Chùa Đông Dục Nội (huyện Đông Anh)
Chùa Đông Dục Nội có tên chữ là Phúc Hương tự, hiện thuộc thôn Đông Dục Nội, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Dục Nội mà xưa kia có tên gọi là Dộc Nội, là vùng đất tiếp giáp với Cổ Loa, cách chân thành ngoại Cổ Loa về phía bắc gần 500m. Do vậy vùng đất này có lịch sử phát triển từ lâu đời, gắn bó mật thiết với Cổ Loa, một thời là kinh đô của cả nước. Chùa Phúc Hương là di tích kề cận với khu di tích Cổ Loa.
Cũng giống như đại đa số các chùa làng ở miền Bắc nước ta, chùa Phúc Hương được dựng nên để thờ Phật, cúng Mẫu đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Khác với các thôn làng khác do có dân số và địa bàn thổ cư rộng nên 1 làng đã chia thành 3 thôn cũ là Đông, Trung và Đoài. Theo dòng phát triển của lịch sử, thôn Đông có riêng một chùa, chung đình Trung với thôn Trung. Chùa Trung được thôn Trung và thôn Đoài thờ chung. Đình Đoài là của riêng thôn Đoài, từ thời tiêu thổ kháng chiến tháo dỡ mất đình Trung thì cả làng chung thờ về một ngôi đình ở thôn Đoài. Sự phân bổ di tích ở Dục Nội đảm bảo cho sự đoàn kết giữ mối quan hệ liên kết của một cơ cấu làng xã cổ.
Theo các dấu tích, di vật còn lại ở chùa và các tư liệu hồi cổ của nhân dân địa phương thì chùa Đông ra đời từ rất sớm. Tại chùa còn tượng hậu có niên đại đời Lê Cảnh Hưng, chuông đồng đời Minh Mệnh là cơ sở để đoán định việc chùa đã được xây dựng ít nhất từ thời Hậu Lê cuối thế kỷ XVIII, được sửa chữa và tu bổ vào cuối thời Nguyễn giữa thế kỷ XIX.
Trải qua thời gian bị chiến tranh tàn phá, hiện chùa còn giữ đến nay không nhiều kiến trúc cổ. Những năm qua, kiến trúc chùa đã được nhân dân quan tâm, tu bổ, nâng cấp thêm nhiều để có được một tổng thể các công trình kiến trúc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng cho nhân dân.
Chùa Phúc Hương đã được UBND Thành phố xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1999./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02