Chùa Linh Ứng (huyện Gia Lâm)
Chùa Linh ứng thuộc địa phận thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Như nhiều ngôi chùa khác ở nước ta, chùa Linh Ứng được xây dựng khá sớm nhằm thoả mãn nhu cầu tôn giáo thờ Phật của cộng đồng cư dân làng xã nói chung và dân làng Thuận Tốn nói riêng.
Căn cứ vào các tấm bia và chuông hiện còn tại chùa như: Tấm bia dựng ngày 17 tháng 6 năm thứ nhất niên hiệu Vương Đức (1672): 2 tấm bia hậu niên đại Cảnh Hưng (1781): quả chuông đúc năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) có thể khẳng định chùa Linh Ứng có niên đại xây dựng sớm ít nhất từ thời Lê.
Từ ngoài vào chùa Linh Ứng gồm có các công trình: cổng chùa, chùa chính, nhà Mẫu, nhà Tổ và nhà khách.
Chùa chính có quy mô kiến trúc khá lớn và bề thế, được làm kiểu chữ “đinh” bao gồm 5 gian Tiền đường và 5 gian Thượng điện. Toà Tiền đường xây kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh chính giữa nóc là một ô hình chữ “nhật” đắp 3 chữ Hán lớn “Linh Ứng tự”. Hai trụ biểu được xây đối diện nhau bằng gạch vuông to, đỉnh trụ là 4 con chim phượng chụm đuôi thành hình trái dành, bờ dải xây giật cấp. Nghệ thuật chạm khắc với các đề tài trang trí truyền thống của kiến trúc Phật giáo “tứ linh”, “tứ quý” đường nét chạm khắc chau chuốt, tỉ mỉ mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX.
Thượng điện của chùa được nối liền gian giữa Tiền đường về phía sau tạo nên vẻ thâm nghiêm của ngôi chùa cổ. Bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng được bào trơn đóng bén. Toàn bộ phần giữa Thượng điện xây một bệ gạch lớn gồm 6 bậc cao dần từ ngoài vào trong. Đây chính là nơi tọa lạc của các pho tượng, nơi trang trọng của cửa thiền.
Trải qua một thời kỳ dài trong lịch sử dân tộc bị chiến tranh, thiên tai tàn phá nặng nề, chùa Linh Ứng đến nay vẫn bảo lưu được khối lượng di vật phong phú và có giá trị. 32 pho tượng Phật được tạo tác vào thời Lê - Nguyễn. Tượng Phật có kích thước không lớn song được làm khá đẹp, chau chuốt, tỉ mỉ, một số pho điển hình mang tính nghệ thuật cao như: 3 pho Tam thế, A Di Đà, tượng Quan Âm..., 3 pho tượng hậu, 3 pho tượng Tam toà Thánh Mẫu... Ngoài ra, các di vật với các chất liệu khác nhau: 3 tấm bia đá, 2 quả chuông đồng niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752) và Thiệu Trị thứ 4 (1843), đôi câu đối và một bức đại tự...
Chùa Linh Ứng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02