Danh thắng & Di tích Hà Nội

Quần thể di tích - danh thắng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức)

Sơn Dương (t/h) 29/08/2023 11:43

Quần thể di tích - danh thắng Hương Sơn hiện tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Chùa Hương- hay nói một cách khác đầy đủ là quần thể di tích - danh thắng Hương Sơn, thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Nói tới chùa Hương là nói tới danh lam có một không hai ở Việt Nam. Có người đã nói, chùa Hương có phong cảnh như vịnh Hạ Long trên . Ở đây có hệ thống núi non, có rừng Hương Sơn 3 tầng thực vật, có suối Yến trong xanh đưa khách vào chùa. Lễ hội chùa Hương hàng năm mở từ ngày mùng 6 tháng giêng đến cuối tháng 3 âm lịch, là “lễ hội dài ngày nhất nước”. Mỗi năm có khoảng 1 triệu lượt người tham quan, trẩy hội chùa Hương. Du khách đến chùa Hương vừa là để lễ Phật, vừa được thưởng ngoạn một vùng non nước kỳ vĩ nên thơ với những núi non, hang động, chùa chiền - nơi lưu truyền Phật thoại Nam Hải Quán Thế Âm Bồ tát tu hành đắc đạo, lưu dấu thơm trên đất Phật này. Từ năm 1925, phủ Toàn quyền Pháp ở Đông Dương đã ra Quyết định liệt hạng di tích chùa Hương. Năm 1962, Bộ Văn hoá đã ra quyết định xếp hạng di tích quốc gia cho chùa Hương.

chua-huong-1mdd.gif
Sơ đồ thắng cảnh chùa Hương

Đền Trình gọi tên đầy đủ là Trình - Ngũ nhạc. Ngôi đền được cổ nhân xây dựng ở chân một quả núi 5 ngọn. Đền này xưa kia có quy môn khá lớn với toà Đại bái trăm gian nhưng năm 1947 thực dân Pháp ném bom tàn phá chỉ còn lại 3 gian Hậu cung. Quy mô hiện nay là diện mạo của những lần tôn tạo, tu bổ gần đây. Đền Trình thờ vị thành hoàng là Hùng Lang đại vương - người có công cùng với Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân cứu nước thời vua Hùng Vương. Đất nước thanh bình, ông trở về sống với dân làng Yến Vĩ, khi mất được nhân dân lập đền tôn thờ. Du khách vào thăm chùa Hương, vào đền Trình thắp nén hương thơm cũng là dịp để “trình” đã vào cõi đất Phật.

den-trinh-ch.jpg
Đền Trình

Đền Trình dựa lưng vào núi nhìn về bến Đục. Ngoài sân xưa kia có những tác phẩm điêu khắc đồ sộ. Đó là những con voi chất liệu bằng đá xanh và các cột đèn lồng cũng được chạm khắc đá núi. Ngày nay, vẻ đẹp của công trình kiến trúc này cũng được tu bổ với hai hạng mục: Toà Đại bái và Hậu cung. Bên ngoài đã đắp lại đôi voi và cột đèn theo bố cục, quy cách xưa. Một số di vật để thờ tự cũng được bài trí lại nên nội thất rất trang nghiêm. Vẻ đẹp của công trình còn được tô thêm bởi cảnh quan thiên nhiên có núi làm nền, có suối chảy ngay bên cạnh và những cây lưu niên quanh năm xanh tốt.

