Đền Trúc Lâm (huyện Ba Vì)
Đền Trúc Lâm thuộc địa phận thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Đền nằm ở phía tây, cách trung tâm Hà Nội khoảng 65km. Đình Trúc Lâm thờ danh tướng thời Trần tên là Phùng Lân Hổ, đã có công dẹp giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII.
Theo ngọc phả ghi chép và truyền thuyết, nơi đây có người con gái xinh đẹp là tiên nương Phùng Thị Dung chăm chỉ làm ăn, tích thiện, ngày ngày vào rừng kiếm củi. Bỗng một hôm có đám mây che rợp bầu trời, tiếng hổ thét gầm dữ dội, bà hoảng sợ chạy về nhà, sau đó bà có thai, thai tròn 14 tháng bà sinh được 1 cậu bé thông minh, tuấn tú đặt tên là Lân Hổ. Lân Hổ lớn lên sống cuộc sống lam lũ, hàng ngày phải đối phó với thú dữ nên chàng thường xuyên tập luyện võ nghệ, trở thành chàng trai có sức mạnh phi thường. Năm 1257 nhà Trần có giặc Nguyên Mông đến xâm lược, Lân Hổ đã xin nhà vua một con ngựa chiến, một truỳ sắt giúp vua đánh giặc. Ông đi đến đâu giặc tan đến đó, nhân dân trong vùng nhờ uy thần nơi nơi lại yên ổn như xưa. Uy danh của ông lừng lẫy bốn phương đã được vua Trần ban tám chữ: “Nam phương trúng khí, Bắc khẩu hàn lâm”
Ngôi đền toạ lạc trên khu đất rộng trong khu vực cư trú của làng, hướng đông nam. Quy mô kiến trúc bề thế gồm: Tam quan, 2 dãy nhà Tả hữu mạc và đền chính.
Tam quan được xây bằng gạch, kiểu chồng diêm 4 mái. Hai bên cổng là hai cột trụ biểu, đắp nổi hình tứ linh.
Qua Tam quan là đến sân đền. Liền với sân là hai dãy nhà tả hữu mạc của đền. Hai dãy nhà này nằm song song quay hướng vào sân. Mỗi nhà gồm 5 gian, làm kiểu quá giang cột trốn, chủ yếu đóng bén bào trơn đơn giản.
Đền chính gồm 3 gian 4 mái và 2 chái. Cấu trúc của ngôi đền khá độc đáo và đẹp, kiểu nhà dọc rất ít gặp ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các đầu đao uốn cong tạo thành đầu rồng và rồng lá uốn khúc. Trên diềm mái được chạm nổi các hình tứ quý, bát bửu, hoa dây tạo thành một hệ thống liên hoàn. Bờ nóc chạm thủng, đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Bao quanh ngôi đền là những ván bưng gỗ bào nhẵn mặt trước làm thành cửa bức bàn. Các bộ vì đỡ mái kiểu chồng rường giá chiêng. Trên các đầu kẻ bẩy chạm nổi hình đầu rồng, tứ quý và vân mây. Đây là những mảng chạm khắc tiêu biểu mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung hưng thế kỷ XVIII.
Di vật lưu giữ ở đền còn khá nguyên vẹn gồm: 01 cuốn ngọc phả, 05 đạo sắc phong, 4 đôi câu đối, hương án, khám thờ, long ngai, bài vị và rất nhiều đồ tế tự khác.
Đền Trúc Lâm được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02