Chùa Kiều Mộc (huyện Ba Vì)
Chùa mang tên địa danh của làng Kiều Mộc, thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội.
Chùa có tên chữ là Thiên An tự, nằm ở phía bắc Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng hơn 70km.
Đây là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời. Kiều Mộc xưa kia có tên gọi là Mộc Hoàn Trang, sang thời Nguyễn được đổi thành Kiều Mộc. Nơi đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy được rất nhiều di vật như giáo, lao, trống đồng, rìu đá, đồ gốm minh chứng cho sự xuất hiện của người Việt trên dải đất này cách ngày nay khoảng 4000 - 2000 năm.
Chùa Kiều Mộc xưa kia rất to đẹp, quy mô kiến trúc khang trang, bề thế với nhiều hạng mục công trình và các di vật quý giá. Nhưng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa bị giặc tàn phá và tháo dỡ nguyên vật liệu để xây dựng đồn bốt. Nhân dân Kiều Mộc đã thu gom các di vật đưa về ngôi miếu cổ giữa làng để thờ tự. Hiện nay, chùa có kết cấu kiểu chữ “nhị” gồm toà Tiền đường và Thượng điện.
Tiền đường có 5 gian, tường hồi bít đốc và đã được trùng tu nhiều lần. Kiến trúc hiện nay xây dựng vào thời Nguyễn.
Thượng điện gồm 3 gian 2 dĩ. Kết cấu kiểu chồng rường con nhị, bẩy hiện trên 4 hàng chân cột. Hai bên đầu hồi và phía sau được bưng kín bằng tường gạch. Bên trong Thượng điện, nửa sau của gian giữa làm thành gác lửng. Trước kia là nơi đặt ngai thờ, bài vị thành hoàng làng. Hiện nay là nơi toạ lạc chính của các pho tượng Phật. Nằm giữa Tiền đường và Thượng điện là toà Thiêu hương được xây dựng vào năm Bảo Đại thứ 16 (1941), 2 tầng 8 mái, kết cấu kiểu 1 gian 2 dĩ với 4 kẻ góc tạo đao cong. Điều đặc biệt ở ngôi chùa này là toàn bộ khung nhà đều được trang trí các hoạ tiết hoa văn hết sức tinh xảo. Tất cả các bức chạm đều được tạo tác tinh tế, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX.
Ngoài nghệ thuật chạm khắc, hiện nay chùa Kiều Mộc còn lưu giữ được 03 bức hoành phi, 01 bộ cửa võng, 01 sập thờ sơn son thếp vàng lộng lẫy, 01 quả chuông đồng cùng một số đồ tế tự bằng chất liệu gỗ, sứ, vải và 13 pho tượng cổ. Nhìn chung các pho tượng không lớn, nhưng mỗi pho tượng đều có vẻ đẹp riêng, đặc trưng phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX.
Chùa Kiều Mộc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, ng thuật năm 1999./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02