Theo hai bờ suối Yến, núi đá nhấp nhô in hình trên mặt nước. Ngọn núi nào cũng có tên: núi Đổi Chèo, núi Bưng, núi Con Voi, núi Mâm Xôi. Bên phải là Vụng Mát, núi Ba Đài, núi Con Gà và núi Giải Cờ. Ngọn núi nào cũng có sự tích người xưa truyền lại. Ví như núi Con Voi có vách dựng đứng như vách chém. Đó là vì “ Voi” đã không quay đầu vào đất Phật nên bị “phạt”. Nơi xứ sở thần tiên, mỗi câu chuyện nhuốm màu huyền tích đã góp phần làm hấp dẫn du khách khi chuẩn bị bước chân lên núi thăm chùa.

suoi-yen-ch.jpg
Suối Yến

Đến chùa Thiên Trù, bên trái có một nhà bia, đáng chú ý có bia “Thiên Trù tự bi ký” được lập vào tháng 3 nhuận năm Chính Hoà thứ 7 (1686), bia ghi sự tích các vị hưng công hội chủ cùng khách thập phương đóng góp công đức. Ở đây còn có tấm bia “Trùng tu Hương Tích tự bi” của Thái tử thiếu bảo Hiệp tá Đại học sĩ, Lãnh đốc học tỉnh Hà Đông Hoàng Trọng Phu lập năm Khải Định thứ 6 (1921).

Chùa Thiên Trù, theo một số tài liệu mới tìm được thì khi xưa vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đi tuần thú qua đây đã đóng quân nghỉ lại ở thung lũng này và cho lính thổi cơm ăn. Vua xem thiên văn thấy vùng này lâm vào địa phận của sao Thiên Trù - một sao chủ về việc ăn uống - nên nhân ấy đặt tên chùa là Thiên Trù”.

gac-chuong-chua-thien-tru.jpg
Gác chuông chùa Thiên Trù

Xung quanh địa phận xây dựng chùa Thiên Trù có 3 ngọn núi gần nhau. Nhìn từ ngoài vào, ta thấy 2 ngọn núi Phụ Mã ở hai bên và núi Sau Chùa ở phía sau. Người xưa đã tưởng tượng như những phiến “Đầu Rau” to lớn mà thiên nhiên đã bầy đặt. Những ngọn núi này có độ cao trung bình 378m.

Theo tấm bia đá dựng năm Chính Hoà thứ 7 (1686) và cuốn sách chữ Hán “Hương Sơn Thiên Trù thiền phả” thì nhà sư Viên Quang là người có công trong việc đứng ra tập hợp một số phi tần của phủ chúa Trịnh và công sức của dân xã để xây dựng khu chùa này và tu bổ chùa Trong.

Theo truyền thuyết thì khu chùa này được xây dựng sớm hơn rất nhiều. Ở thế kỷ XVII, khu vực Thiên Trù đã có một quy mô khá to lớn nhưng đã bị quân viễn chinh Pháp phá đi phá lại nhiều lần từ năm 1947.

Cũng theo cuốn “Hương Sơn Thiên Trù thiền phả”, nhà sư Viên Quang thế kỷ XVII và sau đó là các nhà tu hành tại chùa ở thế kỷ XVIII - XIX đến giữa thế kỷ XX vẫn đứng ra cùng nhân dân xây dựng thêm các hạng mục công trình tại khu vực Thiên Trù. Phần kiến trúc của chùa Thiên Trù cũng được xây dựng theo kiểu: “Ngũ môn tam cấp” (5 cửa 3 bậc). Hệ thống kiến trúc này được xây dựng trên một khu đất có diện tích hình chữ nhật chạy dài suốt từ chỗ sân dốc cho đến bức tường ngăn giữa khoảng đất bằng và núi sau chùa. Trước sân dốc có một cái cổng được xây dựng theo kiểu 2 tầng. Tầng dưới có 5 cửa, tầng trên được cấu trúc có những lầu nhỏ nhiều mái. Liên tiếp các bậc thềm, qua cửa Tam quan rồi đến Tam bảo. Bên cạnh Tam quan có gác trống, gác chuông, bể chứa nước, nhà ở của sư và các nhà cung văn, nhà tương, nhà oản... Đặc biệt chùa còn quả chuông thời Tây Sơn, Cảnh Thịnh năm thứ 2 (1793). Chuông đúc nổi 4 chữ Hán “Hương Tích động chung”, xung quanh chuông khắc chìm bài minh trong đó có nhắc tới chiếc trống đồng Hương Tích, tên vị sư Hải Viên - Phạm Trần Đoàn đã có công sửa chùa, đúc chuông đồng thời Lê - Trịnh. Chuông cao 1,02m, đường kính đáy 0,56m. Cù lao chuông đúc nổi một đôi rồng đăng đối cao 0,28m. Di vật cũ của chùa Thiên Trù còn vườn tháp (nơi an táng những vị sư đã tu tại chùa). Ở đây có hàng chục ngọn tháp xây bằng gạch và vôi vữa. Trong đó có tháp Viên Công và Thiên Thuỷ là hai tháp cổ thế kỷ XVII.

Trong hệ thống vườn tháp của Thiên Trù, ngày nay du khách còn được chiêm bái một công trình kiến trúc mới đó là tháp Chân Tịnh. Đây là một ngọn tháp độc đáo và kiên cố được xây dựng hoàn toàn bằng đá xanh để báo đáp thâm ân tôn sư của hàng pháp tử trong sơn môn cũng như phật tử đối với Thượng toạ Thích Viên Thành.

Sự độc đáo của gác chuông Thiên Trù là ở chỗ sử dụng cột chống đỡ toàn bộ công trình không cần tường xây hai phía hoặc bốn phía như một số gác chuông khác. Gác chuông chùa Hương gồm 4 hàng chân với 16 cột. Bốn cột cái trung tâm chịu lực dược bố trí cách đều ngang, dọc tạo thành khuôn viên vuông cao 6m để từ đó toả ra bốn phía là rường cụt nối với cột quân. Nhìn bên ngoài, gác chuông chùa Hương hiện lên ba tầng với 12 mái chính và 8 mái phụ. Các gác chuông chùa khác chỉ có hai tầng tám mái. Đáng chú ý, 12 đầu đao đều được nghệ nhân làm thành từng cặp đăng đối nhau. Quan sát kỹ trên mỗi đầu đao, dọc theo bờ chảy mô típ tứ linh được sử dụng hài hoà, tài hoa. Cong vút ở đầu đao là đầu rồng miệng phun nước, mặt rồng hướng lên bờ nóc, tiếp đó là chim phượng hướng vào đầu rồng theo thế “long ngài phượng mớm”. Đó chính là sự hoà hợp âm dương trong vũ trụ. Trong tâm thức người Việt cổ, con rồng - mây nước là cứu tinh của cư dân nông nghiệp, biểu hiện của tính dương và con phượng mày ngài, mắt chim, mỏ thú có cách biểu hiện mang tính âm của vũ trụ. Tiếp theo hình tượng rồng, phượng là kìm và nghê. Thông thường những hình tượng này thường bắt gặp ở toà Thiêu hương ở đình làng, song đối với gác chuông chùa Hương, sự sáng tạo là ở chỗ độ dốc của bờ chảy không lớn so với toà Thiêu hương đình làng hoặc gác chuông các chùa khác bởi các đầu uốn cong và đua ra phủ kín tạo thành lớp lớp trùng điệp, trong một bông hoa sen đang nở.

Qua Thiên Trù, theo lối vào động Hương Tích gần chùa Tiên Sơn từ năm 2006 đã có hệ thống cáp treo. Tuyến cáp treo được lắp đặt ở ga Thiên Trù có diện tích 3000m, qua ga Giải Oan - là loại bán ga - diện tích 800m”, rồi đến ga Hương Tích với độ dài 1200m. Nếu đi bộ, từ Thiên Trù vào động Hương Tích, ngày hội đồng du khách có thể mất 1 giờ đồng hồ, nay đi cáp treo chỉ mất 4 đến 6 phút.

chua-tien-son.jpg
Chùa Tiên Sơn

Chùa Tiên Sơn, xưa kia là công trình kiến trúc, điêu khắc to lớn và hài hoà giữa sự kết hợp hai yếu tố chùa và động. Chùa được xây dựng trước cửa động. Sau cuộc tàn phá của giặc Pháp nay chỉ còn động. Động chùa Tiên Sơn thuộc loại to và đẹp so với các động trong quần thể di tích Hương Sơn - chỉ đứng sau động Hương Tích. Cửa động chùa Tiên cao 18m, chiều rộng trong động là 10m và sâu vách đá 21m.

Theo sách Thiên Sơn bảo động lịch sử, theo truyền thuyết và văn bia ghi tạc thì động Chùa Tiên Sơn vốn được mở ra từ lâu đời cùng với chùa Thiên Trù và động Hương Tích. Vì những biến động của thiên nhiên, động chùa Tiên Sơn đã bị lấp đi. Năm Quý Mão (1903), những người tiều phu vào rừng kiếm củi lại phát hiện ra cửa động. Ngay từ năm đó, người ta vào hang dã thấy có tượng Phật. Đặc biệt trên vách đá trước cửa hang có bài thơ chữ Nôm của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm (1767 - 1782).

Trong động chùa Tiên Sơn có nhiều nhũ đá. Từ trên trần hang rủ xuống nhiều nhũ đá hình thù đẹp, lạ mắt. Người xem đã tưởng tượng ra hình dáng cái tàn, cái lọng, cái mũ vàng... Đặc biệt là khi gõ vào nhũ đá phát ra âm thanh của các nhạc cụ bộ gõ như tiếng chuông, tiếng trống.

dun-gao-dong-huwng-tich.jpg
Đụn gạo - động Hương Tích

Về di vật, động chùa Tiên Sơn có 5 bia đá, 14 pho tượng Phật, 3 bát hương sứ thời Nguyễn, 2 cây nến gỗ và nhiều đồ thờ khác. Trong số 14 pho tượng nói trên có 5 pho bằng đá trắng quý hiếm. Đó là các pho tượng tạc theo Phật thoại Nam Hải Quán Thế Âm mà 5 pho tượng đó là 5 người trong gia đình Phật bà Quan Âm.

Chùa Giải Oan tựa lưng vào vách núi. Đây là một ngôi chùa được xây dựng vào một địa thế đẹp: hai bên có am Phật Tích, động Tuyết Quỳnh, phía trước là đường chính vào động Hương Tích. Một vùng núi rừng quanh năm cỏ cây xanh tốt quanh chùa. Chùa Giải Oan được hình thành có niên đại sớm so với các chùa khác trong quần thể di tích, danh thắng chùa Hương. Người Việt căn cứ vào Phật thoại thấy trong chùa có giếng nước thiên nhiên mà nghĩ rằng đó là giếng của Phật bà Nam Hải Quan Thế Âm đã tắm gội, tẩy rửa bụi trần trước khi thành Phật tại giếng này. Như đã nói ở trên, vẻ đẹp của kiến trúc công trình là việc xây dựng đã kết hợp hài hoà với thiên nhiên, trên cơ sở thiên tạo mà mở mang thêm nên phần kiến trúc vừa phong phú mà đỡ tốn kém.

Đền Chấn Song còn có tên gọi là Cửa Võng. Gọi là Cửa Võng vì xưa kia có những dây võ quạch chằng chịt, đan vào nhau như chiếc võng. Quy mô ngôi đền này không lớn nhưng ở ngay sát bên đường từ chùa Giải Oan vào động Hương Tích, vì vậy du khách thường viếng thăm. Đền này thờ bà chúa Thượng ngàn. Theo truyền thuyết dân gian, bà là người cai quản núi rừng Hương Sơn.

Động Hương Tích là tiêu biểu cho vùng thắng cảnh. Người dân quen gọi chùa Thiên Trù là chùa Ngoài và động Hương Tích là chùa Trong. Các di tích khác trong quần thể di tích Hương Sơn nếu vì điều kiện thời gian mà ít tới được trong chuyến tham quan ngắn ngày thì thôi, nhưng động Hương Tích thì hầu như không thể không tới vì “đi thăm Hương Sơn mà không vào động Hương Tích thì coi như không đi tới nơi”.

Theo đường bộ, động Hương Tích cách chùa Thiên Trù 2004m. Cổng động Hương Tích được xây dựng bằng những phiến đá núi tạc vuông vức, hoàn thành việc xây dựng vào năm Đinh Mão (1927). Qua cổng đi xuống 120 bậc đá là tới động. Người xưa tưởng tượng động này là một cái hàm của con rồng mà đuôi rồng ở tận Ái Nàng - hang nước (xã An Phú, huyện Mỹ Đức). Quả núi có động Hương Tích cao thứ hai sau núi Bà Lồ ở phía trước núi chùa Hương. Vào trong động nhìn lên bên trái có dòng chữ Hán khắc trên vách đá “Nam thiên đệ nhất động” (động đẹp nhất trời Nam) và dòng lạc khoản bằng chữ Hán “Đại nguyên soái tổng quốc chính sư thượng Tĩnh vương đặc bút”, đó là bút tích của Tĩnh vương Trịnh Sâm viết năm Canh Dần (1770) và cũng được tạc nổi vào vách đá năm đó.

Thiên nhiên từ hàng ngàn năm nay đã tạo dựng cho hang động này một vẻ đẹp vừa thanh cao vừa gần gũi với đời thường. Trong sự thanh cao này có gắn với đức tín của nhân gian với Phật giáo và vẻ đẹp gần gũi với đời thường, khát vọng của đời thường là tiền bạc, con cái, áo mặc, gạo ăn, của cải... thì lạ thay nhũ đá đã đặt bày cả ở trong động lớn này. Ngay cửa động đi vào một chút người xưa tưởng tượng một lối lên trời là một cái dốc lên cao. Lối xuống âm phủ là một khe ăn sâu xuống lòng hang. Nhìn lên trần động thấy những giọt nước từ nhũ đá tí tách chảy xuống, người xưa gọi là “sữa mẹ” cũng có người tưởng tượng thấy “mưa”: “Cửa chùa cách một bước chân/Trong mưa ngoài tạnh như ngăn nửa trời”. Tiếp đó, nhũ đá mọc nhấp nhô cao thấp, người xưa đặt tên là đụn gạo, nong tằm, né kén, chuồng lợn, ao bèo, cây vàng, cây bạc, đầu cô, đầu cậu... Đáng chú ý đây là một hang động rất lớn: cửa động cao 41m, chiều sâu vào núi 82m và chiều ngang cửa động tới 34m. Ngoài sự sáng tạo của thiên nhiên, con người cũng đã dày công tu bổ, tôn tạo cho di tích này. Đó là sự bài trí tượng Phật quy mô ước lệ như một ngôi chùa, gồm các lớp tượng: ba pho Tam thế, Phật A Di Đà, Di Lặc, Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, toà Cửu long, tượng Đức Ông và các pho tượng hậu. Các pho tượng này đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Đặc biệt trong các pho tượng này thì pho Phật bà

Nam Hải Quan Thế Âm mà người Việt Nam theo đạo Phật thường gọi là bà chúa Ba - con gái thứ 3 của Diệu Trang Vương tu hành đắc đạo thành Phật, pho tượng này được tạc bằng đá xanh, có chiều cao từ bệ ngồi đến đỉnh đầu 1,06m. Người xưa tưởng tượng Phật bà với nét đẹp gần gũi với đời thường, mặt nhân hậu từ bi, dáng người thon thả, cổ cao 3 ngấn, có những búi tóc duyên dáng và tà áo mềm mại... đều tạc bằng đá liền khối với tượng. Tượng được tạc vào năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1794).

Trong động Hương Tích còn có một bệ đá thời Hậu Lê. Đây là một bệ đá hoa sen có 3 phần: chân bệ, thân bệ và mặt bệ, gồm những phiến đá vuông vức ghép vào nhau. Xung quanh chân và mặt bệ chạm nổi cánh hoa sen, hai góc có chạm nổi hình người đóng khố, cởi trần đưa tay nâng mặt bệ.

Chùa Thanh Sơn được tu bổ lớn cách ngày nay khoảng 50 năm. Chùa dựa lưng vào núi. Sau núi có một động nhỏ, có những ngách ăn sâu xuống đất. Trong động cũng có nhũ đá rủ từ trên trần xuống tạo thành những hình thù kỳ dị và đẹp mắt. Đặc biệt, động có 4 pho tượng đá, gồm 3 pho Tam thế, cao 0,46m và một tượng hậu cao 0,52m. Cửa động ở đây chỉ cao 2,50m và ăn sâu vào vách núi tới 20m.

Chùa Thanh Sơn có đường thăm động, tạo thành sự liên hoàn khép kín cho một cuộc viếng thăm để thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên và những ngôi chùa nhân tạo.

Sau khi tu bổ những năm gần đây, chùa Thanh Sơn hiện có 15 pho tượng Phật, trong đó có 4 pho tượng tạc bằng đá, còn lại bằng gỗ sơn son thếp vàng. Tượng Phật Quan Âm tống tử được tạc bằng phù điêu. Chùa còn giữ được nhiều di vật gốm sứ thời Lê, thời Nguyễn.

Từ chùa Thiên Trù, theo đường núi dẫn đến chùa động Hình Bồng. Di tích này được mở năm 1920. Hiện tại, do chấn động địa tầng, vòm động đã sụt lở. Cơ quan chức năng và nhà chùa đã tạm thời đóng cửa động, không tiếp khách hành hương ở đây.

Một tuyến suối khác là suối Tuyết đưa du khách đến Trình Phú Yên, đền chùa Tuyết Sơn. Ngồi thuyền trên suối Tuyết, du khách được thưởng thức núi Thuyền Rồng, núi Chim Phượng Hoàng. Trên vách đá núi khắc 4 chữ “kỳ sơn tú thuỷ”. Lên đò rồi vào chùa Bảo Đài theo đường núi, cảnh vật, núi non rất đẹp.

Du khách đi theo đường suối Tuyết, dài bằng 2/3 đường suối Yến dẫn vào Thiên Trù, đò dừng, trước một cảnh núi non và hàng cây cổ thụ sẽ tới chùa Bảo Đài - Tuyết Sơn.

Chùa Bảo Đài kiến trúc kiểu chữ “đinh”. Phần Tam bảo dài 20,8m, rộng 7m, được chia làm 5 gian, kiến trúc gỗ thiên về bền chắc, bào trơn đóng bén, chỉ có một số hoạ tiết dân gian chạm nổi lá lật, lá ngô đồng. Nghệ thuật tập trung cho phần điêu khắc tượng.

Toà Thượng điện chùa Bảo Đài xây cuốn vòm, có 8 pho tượng. Toà ống muống có 3 pho. Các pho tượng này đều được sơn son thếp vàng. Chùa Bảo Đài có nhiều di vật quý như bát hương sứ thời Lê thế kỷ XVII, 2 bát hoa thời Nguyễn, đỉnh đồng, cây nến đồng. bài trí rất trang nghiêm. Trong số 5 đôi câu đối của chùa có đôi câu đối bằng chữ Hán, tạm dịch như sau:

Tạo hoá đặt bày, ở đây nhũ đá, thông cao, thắng cảnh

còn truyền trang sử Việt

Nhân dân ngưỡng mộ, tiếp đến Hinh Bồng, Hương Tích,

kỳ quan từng chép áng thơ xưa

Theo bia đá còn dựng ở động Tuyết thì chùa Động Tuyết được xây dựng năm Giáp Tuất thời Lê Hy Tông. Đi qua chùa Bảo Đài khoảng 1000m khá bằng phẳng là tới động chùa Tuyết. Động chùa Tuyết Sơn có phong cảnh tự nhiên rất đẹp: rừng núi nhấp nhô và những thung lũng. Nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Bên kia là chùa Tuyết/ Phải qua rừng hoa mơ/Anh qua rừng hương ấy/ Thì gặp mắt em cười”. Chùa Bảo Đài là ngôi chùa đẹp, là cửa ngõ để đi vào động chùa Tuyết Sơn. Sách cổ ghi: “Tuyết Sơn ở huyện Hoài An (huyện Mỹ Đức ngày nay) có nhiều lớp núi cao, trong núi có động rất đẹp. Trong động có nhũ đá rủ xuống, trùng trập hiện ra, coi như vảy rồng. Trên ngọn núi có tượng Phật bằng đá, lại có những cây thông mọc từng hàng, coi như một dãy tán. Cảnh trí xanh tốt âm u” (Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí).

Quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương Sơn, ngoài sự nổi bật về chùa chiền, hang động với hàng ngàn di vật quý do bàn tay con người nhiều đời xây dựng, tu sửa còn là vẻ đẹp hài hoà giữa di tích văn hoá và thiên nhiên. Nơi đây tiềm ẩn sự đa dạng về sinh vật cảnh. Sự gắn bó hệ sinh thái núi đá vôi với các thuỷ vực đã tạo lập và là cơ sở tạo lập sự vững bền cho phát triển hệ sinh thái nhân văn. Hệ sinh thái đa dạng sinh học này đã bao đời gắn bó với người dân xã Hương Sơn, vừa tô vẻ đẹp cho chùa chiền, vừa là nguồn sống của bao thế hệ.

hoi-chua-huong.jpeg
Hội chùa Hương

Chùa Hương với những giá trị văn hoá và thiên nhiên nói trên, đã được các bậc tao nhân mặc khách viếng thăm. Vua Lê Thánh Tông, Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm đã từng đến chùa Hương. Ngày 19 - 05 - 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm chùa Hương. Ngồi thuyền theo suối Yến, Người vào chùa Thiên Trù, lên động Tiên Sơn, sau đó vào chùa chính (động Hương Tích), rồi nghỉ trưa ở đền Cửa Võng. Ra về, người ca ngợi cảnh đẹp của chùa Hương và căn dặn cán bộ, nhân dân địa phương phải trồng nhiều cây dọc hai bờ suối Yến, bảo vệ và xây dựng thắng cảnh đẹp hơn để ngày càng có nhiều khách du lịch trong nước và ngoài nước tới thăm.

Quần thể di tích và danh thắng Hương Sơn đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1962. Đây là di tích quốc gia đặc biệt./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Bài liên quan
  • Chùa Đồng Quang (quận Đống Đa)
    Chùa Đồng Quang tên chữ là “Đồng Quang tự” ở số 15 phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, đối diện khu di tích gò Đống Đa, Hà Nội.
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Thầy giáo “không lương” tận tâm vì học sinh nghèo vùng đầm Sam
    Thầy giáo Trần Văn Hòa (xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) hơn 30 năm âm thầm trao truyền con chữ cho trẻ em nghèo và “xóa mù” cho nhiều người ở vùng đầm Sam.
  • Ngọn lửa đam mê khoa học của nữ giảng viên GenZ
    Trong thời đại Gen Z – thế hệ trẻ được biết đến với sự năng động, sáng tạo và không ngừng khẳng định mình – Nguyễn Thị Huyền Trang là một người trẻ minh chứng của trí tuệ, lòng đam mê và tinh thần cống hiến.
Đừng bỏ lỡ
Quần thể di tích - danh thắng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO