằng sắt. Lần khai quật thứ hai năm 1971, thu được ở hố 1 gồm 64 hiện vật, trong đó có 18 đồ đá, 11 đồ đất nung, 34 đồ đồng, 1 đồ sắt, cùng 10.336 mảnh gốm; hố 2 thu được 18 đồ đá, 2 đồ đất nung, 11 đồ đồng, 1 đồ sắt và 2.112 mảnh gốm. Các đồ vật bằng đá bao gồm rìu, bàn mài, lõi vòng, hạt chuỗi, vòng tay, khuyên tai; đồ đồng có rìu, giáo, mũi tên, dùi, đục, dao, lao, lưỡi câu, trâm cài tóc, vòng tay, khuyên tai, kim. Đồ gốm có chì lưới, bi, dọi xe chỉ, mảnh gốm trang trí nhiều loại hoa văn như văn thừng, văn tổ ong, văn trám to, văn chải song song, văn chải, văn nan chiếu, văn thừng gốm Gò Mun, văn thừng gốm Đường Cổ, văn in ô vuông, gốm Hán, văn hình học, không hoa văn.

Ngoài ra, nơi đây còn phát hiện được một số vết tích mộ táng, như phát hiện một mảnh sọ nằm bên cạnh một số mảnh của chiếc vò gốm thuộc loại gốm Đường Cổ, cùng một hố khai quật khác cũng có nồi gốm loại Đường Cổ vỡ cùng xương sọ người mủn nát.

Căn cứ vào những đồ gốm có niên đại cuối thời Chiến Quốc - Tây Hán, niên đại của nhóm di tích muộn ở đây tức là Văn hóa Đông Sơn loại hình Đường Cổ có niên đại sớm nhất vào khoảng những thế kỷ IV - III trước Công nguyên. Văn hóa Gò Mun gồm cả giai đoạn sớm và muộn có thể có niên đại sớm nhất vào khoảng cuối thiên niên kỷ II đến đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên.

Di chỉ khảo cổ học Vinh Quang (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức)

Địa điểm khảo cổ học Vinh Quang thuộc xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, cách tả ngạn sông Đáy nơi gần nhất là 2km, ở vĩ độ 2103’06” Bắc và kinh độ 105"40’20” Đông. Cao hơn mặt ruộng phía đông từ 1 đến 1,5m.

Di chỉ khảo cổ học Vinh Quang được phát hiện năm 1965 và được khai quật vào các năm 1966, 1967 và 1968. Di chỉ này có hai tầng văn hóa: lớp dưới và lớp trên.

Trong những hố khai quật có hai tầng văn hóa, lớp dưới thường nằm ở độ sâu cách mặt đất từ 1,7 đến 1,8m cho đến tận đất cái.

Lớp văn hóa trên nằm cách mặt đất từ 0,5 đến 1,9m. Lớp trên thường tìm thấy các hiện vật đá như rìu hình thang, hòn ghè, khuyên tai, đồ đất nung thấy suốt chỉ, chì lưới. Đồ xương gồm 1 chiếc răng nanh chó được khoan một lỗ để đeo. Đồ đồng có rìu, mũi giáo, mũi lao, chuôi dao, lưỡi câu. Đồ gốm chiếm số lượng khá lớn, hầu hết được làm bằn bàn xoay, hoa văn khắc vạch những đường ngang dọc, hoa văn hình tam giác, hình thoi, hình chữ S, văn chìm tròn, văn hình chim...

Ở lớp trên phát hiện các loại đồ đá như rìu, bàn mài, khuyên tai, quả cân, vòng đeo tay, chầy hòn cuội. Đồ đất nung gồm chỉ lưới, suốt chỉ, chảy mảnh nối rót đồng, có vết đồng bám bên trong. Đồ đồng gồm: rìu, mũi giáo, mũi tên, dao găm, đục, móc tai, dao, chuỗi giáo, mũi lao, 2 đồng tiền bán lạng, một vật có dạng hình gà, lục lạc, vòng đeo tay, lưỡi câu... Đồ xương có mũi lao và một vật giống phao câu cá, trong lớp này phát hiện nhiều mảnh gốm vỡ, chế tác bằng bàn xoay, có màu trắng mốc, hoa văn trang trí tập trung vào một số loại: hoa văn hình học, văn chải răng lược, văn in dây thừng, văn ấn chìm tròn, văn chữ S, văn hình gãy khúc, làn sóng và văn in ô vuông. Trong lớp này còn thấy di cốt động vật: lợn nhà, lợn rừng, trâu bò, hươu nai, cá, chó, rùa. Ngoài ra còn tìm thấy 47 bộ xương người gồm loại người Mongoloit và loại Australo, Negroit, loại người Mongolit có nhiều nét giống nét người Việt hiện đại.

Niên đại của lớp dưới tương đương với giai đoạn Văn hóa Gò Mun. Lớp trên có niên đại muộn hơn tương đương di chỉ Đường Cổ, gò chùa Thông…, không thể sớm hơn niên đại của những đồng tiền bán lạng (187 - 180) trước Công nguyên.

Giai đoạn Đông Sơn

Giai đoạn Văn hóa Đông Sơn bao gồm cả miền Bắc nước ta hiện nay, từ vùng biên giới phía Bắc tới đèo Ngang của Quảng Bình, mà trung tâm là lưu vực sông Mã ở Thanh Hóa. Di tích Văn hóa Đông Sơn trên vùng đất phía tây nam Hà Nội phân bố nhiều dọc theo sông Đáy, sông Tích với mật độ dày đặc ở các thềm phù sa cổ mà nền gốc bên dưới là phù sa có ảnh hưởng biển và sông. Có nhiều di tích được đoán định niên đại 2350±100 năm, như ở gò An Thượng huyện Hoài Đức; Quảng Phú Cầu, Đội Bình huyện Ứng Hòa; Phượng Cách huyện Quốc Oai; Ước Lễ huyện Thanh Oai... Đặc trưng của Văn hóa Đông Sơn là kỹ thuật chế tác đồng mà đỉnh cao là trống đồng, cùng tập tục mai táng độc đáo là quan tài được làm bằng thân cây khoét rỗng có hình giống chiếc thuyền được chôn theo những mái chèo, nên còn gọi là mộ thuyền. Dưới đây là hai loại hình khảo cổ học đặc trưng này của Văn hóa Đông Sơn.

Mộ cổ Châu Can (xã Châu Can, huyện Phú Xuyên)

Mộ cổ Châu Can nằm ở khu mộ trên thửa ruộng Ao Hồn trong lòng con mương chảy từ sông Nhuệ ra phía Quốc lộ số 1 thuộc xã Châu Can, huyện Phú Xuyên. Mộ có quan tài, quan tài được đặt gần như song song nhau trên độ dài 50m theo lòng con mương, trong lớp đất bùn đen ở độ sâu 1,8 đến 2,2m so với mặt ruộng. Đầu quan tài quay về hướng nam chếch động từ 18 đến 43".

Trong khi khơi lòng mương, đội thủy lợi của hợp tác xã, xã Châu Can đã phát hiện được những ngôi mộ này. Ngay sau đó vào năm 1974, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành khai quật.

Đến nay đã có 8 ngôi mộ được phát hiện ở đây, trong đó có 5 ngôi có thể nghiên cứu được. Tất cả quan tài đều được làm bằng thân cây khoét rỗng. Thân gỗ dài từ 1,85 đến 2,32m, đường kính trên dưới 0,5m. Thân cây được bổ dọc, nửa dày làm thân, nửa mỏng làm nắp quan tài. Bên ngoài được đẽo sơ qua, bên trong được khoét hình lòng máng, hai đầu được chừa lại một khoảng để làm vách đầu và đuôi quan tài, nắp và thân quan tài được giữ khít nhau bằng bốn cái chốt hoặc bốn nút buộc xuyên qua các lỗ ở sát mép quan tài. Không những thế, còn được chêm thêm nêm gỗ để cho nút buộc được căng. Một vài mộ còn tìm thấy những sợi dây song vót mỏng buộc ngang quan tài nhằm cho nắp và thân quan tài khít vào nhau.

Bên trong quan tài, người chết được đặt ngửa, hai chân duỗi thẳng, hai tay đặt song song với thân, người được bọc bằng những lớp vải mỏng hoặc những lớp đá chẻ nhỏ đan lại cẩn thận.
Trong mộ Châu Can số 3 có một xác phụ nữ khoảng 30 tuổi, xương được bảo quản khá tốt. Ngôi mộ số 4 là xác một đàn ông chừng 60 tuổi.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hai sọ của hai mộ trứng, chỉ số đều là 74, 17. Sọ cao, lớn, mặt rộng, ổ mặt thấp, mũi rộng. Đường khớp giữa trán rõ, thuộc loại hình người có đặc điểm rất rõ của Ôxtoralóit.

Đồ tùy táng chủ yếu là những đồ đồng như rìu xéo, giáo, lao... và những đồ dùng bằng tre, gỗ, đồ đan, đồ gốm và có cả hiện vật làm bằng vỏ quả bầu.

Việc phát hiện mộ cổ Châu Can cho biết thêm một loại hình chôn cất mới của tổ tiên ta cách ngày nay hơn 2000 năm trên vùng đất phía tây nam Hà Nội ngày nay. Lần đầu tiên phát hiện một khu mộ thuộc loại thân cây khoét rỗng hay mộ hình thuyền này với số lượng lớn, được bảo lưu khá nguyên vẹn. Lần đầu tiên phát hiện được chiếc lao với cán tre còn nguyên dạng, những chiếc rìu xéo lắp vào cán gỗ, trong đó một đầu chiếc cán rìu được đẽo gọt theo dáng dấp của hình đầu chim trên trống đồng. Chiếc gáo làm bằng vỏ quả bầu có hình dáng giống một chiếc gáo bằng đồng phát hiện trong mộ cổ Châu Khê (Thái Bình).

Khu mộ cổ Châu Can, có niên đại khoảng cuối thế kỷ III đến đầu thế kỷ II trước Công nguyên.

Ngoài khu mộ cổ Châu Can trên vùng đất phía tây nam Hà Nội còn phát hiện khá nhiều ngôi mộ hình thuyền khác như: xã Chí Minh, Phượng Dực (Phú Xuyên); xã Hoa Lâm, Phượng Tú, Trầm Lộng, Kim Đường, Minh Đức (Ứng Hòa); phường Phú Lương, Phú Lãm (Hà Đông); xã Thắng Lợi (Thường Tín).

Các ngôi mộ trên thường ở ngay cạnh sông ngòi và ở vùng rất trũng, có trường hợp phát hiện trong lòng ao, số khác lại ở trên cánh đồng nơi chỗ ruộng thấp. Từ thực tế trên, có thể nhận thấy rằng người Việt cổ thời Đông Sơn đứng trước những biến cố mới, sự thay đổi về môi trường sống từ trung du và đồng bằng cao xuống cư trú ở vùng đồng bằng thấp lầy trũng, gần sông, ao hồ, ruộng trũng. Hình thức mai táng hình thuyền này phải chăng là một cách tân trong đời sống tâm linh của người Việt cổ khi chinh phục đồng bằng châu thổ Bắc Bộ?

Trống đồng Đông Sơn trên địa bàn phía tây nam Hà Nội (vùng đất tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội)

Trống đồng là một sản phẩm sản sinh từ nền văn minh nông nghiệp tiêu biểu của Văn hóa Đông Sơn, đồng thời là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng của người Việt cổ.

Trống đồng được phát hiện ở nước ta khá nhiều, trong đó có một số lớn được phát hiện tại địa bàn tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Theo Địa chí Hà Tây (Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây, 2007): Trong số 115 trống đồng được Viện Khảo cổ học giới thiệu năm 1990, thì có 15 chiếc ở địa bàn tỉnh Hà Tây (chiếm 12%), là địa phương thứ hai sau tỉnh Thanh Hóa có số lượng trống đồng lớn nhất. Thực tế, đến năm 2007, trên địa bàn Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) đã phát hiện cả thảy 26 trống đồng, gồm 17 loại H.I và 9 chiếc H.II (xem Địa chỉ Hà Tây, sách đã dẫn, tr. 186 - 190)./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Giới thiệu 10 truyện ngắn viết về thế giới học đường của nhà văn Tô Hoài
    NXB Kim Đồng vừa "trình làng" bạn đọc tập truyện ngắn “Mực tàu giấy bản” giới thiệu 10 truyện ngắn viết trước năm 1945 của nhà văn Tô Hoài. Ra mắt đúng vào dịp kỉ niệm 10 năm ngày mất của nhà văn Tô Hoài, cuốn sách là một minh chứng cho thấy di sản văn học của nhà văn Tô Hoài vẫn sáng lên bằng chính giá trị cho hôm nay và mai sau.
  • Ra mắt phiên bản mới 2 tác phẩm văn học kinh điển “Chuyện rừng xanh” và “Pinocchio”
    Hai tác phẩm kinh điển “Chuyện rừng xanh” và “Những cuộc phiêu lưu của cậu nhóc Pinocchio” vừa trở lại với bạn đọc trong diện mạo hoàn toàn mới. Phiên bản mới do NXB Hà Nội kết hợp với Crabit Kidbooks phát hành được chuyển ngữ bởi các dịch giả nổi tiếng Trịnh Lữ và Azura Nguyễn, được minh họa đẹp mắt bởi họa sĩ người Bỉ Quentin Gréban.
  • Nghề truyền thống làm diều sáo làng Bá Dương Nội
    Thả diều là thú chơi quanh năm của người làng Bá Dương Nội từ nhiều đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tích về hội diều vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân nơi đây như một dấu tích khó thể phai mờ. Ngày 21/2/2024, Hội thả diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (Huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
  • Hội LHPN Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác Hội và phong trào phụ nữ
    Nằm trong khuôn khổ Hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ công tác báo chí thành phố tháng 7/2024, chiều 3/7, Hội LHPN Hà Nội thông tin về kết quả công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
  • 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội có hơn 6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại
    Theo Cục thống kê Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 3% và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Di tích khảo cổ ngoại thành Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO